(Thethaovanhoa.vn) - Tôi viết những dòng này bằng điện thoại, trên chuyến tàu siêu tốc từ Saint Petersburg về Moskva, về với không khí cuồng nhiệt của World Cup đích thực. Thành phố, sông Neva vun vút sau lưng và những hàng bạch dương lá rung rinh như lời hẹn hò ngày trở lại? Biết bao giờ mới tái ngộ cố đô của Nga?
1. Chỉ bốn ngày nơi đây mà sao quá nhiều lưu luyến.
Dũng nhoài người chào chúng tôi rồi nhảy vội xuống tàu. Vũ Việt Dũng, chàng trai sinh năm 1982 đã có 11 năm làm nghiên cứu sinh tại trường Đại học tổng hợp Saint Petersburg, ngôi trường đại học đầu tiên của Nước Nga. Cuối tháng này, cậu sẽ vảo vệ xong bằng tiến sỹ sinh học sau hơn chục năm trường kỳ đeo đuổi khoa học. Để có thêm thu nhập phục vụ học tập, anh chàng gốc Nam Định đã phải làm thêm. May mắn cho chúng tôi khi đã gặp được một hướng dẫn viên mùa World Cup quá am hiểu Saint Petersburg đến lọ mọ, tình yêu cố đô mà anh em trong đoàn chúng tôi đều cảm nhận sâu sắc nơi Dũng.
Dũng có hai tình yêu lớn ở xứ người. Thứ nhất, dĩ nhiên là trường đại học tổng hợp Saint Petersburg của anh, màu thẫm đỏ nằm êm đềm bên dòng Neva. Địa chỉ học lẫy lừng này là nơi sản sinh ra nhiều nhân vật nổi tiếng của Nga, trong đó có đương kim tổng thống Nga Vladimir Putin và thủ tướng Medvedev. Tìm hiểu lịch sử ngôi trường trứ danh này, tôi nghĩ người nổi tiếng nhất chính là tiến sỹ Perlman, người được mệnh danh thông minh nhất thế giới, và cũng xứng là một trong những người kỳ dị nhất quả đất.
Chẳng là năm 2010, ông được trao Giải thưởng Thiên niên kỷ trị giá 1 triệu USD, do viện Clay tuyên bố trao cho ai giải quyết được một trong 7 vấn đề hóc búa nhất từ trước đến nay trong toán học. Giả thuyết Poincare là một trong số đó, nhưng ông từ chối phần thưởng một triệu USD do Viện toán học Mỹ trao tặng. Rồi, ông bỏ toán học để vào rừng hái nấm, cắt đứt liên hệ với thế giới, sống cuộc đời ẩn dật nghèo khó với mẹ già. Trước đó, Perelman từng được mời giảng dạy ở các trường đại học hàng đầu của Mỹ như Princeton và Stanford, nhưng ông đều từ chối và trở về Viện Steklov của Nga để nhận một vị trí nghiên cứu. Năm 2006, ông từ chối tham dự hội nghị ở Madrid, nơi ông được trao giải thưởng Fieldes, được coi như giải Nobel toán học.
Tôi bảo thích Perlman, Dũng chỉ cười. Ôi thế giới không thiếu những người lạ lùng như siêu sao toán như Perlman. Có lẽ ông đã đạt mọi cảnh giới, nhìn xuyên thấu cõi tạm này chỉ là hư vô.
2.Tình yêu lớn thứ hai của tiến sỹ Dũng là Peter Đại đế, được mệnh danh là “người cha của nhân dân Nga”, người thiết lập Saint Petersburg cũng như đặt nền móng cho nhiều lĩnh vực góp phần làm nên nước Nga vĩ đại.
Trong 4 ngày, tôi đã cùng Dũng rong ruổi khắp Saint Petersburg, đến tất cả các công trình kiến trúc văn hoá xuyên thế kỷ do Peter Đại đế khởi xướng. Thượng đế (nếu có), đã quá ưu ái khi ban tặng cho Saint Petersburg và Nga nói chung, một bộ óc viễn kiến vĩ đại nhất trong lịch sử nước Nga, Peter Đại đế. Tôi không khỏi thổn thức tự hỏi, biết bao giờ Sài Gòn, cùng trên 300 năm tuổi, được một phần nhỏ của Saint Petersburg? Chờ một ông Bí thư thành phố kiệt xuất?
Một cánh én nhỏ, nhiều khi vẫn có thể làm nên mùa xuân.
Tạm biệt Saint Petersburg êm đềm, nên thơ, tôi lại về Moskva, hai thành phố, hai xu hướng. Giới chuyên gia cho rằng lịch sử Nga luôn có sự giằng xé giữa hai xu hướng: St.Petersburg và Moskva.
Một bên là mở ra Phương Tây, tìm các con đường lớn ra thế giới, bên kia là đứng ở trung tâm để làm bá chủ một vùng đất rộng lớn. Một bên nhắm vào thương mại, bên kia vào đất đai, nông nghiệp.
Tuy nhiên, tình hình Nga ngày nay không chỉ đơn giản là vấn đề phong cách của một thành phố. Với 4,7 triệu dân, Saint Peterburg không thể nào cạnh tranh được với Moskva. Saint Petersburg cũng cần phục hồi lại tinh thần cởi mởi, khai phóng văn hóa mỗi khi có khách đến, nói chung là không đơn giản, với tất cả chính quyền lẫn tâm lý người dân các cố đô trên thế giới.
Huế của ta cũng vậy thôi, bao nhiêu năm trở về mảnh đất Phú Xuân chẳng có gì thay đổi đột khởi, chưa hẳn là tốt nếu chỉ “đóng cửa mần du lịch”.
Chào Moskva, tôi mong được gặp tất cả tín đồ bóng đá thế giới hội tụ nơi đây.
Hữu Quý
Từ Saint Peterburg
Tags