Đã có rất nhiều những cuộc bình chọn các khoảnh khắc buồn nhất trong các kỳ World Cup. Đó thường là những hình ảnh gắn liền với những thất bại, khi nước mắt rơi trên má các cầu thủ, khi những cái đầu cúi gục vì đá hỏng một quả phạt đền định mệnh. Nhưng với tôi, đó chính là những giọt nước mắt cổ động viên đã rơi trên các khán đài. World Cup nào cũng thế, rất nhiều.
Cho đến tận những khoảnh khắc cuối cùng, họ vẫn hy vọng. Sau cú sút luân lưu hỏng đầu tiên của Takumi Minamino, họ thảng thốt.
Sau cú sút hỏng thứ hai của Kaoru Mitoma, họ im lặng. Sau cú sút gỡ lại 1-2 của Takuma Asano, họ bắt đầu hát trở lại, cả một khán đài sau gôn trong trang phục xanh của đội tuyển Nhật lại vang điệp khúc "Oh Nippon Oh Nippon". Và cú sút hỏng ăn của Marko Livaja, họ hát to hơn. Nhưng rồi khi đội trưởng Maya Yoshida không thắng nổi sự căng thẳng và đá hỏng lần thứ 3, và Mario Pasalic chấm dứt nỗi thống khổ của những chàng trai Samurai xanh trong loạt luân lưu, nhiều cầu thủ Nhật gục xuống trên sân. Trên khán đài, nhiều cổ động viên bắt đầu khóc. Đấy là một trong những cảnh tượng buồn nhất của World Cup này.
Ăn mừng, hát, dọn rác và khóc
Có một cảm giác đau lòng khi chứng kiến những giọt nước mắt rơi trên má các cổ động viên Nhật Bản sau khi thua Croatia trên chấm phạt đền. Đội tuyển của họ đã chơi trận hay nhất giải, đã mở tỷ số trong hiệp 1, đã vây hãm đối thủ trong một trận đấu sòng phẳng và kiên cường, đã thắp lên trong lòng các cổ động viên một niềm tin mạnh mẽ rằng họ sẽ thắng, sẽ lần đầu tiên trong lịch sử vào đến tứ kết của một World Cup.
Họ hát từ đầu trận, tiếng trống của họ át tiếng hát của các cổ động viên Croatia ở phía khán đài đối diện, và họ nhận được sự ủng hộ của rất nhiều cổ động viên Arab, những người cũng mang theo cờ Nhật Bản và khẳng định rằng, Nhật Bản đã lấy trọn cảm tình của họ. Niềm tin ấy đã được giữ vững cho đến cú sút hỏng ăn của Marko Livaja, và rồi tất cả sụp đổ trong tích tắc, nỗi thất vọng kinh khủng ập đến. Nhưng rồi, giống như dàn nhạc vẫn chơi trên con tàu Titanic đang chìm, bình tĩnh, rắn rỏi và mạnh mẽ, những người Nhật Bản trung thành nhất ở phía khán đài lại hát khúc ca của họ, cảm ơn và động viên những cầu thủ trong hình hài samurai vừa làm động tác harakiri (mổ bụng tự sát) trong loạt luân lưu.
Ở World Cup này, các cổ động viên Nhật Bản rất được yêu mến. Người ta ca ngợi họ ở sự kỉ luật, trật tự, ngăn nắp. Người ta trầm trồ khâm phục và thậm chí cảm động khi thấy những nhóm cổ động viên Nhật Bản ở lại sau các trận đấu để dọn sạch rác ở quanh khu khán đài của họ. Để hưởng ứng, LĐBĐ Nhật Bản đã phát hàng trăm túi rác màu xanh có dòng chữ "Cảm ơn" bằng tiếng Anh, Nhật và Arab cho các cổ động viên để họ làm điều tích cực đang lan tỏa ấy đến cổ động viên nhiều nước khác. Người ta cũng nể phục họ ở nguồn năng lượng tràn trề mà họ thể hiện khi cổ vũ trên khán đài. Nhưng khi chứng kiến họ khóc vì thất bại, người ta lại thấy một khía cạnh khác rất con người của những người Nhật. Họ sắt đá, gan dạ và can trường, nhưng họ cũng biết đau đớn như ai.
Chính HLV Hajime Moriyasu cũng gần như khóc khi đứng ở sân và cúi đầu cảm ơn những người đã sát cánh bên đội bóng của ông.
World Cup của những trái tim vỡ
Cho đến bây giờ, tôi sẽ không thể quên được những hình ảnh đau buồn trên các khán đài.
Đấy là hình ảnh một cô gái tóc vàng rất xinh đẹp đang khóc trên khán đài của trận Brazil-Argentina ở vòng 1/8 World Cup 1990. Lúc ấy, Claudio Caniggia đã làm tan nát trái tim của những người áo vàng-xanh bằng bàn thắng ở phút 80, sau đường chuyền như một nhát dao xuyên thấu của Diego Maradona. Đấy là hình ảnh trên khán đài sân Mineirao của Clovis, cổ động viên nổi tiếng nhất của Brazil, khi khuôn mặt đau buồn của ông nói lên tất cả về thất bại cay đắng 1-7 trước Đức ở bán kết World Cup 2014. Tôi cũng sẽ không quên cảm giác gai người khi nghe tiếng cười như điên dại vì đau đớn của một cô gái Brazil khi nghe radio thông báo Đức vừa sút tung lưới Brazil bàn thứ 5 ở hiệp 1 của trận đấu ấy.
Lúc ấy, tôi đang trên xe bus cùng với cô trở về Belo Horizonte, nơi diễn ra thảm bại của Brazil. Khi xe vào đến thành phố im lặng như một nghĩa trang, chỉ có tiếng còi cấp cứu vang lên ám ảnh đến kinh người. Và rồi tôi thấy những người mang áo số 10 của Neymar đang lầm lũi đi trên phố. Tôi cũng nhớ như in những tiếng khóc của cổ động viên Argentina sau trận chung kết thua Đức 0-1 ở sân Maracana. Và ở World Cup này, ngồi cùng khán đài với các cổ động viên Tunisia mới thấy yêu bóng đá đôi khi đem lại những cảm giác khắc khoải mong manh giữa hy vọng và tuyệt vọng đến thế nào. Tunisia dẫn trước Pháp 1-0 và chỉ có đúng 2 phút hạnh phúc, bởi ngay sau đó, ở trận cùng giờ, Australia ghi bàn vào lưới Đan Mạch ở phút 60 và từ đó đến hết trận, các cổ động viên Tunisia cứ thế sống chông chênh giữa các cảm xúc, để rồi nhiều người bật khóc vì biết họ thắng Pháp mà vẫn không thể vào được vòng 1/8 World Cup lần đầu tiên trong lịch sử.
4 năm trước, Nhật Bản đã thua Bỉ ở vòng 1/8 theo một cách đau đớn. Họ đã dẫn trước 2-0 để rồi bị gỡ hòa 2-2 khi trận đấu sắp kết thúc và rồi cuối cùng Kevin de Bruyne và Romelu Lukaku làm trái tim họ tan nát bằng bàn thắng thứ 3 ở hiệp phụ. Một giấc mơ được thắp lên từ những bàn thắng sớm, trong một trận tưởng như rất tuyệt vời, cuối cùng đã trở thành ác mộng. Trên khán đài, nhiều người đã khóc. Những giọt nước mắt ấy của họ, của biết bao cổ động viên các đội thua trận đã rơi xuống các khán đài, các sân cỏ, các vỉa hè, các đường phố, trong những căn hộ, làm rỉ máu trái tim rất nhiều người. Cứ 4 năm một lần, World Cup trở thành nơi mà người ta, đa phần là đàn ông, khóc như những đứa trẻ. Họ khóc vì những thất bại, những nỗi đau, sự tuyệt vọng. Họ khóc một mình, khóc bên nhau, khóc khi đội bóng mà họ gửi gắm niềm tin và niềm tự hào của họ bị loại. Sẽ có một đội bóng và hàng triệu cổ động viên của họ khóc trong trận chung kết vì thất bại, và một đội bóng cùng hàng triệu người hâm mộ của họ khóc đêm đó, vì chiến thắng.
Trương Anh Ngọc, phóng viên TTXVN, từ Doha, Qatar