Đấy dường như là một buổi tối rất bình thường như mọi tối ở quán Halul Cafe Shisha bên bờ biển Doha. Rất nhiều tivi màn hình lớn trong quán mở oang oang, rất nhiều người đang có mặt trong đó uống và ăn một chút gì đó rất bình dân và hút shisha, nhưng chẳng ai để ý đến việc Messi và các đồng đội của anh đang chinh phục những người Australia.
Tôi ngồi đó, cùng mấy người bạn ở một bàn đối diện, và là những người hiếm hoi ở cái quán café kiêm hút shisha bình dân hiếm hoi trong khu Corniche giàu có và hoa lệ ấy la lên phấn khích khi Lionel Messi ghi bàn. Ở những bàn bên, một sự im lặng như chết bao trùm.
Tại sao ở cái đất Qatar này, nơi mà hầu như ai cũng yêu mến Messi, với rất nhiều cậu bé và thanh niên mang áo số 10 của Messi trên lưng, với những ông chủ đã sở hữu PSG ở tận Paris hoa lệ, lại không thể hiện bất cứ cảm xúc gì cả? Họ không hâm mộ Messi? Không, có lẽ không phải thế, mà họ đang mải chơi tú lơ khơ, ở một bàn khác đang bận chơi domino, quay lưng vào cái tivi, nơi trận đấu đang diễn ra và tay BLV của kênh BeINSport đang nói như liên thanh không ngơi nghỉ.
Quán bình dân trong một thế giới xa hoa
Đấy là một cái quán rất bình dân nằm bên bờ biển, không có những ánh đèn xa hoa lộng lẫy như khu Corniche mà nó nằm trên đó, với những tòa nhà tráng lệ tạo nên hình ảnh của Doha bây giờ.
Nó không giống như một hookah, nơi mà người ta chỉ đến để hút shisha, càng không giống như những quán shisha nổi tiếng ở Doha mà chỉ cần tìm kiếm trên Google bằng vài cú click chuột có thể ra một danh sách rất dài, nhiều trong đó nằm trong các khách sạn 5 sao bậc nhất ở cái xứ sở giàu có và cái gì cũng đắt này. Dưới ánh sáng nhè nhẹ của ánh đèn đường và ánh trăng, cái quán lụp xụp có gắn cờ của các quốc gia dự World Cup 2022 nhìn ra biển, nơi có những chiếc tàu lớn đang đậu, ánh sáng từ đó lấp lánh cho thấy đấy là một Doha khác, một Qatar rất khác so với cái nơi này, với hố xí xổm khai mù, ướt nhẹp và những người phục vụ quán có gương mặt hơi buồn, nói một thứ tiếng Anh sai ngữ pháp be bét.
Khách đến quán đều là người địa phương, trừ chúng tôi. Việc các tối cuối tuần đến đây là một thú vui lớn của họ. Không ai trong số họ là phụ nữ. Ngồi trên những chiếc ghế có phủ thảm, người khoan khoái gặm những chiếc burger làm theo kiểu Âu, người lại như chúng tôi, thích thú hút vào miệng và nhả ra những làn khói trắng từ ống của chiếc bình shisha để bên dưới đất. Ai đã nghĩ ra cái thứ thuốc thơm tho này nhỉ, tôi tự hỏi như vậy khi thả một làn khói có vị dâu? Những người Ba Tư từ nhiều thế kỷ trước, hay những người sống trên tiểu lục địa Ấn Độ đã tạo ra cách giải trí buổi tối nhẹ nhàng như thế này nhỉ? Chỉ biết rằng, ở Doha này, những quán như Halul nhiều lắm, sang trọng có, lụp xụp và cũ nát có, phục vụ tất cả mọi người, kể cả phụ nữ.
Nhưng số phận của thứ thuốc thơm này cũng rất long đong. Nó đã từng bị cấm trong những tháng ngày Covid, dẫn đến sự thất thu của một ngành công nghiệp dựa trên cuộc sống về đêm của quốc gia nhỏ bé theo Hồi giáo này. Và cũng từng có thời, người ta đã nêu lên vấn đề nên cấm shisha vì nó được cho là độc gấp 10 lần hút thuốc lá thông thường. Nhưng bây giờ, những ngày World Cup, người ta lại hút và những cuộc tụ tập như ở Halul diễn ra như một thú tiêu khiển không thể thiếu trong cuộc sống thường nhật.
Messi ghi bàn ư? Đấy là chuyện của cậu ta
Lúc ấy, trận Argentina-Australia vẫn đang diễn ra. Argentina đang chơi một thứ bóng đá cực kỳ hấp dẫn, ít nhất là trên tivi của quán Halul. Thế rồi bỗng nhiên tay BLV nói giọng Arab hô to tên "Messi" hết cỡ. Tiếng của gần chục cái tivi trong quán cộng hưởng thành một tràng hô bất tận.
Nhưng ơ kìa, ngoài tiếng gào rất to của chúng tôi, những người trong quán vẫn im lặng. Bốn người bạn già ngồi trước cái tivi trước mặt chúng tôi vẫn điềm nhiên chia bài, không mảy may quan tâm đến siêu sao người Argentina vừa ghi một bàn thắng phi thường. Họ vẫn chơi tú lơ khơ một cách say sưa, không phải chơi ăn tiền mà là chơi vui, vì theo luật Hồi giáo, cờ bạc là tội lỗi và bị cấm. Có một bác chợt ngẩng lên chứng kiến khoảnh khắc Messi giơ hai tay ăn mừng. Ở những chiếc tivi khác, những người ngồi xem cũng chẳng động tĩnh gì cả. Họ không thích bóng đá? Họ ghét Messi và họ cũng không ưa Argentina? Một cậu thanh niên bảo, không phải thế, chúng tôi chẳng ghét cậu ấy, nhưng ghi bàn là việc của Messi, còn việc chúng tôi là chơi bài, chơi domino!
Một nhóm thanh niên Arab vừa đến, nhưng có vẻ như không có ai là fan Argentina. Người phục vụ mang ra cho chúng tôi mấy cốc trà bạc hà để dùng cùng với shisha, tạo ra một hương vị đặc biệt trong cổ. Trên tivi, vẫn tay BLV ấy, trong một cơn phấn khích như thể cuồng loạn một nhân vật đặc biệt có tên Lionel Messi, sau khi chứng kiến số 10 Argentina có một pha đi bóng như trượt tuyết giữa các hậu vệ Australia, đã vừa hô tên Messi, vừa gào lên bằng tiếng Pháp "Merci beaucoup" (Cám ơn nhiều), với chữ "Merci" đọc gần giống "Messi". Mấy bác già trước mặt chúng tôi đã bỏ đi một nửa, hai người còn lại vẫn chia bài, chẳng thèm quan tâm đến Messi và các đồng đội của anh đang chiến đấu với những người Australia đến những giây cuối cùng.
Ở bên ngoài, trên một tòa nhà lớn nhìn ra quán, trên một tấm vải lớn hàng trăm mét vuông, chính là ảnh Messi đang ăn mừng bàn thắng, hai tay giơ lên trời. Ở cách đó vài trăm mét, với một màn hình lớn được quây kín, có cảnh sát đứng bảo vệ, cả nghìn người lao động nghèo đủ các quốc tịch khác nhau đang hò hét cổ vũ cho Lionel Messi và các đồng đội của anh. Họ reo vang sung sướng khi tiếng còi cuối cùng cất lên. Messi là thần tượng của họ, niềm vui lớn lao của họ, là giấc mơ mà họ hướng tới sau mỗi ngày lao động mệt nhọc. Họ, những người không đủ tiền để mua vé vào xem các trận đấu của giải, có lẽ không muốn World Cup này kết thúc và không hề muốn Messi sớm về nhà. Tối nào họ cũng tập trung ở đây, xem các trận đấu. Ở một đầu của khu vực xem màn hình lớn ấy, có một anh bảo vệ đang cắm mặt vào điện thoại, chẳng hề quan tâm đến việc Argentina đã vào vòng 1/8. Trăng trên đầu anh sắp tròn…
Có hàng trăm quán shisha lớn nhỏ, sang trọng và kém sang trọng, lung linh sặc sỡ đắt tiền và rẻ tiền, lụp xụp ở Doha, Qatar. Đấy là một trong những nơi mà người Qatar, chủ yếu là đàn ông đến để giải trí mỗi tối, nhất là những ngày cuối tuần. Ở đấy, người ta có thể hút một mình hoặc với bạn bè, nhưng thường là ít khi người ta đi hút shisha có một mình. Ngồi bên những bình shisha, dùng cần để hút, đặc biệt là trong những ngày World Cup này, là điều mà nhiều cổ động viên sang đây xem các trận đấu đã làm.
Nhiều người nói rằng, shisha không có hại cho sức khỏe, do hương vị trái cây và khói đã được lọc qua nước trước đó, nên hút vào sẽ giảm độc tố. Nhưng tôi không thấy như vậy. Cảm giác hơi tê tê đầu sau một tối ngồi hút shisha và xem Messi là có thật. Trên thực tế, trong shisha vẫn có chứa một lượng nicotine nhất định và có cả chất gây ung thư độc hại, vì những chất này không được lọc qua nước nên có thể ảnh hưởng đến phổi. Hút shisha có gây nghiện và độc hại cho cơ thể không? Khoa học bảo có, nhưng một người chơi tú lơ khơ ở quán Halul thì bảo, chẳng vấn đề gì, cứ vui đi. Vâng, cứ vui đi, tôi đã như thế. Và ở cái quán nhỏ lụp xụp ấy, một cách rất tỉnh táo mà không bị tác động bởi shisha, tôi đã chứng kiến một phần cuộc sống nơi này. Có bóng đá hay không, có Messi hay không, người ta vẫn đến đây để thư giãn, để gặp gỡ bạn bè, để giết thời gian và để yêu cuộc đời của chính họ.
Trương Anh Ngọc, phóng viên TTXVN, từ Doha, Qatar
Tags