Tròn 20 năm trước, ngày 6/5/2004, tôi có mặt trong sự kiện ra mắt phim truyện Ký ức Điện Biên tại Hà Nội nhân kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5/2004). Và hôm nay, tôi xem lại bộ phim trong Tuần phim kỷ niệm 70 năm giải phóng Điện Biên. Theo dòng ký ức, bộ phim xúc động, hấp dẫn, đầy cảm hứng nhân văn, thấm đẫm tình người cao cả không biên giới đã chạm đến trái tim của đông đảo khán giả.
1.Ký ức Điện Biên là phim truyện nhựa có độ dài 120 phút được đạo diễn Đỗ Minh Tuấn thực hiện từ kịch bản Nguyễn Thị Hồng Ngát - Đỗ Minh Tuấn, cùng một ê-kíp sáng tạo: NSƯT Nguyễn Đức Việt (quay phim), họa sĩ Vũ Huy (thiết kế mỹ thuật), nhạc sĩ Trọng Đài (âm nhạc)... Phim do Hãng phim truyện Việt Nam sản xuất năm 2004, hoàn thành sau 8 tháng triển khai sản xuất ở Việt Nam, Paris và Thái Lan. Đáng nói, Ký ức Điện Biên được giới chuyên môn đánh giá là đã thoát khỏi lối mòn của phim chiến tranh, thể hiện sự sáng tạo và tìm tòi riêng của đạo diễn và biên kịch.
Theo nhà biên kịch Hồng Ngát, khi thực hiện bộ phim, đạo diễn Đỗ Minh Tuấn phát triển thêm về giai đoạn hậu chiến. Và vì thế, kịch bản phim ghi hai tác giả Nguyễn Thị Hồng Ngát và Đỗ Minh Tuấn. "Khi làm phim này, tôi vẫn đang công tác ở Cục Điện ảnh. Khi phim đang quay ở Hoà Bình, tôi đã lên với đoàn phim. Tôi cảm động khi thấy các nghệ sĩ đã lao động hết mình ở trường quay. Đó là những con người bình dị làm nên lịch sử. Cho đến nay phim Ký ức Điện Biên vẫn là bộ phim được phát sóng trên VTV hàng năm. Tiếc là phim điện ảnh chiến tranh ít được ra rạp...".
Phim được dẫn dắt theo dòng ký ức của nhân vật Bạo (diễn viên Quang Ánh đóng) - người lính vệ quốc đoàn trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa gặp lại Bernard - người lính Pháp hàng binh trước kia - tại một hội thảo ở Hà Nội sau nửa thế kỷ.
Là một lính Pháp, Bernard quyết định đầu hàng đối phương. Bạo là chiến sĩ Điện Biên nhận nhiệm vụ giải tù binh về hậu phương. Câu chuyện xoay quanh 3 nhân vật: Bernard, Bạo và Mây. Mây là nữ sinh Hà Nội thạo tiếng Pháp được giao nhiệm vụ băng bó vết thương và phiên dịch.
Trong hành trình trở về hậu cứ, những chuyện liên tiếp xảy ra với 3 nhân vật vừa bi hài, vừa lãng mạn. Bernard bị thương được y tá Mây chăm sóc tận tình, chu đáo. Cả 2 người lính ở 2 chiến tuyến đều cảm mến nữ y tá xinh đẹp. Thấy Bernard và Mây thân mật, Bạo đau khổ, ghen tuông xen lẫn cả căm thù, nhưng phải cố kiềm chế cảm xúc.
Hành trình đi ngược lại đường lên Điện Biên, chứng kiến khí thế, tinh thần yêu nước của người dân Việt Nam "Dân công đỏ đuốc từng đoàn", bộ đội kéo pháo, cảnh sinh hoạt rất gian khổ của bộ đội, cảnh đổ nát... khiến thái độ của Bernard dần thay đổi…
Một lần trong đêm mưa, không thấy Bernard, tưởng tù binh bỏ trốn, Bạo tức giận vác súng đi tìm mặc cho Mây đuổi theo can ngăn. Nhưng chứng kiến Bernard ngồi khóc giữa bãi xác đồng đội, thì Bạo chùng lại, điều chỉnh lại cách suy nghĩ trước đó của mình. Bạo hiểu nhiệm vụ của mình là giải tù binh về hậu cứ an toàn ngay thời điểm chiến dịch Điện Biên bước vào giai đoạn cuối. Mây đến, mũi súng của Bạo đã từ từ hạ xuống. Còn Bernard giúp cho quân đội Việt Nam hiểu được sơ đồ chiến đấu của địch, chiếm đồi A1. Trong hành trình này, sự hấp dẫn từ Bernard đã toát ra một cách tự nhiên. Bạo cảm nhận được sự thân thiện, ân cần, chân thành, lịch lãm... mà trước đó anh chỉ thường trực sự nghi kỵ, cảnh giác, ghen tuông... Bạo và Bernard trở thành bạn bè.
Sau này trở lại Việt Nam, Bernard đã tìm, giúp Bạo đưa cháu nội sang Pháp chữa bệnh và học múa. Bạo đã sang Paris dự lễ tốt nghiệp của cháu khi trình bày tác phẩm múa đương đại Ký ức Điện Biên.
Hành trình "Ký ức Điện Biên"
Phim Ký ức Điện Biên đoạt nhiều giải thưởng: Tại giải Cánh diều 2004, phim đoạt giải Đạo diễn xuất sắc nhất cho Đỗ Minh Tuấn, Giải Khuyến khích dành cho phim truyện, Giải Âm nhạc xuất sắc nhất cho nhạc sĩ Trọng Đài.
Ký ức Điện Biên được mời tham dự LHP Quốc Locarno (Singapore); được một số nước châu Á mua bản quyền khai thác phát hành băng đĩa để chiếu rạp, phát hành DVD và chiếu ở các nơi công cộng. Đến với hàng triệu khán giả quốc tế, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam anh hùng, dũng cảm, nhân hậu, ứng xử nhân văn được chuyển tải sinh động qua phim "Ký ức Điện Biên".
2. Bao tâm huyết, cảm xúc sáng tạo dành cho bộ phim, đạo diễn Đỗ Minh Tuấn khẳng định phim Ký ức Điện Biên thành công cả về nghệ thuật và về hiệu quả xã hội. Đây là bộ phim nhìn sự kiện lịch sử từ góc nhìn văn hóa đa chiều với những suy nghĩ, cảm xúc rất riêng của từng nhân vật.
Song, việc làm phim về chiến tranh nói chung, trong đó có phim chiến dịch Điện Biên Phủ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Bối cảnh phim cần phải được đầu tư nhiều đại cảnh mới ra được cái "chất Điện Biên" với giao thông hào, hầm hàm ếch, súng ống, bom đạn, lô cốt, cứ điểm địch, trận địa chiến hào, đào hầm hào ban đêm, dân công thồ hàng lên Điện Biên...
Đạo diễn thừa nhận: "Khó nhất là làm bối cảnh cho những bộ phim về Điện Biên Phủ. Để có những cảnh quay đẹp như cảnh kéo hàng chục chiếc xe pháo, tôi đã nhờ sự giúp đỡ của binh chủng pháo binh. Hơn nữa, họ còn nhiệt tình giúp đỡ thuê trực thăng để có những cảnh quay hoành tráng từ trên cao...".
Bên cạnh những đại cảnh hoành tráng, đạo diễn Đỗ Minh Tuấn chú trọng xây dựng nhiều phân cảnh phim xúc động như: Bộ đội ta đào hầm ngầm và đánh khối bộc phá nặng ngàn cân, phá hầm ngầm đồi A1; cảnh bộ đội ta hy sinh; Bernard bỏ lên đồi A1 tìm xác bạn trong đêm; Mây và Bernard bị lạc trong rừng; anh nuôi Túc dạy tiếng Việt cho Bernard... Đặc biệt cảnh đặc tả cưa chân lính Pháp trong hầm ám ảnh bởi tiếng rên la thê thảm đã tác động mạnh mẽ đến Bernard. Sau khi chứng kiến đồng đội quằn quại trong cơn đau, người lính Pháp hoảng loạn đã quyết định trốn khỏi hàng ngũ, chạy về phía bên kia...
3. Sự gặp gỡ, cộng hưởng của đạo diễn Đỗ Minh Tuấn và biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát - vốn là 2 nhà thơ - đã mang đến cách xử lý mạch phim đầy cảm xúc, khai thác sâu tâm lý nhân vật, ghép nối các chi tiết chặt chẽ, mạch lạc, tình huống phim trở nên mềm mại, đầy chất thơ... Cảnh màn múa đương đại hoành tráng với mấy trăm bộ đội múa thi vị và nên thơ. Cảnh thấy Bernard khát, Bạo vội cầm bi đông băng đi lấy nước suối và thắt lòng khi trở về chứng kiến Mây cho Bernard uống những giọt sương từ một bông hoa dong riềng. Cảnh Bernard khóc khi nhìn chiếc bi đông ghi tên Jacques - một đồng đội của mình đã chết. Cảnh Mây ôm choàng Bạo khi mũi súng dần hạ xuống biểu hiện cho lòng nhân ái, khoan dung vốn là truyền thống văn hóa của người Việt Nam. Chính lúc đó tình yêu bừng sáng giữa Bạo và Mây. Theo đạo diễn, đây là điểm nhấn thăng hoa cho nghệ thuật trong khoảnh khắc cả 3 người cùng chung cảm xúc nhân văn, khoảnh khắc sống còn...
Góp phần làm nên thành công cho bộ phim phải kể đến phần thiết kế xuất sắc bối cảnh chiến trường. Được giao nhiệm vụ quan trọng này, họa sĩ Vũ Huy - con trai nhà văn Vũ Tú Nam và nhà văn Thanh Hương - đã kỳ công phục dựng bối cảnh, phục trang đạt sự chân thật nhất. Hầm Đờ Cát, ụ súng, ngọn đồi… được phục dựng theo tỷ lệ 1:1... để Ký ức Điện Biên đến với khán giả chân thực, thuyết phục nhất.
Làm nên thành công cho bộ phim là sự hóa thân của các diễn viên trẻ: Nhân vật Bạo do diễn viên Phạm Quang Ánh, Hà Đình Trọng đóng ở 2 thời điểm trẻ và già. Diễn viên Kiều Anh đóng y tá Mây và Vân (cháu của Bạo). Hai cha con Lê Nuôi và Isaak Lê đóng vai tù binh Bernard lúc trẻ và già...
Phạm Quang Ánh - cậu sinh viên tài năng tôi đã dạy tại Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội chia sẻ tại một cuộc giao lưu: "Nhân vật Bạo đánh dấu thành công trong sự nghiệp diễn xuất của tôi. Còn nhớ khi chú Đỗ Minh Tuấn tuyển chọn diễn viên, chú yêu cầu tôi phải giảm cân cấp tốc trong 10 ngày. Sau quá trình miệt mài giảm cân, khi thấy tôi, chú đã thốt lên "Thằng Bạo đây rồi! Chính nó đây rồi!".
Chàng trai hóa thân làm người lính Điện Biên hồi 10 năm trước đó vừa được phong danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú lần thứ 10 năm 2024 này.
Cơ duyên từ một truyện ngắn
Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát đã chia sẻ với tôi về kịch bản phim: "Thiếu tướng - nhà văn Chu Phác có truyện ngắn về Bernard - một tù binh Pháp trong trận Điện Biên Phủ. Đúng ra, đó là ghi chép của nhà văn về người tù bị bắt đưa về hậu phương. Chỉ từ một hình ảnh đó, tôi xin phép nhà văn được xây dựng thành kịch bản phim. Lúc đầu, kịch bản phim là Người hàng binh, sau đổi lại thành Ký ức Điện Biên. Trước đó, một vài phim truyện làm trực tiếp chuyện ở chiến trường Điện Biên Phủ. Vì thế, tôi không muốn lặp lại những bộ phim đó trong kịch bản này. Tôi muốn lấy cái nhìn từ đôi mắt của đối phương - một tù binh Pháp. Qua nhận biết của anh ta, hình ảnh con người Việt Nam hiện lên bình dị, nhân hậu, mà vô cùng dũng cảm".
Tags