Kỳ vĩ Núi Chúa vừa được UNESCO vinh danh Khu dự trữ sinh quyển thế giới

Thứ Năm, 16/09/2021 12:00 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Núi Chúa (tỉnh Ninh Thuận) là một trong hai khu dự trữ sinh quyển của Việt Nam vừa chính thức được công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới.

Xây dựng hồ sơ đề cử Vườn Quốc gia Núi Chúa trở thành Khu dự trữ sinh quyển thế giới

Xây dựng hồ sơ đề cử Vườn Quốc gia Núi Chúa trở thành Khu dự trữ sinh quyển thế giới

Viện Sinh thái học miền Nam phối hợp với UBND tỉnh Ninh Thuận tổ chức Hội nghị bàn giải pháp để xây dựng hồ sơ đề cử Vườn Quốc gia Núi Chúa thuộc tỉnh Ninh Thuận là khu dự trữ sinh quyển thế giới.

Tối 15/9/2021 (giờ Việt Nam), tại cuộc họp của Hội đồng Điều phối quốc tế Chương trình Con người và sinh quyển của UNESCO (CIC-MAB) đang diễn ra từ ngày 13-17/9/2021 tại Nigeria, hai khu dự trữ sinh quyển của Việt Nam là Núi Chúa (tỉnh Ninh Thuận) và Kon Hà Nừng (tỉnh Gia Lai) đã chính thức được công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới, nâng số lượng các khu dự trữ sinh quyển thế giới ở Việt Nam lên tổng số 11. 

Chú thích ảnh
Bãi đá “Sao Hỏa”- bãi san hô cổ có từ hàng triệu năm về trước trong cụm du lịch Khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa. Ảnh: Trọng Đạt - TTXVN

 Khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa sở hữu nhiều giá trị về đa dạng sinh học rừng, biển với các loài động, thực vật quý hiếm; cảnh quan thiên nhiên đa dạng mang những nét đặc trưng riêng của vùng khí hậu khô hạn ven biển của Ninh Thuận và khu vực Nam Trung bộ. Với diện tích trên 106.646 ha trong đó vùng lõi có diện tích trên 16.417 ha, vùng đệm trên 48.014 ha và vùng chuyển tiếp trên 42.131 ha, thực hiện ba chức năng gồm: bảo tồn; phát triển và hỗ trợ nghiên cứu; giáo dục và văn hóa.

Chú thích ảnh
Vẻ đẹp hoang sơ của điểm du lịch Hang Rái trong cụm du lịch Khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa. Ảnh: Trọng Đạt - TTXVN

Khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa được các nhà khoa học đánh giá là nơi có khí hậu khắc nghiệt nhất ở Việt Nam hiện nay với lượng mưa trung bình hàng năm dao động từ 700-800 mm, thời tiết quanh năm nắng nóng. Điều kiện khí hậu khô nóng đã hình thành nên một hệ sinh thái đặc thù với diện tích khoảng 10.600 ha, chiếm khoảng 35% diện tích tự nhiên của Khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa.

Chú thích ảnh
 Ảnh: Trọng Đạt - TTXVN
Chú thích ảnh
San hô ở vùng biển ở Khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa. Ảnh: Nguyễn Thành – TTXVN
Chú thích ảnh
Với giá trị đa dạng sinh học cao, khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa (Ninh Thuận) đang là điểm thu hút khách du lịch, các nhà khoa học tới tham quan, nghiên cứu. Ảnh: Nguyễn Thành-TTXVN

Khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa hiện có 1.511 loài thực vật, trong đó có 54 loài được ghi trong Sách đỏ Việt Nam và Danh lục đỏ thế giới (IUCN). Hệ động vật cũng đa dạng với 765 loài được biết đến, trong đó có 46 loài quý hiếm có tên trong Sách đỏ Việt Nam và Danh lục đỏ thế giới. Nhiều loài đang được ưu tiên bảo tồn như gấu ngựa, gấu chó, beo lửa, khỉ đuôi dài, khỉ đuôi lợn, sơn dương, nai, gà tiền mặt đỏ, rùa núi vàng... 

Chú thích ảnh
Loài Cheo lưng bạc Việt Nam (tên khoa học Tragulus versicolor) tại Khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa là loài động vật hơn 30 năm qua chưa có hình ảnh hay thông tin phát hiện tại khu vực cụ thể ở Việt Nam. Ảnh: TTXVN phát

Đặc biệt, Khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa có quần thể Voọc Chà Vá chân đen quý hiếm có tên trong Sách đỏ Việt Nam đang được bảo tồn, phát triển. Ngoài ra, vùng biển của Khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa còn có rạn san hô rất phong phú với 350 loài, trong đó có 307 loài san hô cứng tạo rạn thuộc 59 giống, 15 họ, đặc biệt có 46 loài san hô mới được ghi nhận và phân loại tại Việt Nam. Đây còn là nơi có quần thể rùa biển đến sinh sản hàng năm đang được bảo vệ nghiêm ngặt. 

 

Chú thích ảnh
Cá thể rùa trưởng thành thuộc bộ rùa biển gồm rùa xanh, đồi mồi và quản đồng được thả về lại môi trường sống tự nhiên ở Khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa. Ảnh: Nguyễn Thành – TTXVN

    TTXVN

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›