Tôi ước gì có thể giúp đỡ họ được phần nào bằng những lời an ủi, những cái ôm, nhưng không thể. Nỗi đau đớn quá lớn, như thể bi kịch thất bại được viết ra là cho họ. Họ đã lên mây ở phút 58, đã chìm trong âu lo từ phút 60 và đã sống phấp phỏng suốt 40 phút còn lại, để rồi giấc mơ lần đầu tiên lọt vào giai đoạn 2 World Cup tan như bong bóng xà phòng dưới ánh nắng buổi sáng Doha.
Aziz ôm chặt lấy cái máy điện thoại, mắt không rời hình ảnh trận đấu Australia-Đan Mạch từ một link lậu, thỉnh thoảng gắt lên khi thấy mạng bị chậm, và rồi khi không xem được trận đấu đang diễn ra cùng giờ ấy, cậu không ngừng hỏi những người đồng hương Tunisia ngồi xung quanh.
Đấy là những phút cuối của trận đấu Tunisia-Pháp và Australia-Đan Mạch, đội bóng Bắc Phi vẫn đang dẫn Pháp 1-0, nhưng ở trận đấu cách đấy chỉ nửa tiếng lái xe, Đan Mạch vẫn bế tắc trước đội bóng xứ sở kangaroo. Aziz và hàng triệu đồng bào của anh cần Đan Mạch gỡ hoà và nhờ thế Tunisia sẽ đi vào lịch sử với một vé vào vòng 1/8. Nhưng điều kỳ diệu ấy, một bàn thắng, chỉ một bàn thắng thôi, như một giới hạn mong manh, đã không bao giờ đến.
Điếc tai giữa những người Tunisia
Đến bây giờ, khi đang ngồi viết bài này, một bên tai tôi vẫn còn hơi ù. Đơn giản bởi vì nó không chịu nổi một lượng decibel quá lớn mà nhóm các cổ động viên Tunisia đã tạo ra trong gần 100 phút của trận đấu giữa Tunisia và Pháp.
Lô ghế của cánh phóng viên được bố trí ngay phía trước khu khán đài của hàng nghìn cổ động viên Tunisia, nhiều trong số họ còn nhảy cả vào những chiếc ghế trống của cánh nhà báo, và ở đó, họ tạo ra một màn âm thanh kinh khủng bằng tiếng hát, tiếng huýt sáo, tiếng la ó, tiếng chửi rủa dành cho trọng tài mỗi khi họ cảm thấy các quyết định của ông không đúng, những lời động viên cho các cầu thủ yêu thương của họ bằng tiếng hát có câu "jouer" (đá đi, tiếng Pháp). Và chính từ họ vang lên những tiếng hò reo bất tận làm các khán đài như có động đất khi Tunisia sút tung lưới Pháp bằng bàn thắng của tiền đạo Wahbi Khazri, người được sinh ra ở Ajaccio, đảo Corsica, và cũng như Napoleon vĩ đại, người gốc Ajaccio, đã chinh phục được Pháp bằng một bàn thắng lịch sử.
Ngồi giữa hàng nghìn cổ động viên ủng hộ cho một đội bóng luôn đem đến một cảm giác rất đặc biệt, và ở World Cup còn đặc biệt hơn nữa, bởi đấy là màu cờ sắc áo, là tình yêu xứ sở đặt trong tình yêu bóng đá, là nỗi đam mê khát khao chiến thắng cháy bỏng. Với những cổ động viên Tunisia, nỗi khát khao còn lớn hơn thế nữa khi đối đầu với Pháp, từng là "nước mẹ" của họ trong hơn nửa thế kỷ, cho đến năm 1956 khi Tunisia giành độc lập. Họ cũng nói tiếng Pháp, cũng chịu những ảnh hưởng của quá trình đô hộ, cũng mang trong mình dòng máu anh hùng chống lại ngoại bang. Chính họ, trong đó có Aziz, đã tạo ra cuộc cách mạng Hoa nhài làm chấn động Bắc Phi trong hơn 10 năm qua. Aziz, từng xuống đường năm ngoái để biểu tình chống chính phủ, nói với tôi rằng, ai trong số các thanh niên như anh cũng có thể là một Mohammed Bouazizi, người thanh niên đã tự thiêu năm 2010 để phản đối chính quyền và từ đó bùng lên cuộc Cách mạng Tunisia, phần mở đầu của Mùa Xuân Arab.
Cả cái khán đài ấy và tất cả những nơi có hàng nghìn cổ động viên Tunisia khác đã huýt sáo ầm ỹ khi trên sân phát lên quốc ca Pháp; đã la ó mỗi khi các cầu thủ Pháp chạm bóng (hôm ấy, Pháp đá đội hình dự bị và nhiều trong số họ mang trên mình nước da đen, cũng là con cháu của những người từng bị Pháp đô hộ trong quá khứ); đã kêu gào đòi penalty trong một tình huống cầu thủ Tunisia bị chèn ngã và cùng hô vang "Palestine Palestine" khi thấy một lá cờ Palestine tung bay trên khán đài đối diện. Và rồi, khi Wahbi Khazri, từng chơi cho U21 của Pháp, ghi bàn thắng mở tỷ số, tất cả như trong một cơn cuồng say vì hạnh phúc, với tiếng hát, tiếng gào, những lá cờ đỏ Tunisia tung bay.
Và nỗi tuyệt vọng vì thất bại
Đấy là hai phút tuyệt diệu nhất đối với họ. Bởi đấy là khi giấc mơ bùng cháy. Bởi Pháp là ĐKVĐ thế giới. Bởi đã 51 năm rồi Tunisia chưa từng thắng Pháp và trong lịch sử 5 lần tham dự World Cup trước đó, quốc gia 11 triệu dân này chưa từng chứng kiến đội tuyển của họ lọt vào vòng knock-out. Aziz ôm chầm lấy tôi, người bỗng nhiên bị bắt buộc phải trở thành một fan của Tunisia. Mà Aziz chẳng thèm quan tâm đến việc người anh đầy mồ hôi và không được thơm tho cho lắm. Không khí xung quanh anh bỗng có mùi nước cam, bởi chẳng hiểu bằng cách nào, chai nước cam anh vừa uống bay lên trời.
Nhưng những nỗi chờ mong kéo dài từ rất lâu biến thành niềm vui chỉ kéo dài 120 giây, bởi sau đó là những nỗi lo âu và căng thẳng đến cùng cực. Trong trận đấu cùng giờ, Australia đã ghi bàn thắng và Đan Mạch, trong cuộc chiến để tồn tại vì chính họ hơn là giúp Tunisia quá xa xôi, hoàn toàn bất lực trong hơn 40 phút và không thể tạo nên một trận hòa như những người Tunisia mong muốn. Aziz ngồi đó cắn móng tay, mắt không rời cái điện thoại mà thỉnh thoảng sóng lại bị lag. Cả khu khán đài chìm trong những suy nghĩ bất tận và nỗi khắc khoải chờ mong một bàn thắng của những người Đan Mạch. Họ cầu nguyện Allah, họ thì thầm tên Eriksen, họ cầu mong Đan Mạch làm được một điều gì đó. Nỗi lo lắng tăng lên khi Pháp tung vào sân lần lượt Mbappe và Griezmann. Những tiếng hát vẫn cất lên, nhưng không đều như trước. Tâm trí họ như thể đã bị chia ra thành hai nửa được nối với nhau bằng sợi chỉ mong manh của số phận, nửa ở sân Education City cho trận này, nửa ở cách đó 27km, trên sân Janoub, nơi Đan Mạch đang đá.
Thế rồi đúng vào những giây cuối, Griezmann gỡ hòa 1-1, còn ở sân bên kia, trận đấu đã kết thúc. Tất cả hiểu rằng giấc mơ lớn đã trở thành ác mộng. Một chàng mang áo số 19 có chữ Benzema chẳng hiểu thế nào lọt vào khu khán đài này ăn mừng như thể đã phát điên. Còn những người khoác cờ Tunisia quanh anh chìm trong một biển im lặng như thể đang trong nhà tang lễ. Aziz gục xuống khóc, để rồi sau đó bừng tỉnh khi cả sân náo loạn trở lại vì bàn thắng ấy bị VAR từ chối. Những khuôn mặt Tunisia quanh tôi vẫn chìm trong bóng tối. Họ hiểu rằng, một chiến thắng là không đủ, họ đã bị loại. 105 phút ấy trên sân Education City là 105 phút khắc khoải nhất trong đời cổ động viên của họ, với rất nhiều lo lắng và căng thẳng, và chỉ có đúng 2 phút hạnh phúc lẻ loi. Tôi ôm lấy Aziz an ủi anh. Aziz khóc nức nở. Ông nhà báo to béo người Nigeria bên cạnh cũng ôm những cổ động viên khác. Những tiếng hát đã tắt khi tất cả cùng rời sân, nhưng cái tai tôi thì ù đặc và trên người phảng phất mùi mồ hôi nằng nặng của Aziz.