(Thethaovanhoa.vn) - Đã từng “chinh chiến” đến 15 kỳ SEA Games trong hơn 30 năm qua, nhà báo Nguyễn Lưu có được sự am hiểu tường tận, góc nhìn sắc sảo. Hôm nay, ông nói về bóng chuyền ở kỳ Đại hội lần này.
Chờ sự bùng nổ của những “Hoa khôi” bóng chuyền trên sàn đấu
* Thể thao & Văn hóa: Thưa nhà báo Nguyễn Lưu, người xem đang rất háo hức chờ đợi những màn so tài hấp dẫn của môn bóng chuyền tại SEA Games 31, nhất là bóng chuyền nữ. Ông dự cảm về điều này thế nào?
- Nhà báo Nguyễn Lưu: Phải nói ngay thế này, ở ta bóng chuyền luôn được quan tâm, chỉ sau bóng đá. Nhân dân rất yêu mến, đặc biệt là bóng chuyền nữ. SEA Games lần này cũng vậy, người hâm mộ đang kỳ vọng 2 đội tuyển bóng chuyền nam - nữ sẽ chơi bùng nổ trên sân nhà.
Tôi xin chia sẻ quan điểm của riêng mình về bóng chuyền nữ Việt Nam. Đội tuyển bóng chuyền nữ nước nhà đã lần đầu tiên giành HCB SEA Games 2001 ở Malaysia.Đã 21 năm rồi, chúng ta chỉ về nhì SEA Games với 9 tấm HCB. Năm nay, chúng ta cũng đặt chỉ tiêu có được HCB nhưng chỉ tiêu này cũng không phải dễ để có được. Bởi chúng ta đang đứng trước “bản đồ” bóng chuyền nữ Đông Nam Á đang thu hẹp về số lượng nhưng nâng cao về chất lượng. Điều quan trọng nhất về tính cạnh tranh nằm ở chỗ đó.
Bóng chuyền nữ khu vực lúc này có 5 quốc gia tham gia đánh với nhau. Thái Lan về nhất rất nhiều năm nay, Việt Nam thứ nhì, sau đó Indonesia, Malaysia và Philippines. Số lượng các đội tham gia rất ít nhưng khoảng cách về trình độ đang xích lại gần nhau một cách đáng kể. Điều này hứa hẹn về những trận đấu đáng chờ đợi của những “hoa khôi” sàn đấu tại SEA Games lần này.
* Với tâm thế thi đấu trên sân nhà, rất nhiều kỳ vọng bóng chuyền Việt Nam sẽ có kỳ SEA Games bùng nổ, đặc biệt ở đội tuyển nữ. Vậy với trình độ hiện hay cùng tương quan lực lượng, ông nhìn nhận điều này như thế nào?
- Trước hết, nói về đội bóng chuyền nữ Thái Lan, quốc gia thống trị nội dung này ở khu vực. Theo thông tin mới nhất bóng chuyền nữ Thái Lan tham dự SEA Games 31 thiếu vắng “bộ 6” huyền thoại. Năm nay bóng chuyền nữ Thái Lan mang đến một đội hình trẻ hóa, không có sự xuất hiện của bộ 6 huyền thoại: Pleumjit Thinkaow, Wilavan Apinyapong, Nootsara Tomkom, Onuma Sittirak, Malika Kanthong, Amporn Hyapha. Với người hâm mộ bóng chuyền ở Việt Nam đây là 6 cái tên quen thuộc, tạo nên thương hiệu của bóng chuyền nữ Thái Lan trong suốt gần hai thập kỷ qua. Những VĐV này thật sự kinh khủng, họ đã từng thi đấu thành công ở Thổ Nhĩ Kỳ, Đức. Họ đã giúp bóng chuyền Thái Lan thắng Trung Quốc, thắng Nhật.
Lớp trẻ của bóng chuyền nữ của Thái Lan hiện nay rất tốt. Tôi quan sát kỹ, theo dõi sát sao thì thấy rằng trong khi các VĐV trẻ Việt Nam còn có khoảng cách đáng kể so với lứa đàn chị như Kim Huệ, Ngọc Hoa. Trái lại, lứa trẻ của Thái lại không khác lứa đàn chị bao nhiêu. Họ có thua thiệt một chút về kinh nghiệm nhưng lại hơn về tư duy, hơn về thể hình. Chính điều này rấ khó để bóng chuyền nữ Việt Nam đổi màu tấm huy chương. Tôi cho rằng bóng chuyền nữ Thái Lan vẫn sừng sững như một ứng viên nặng ký nhất cho tấm HCV.
Bóng chuyền nữ Indonesia trước đây đã từng thua ta. Tuy nhiên, gần đây họ đã cải thiện rất nhiều. Tại SEA Games 30 - 2019, tôi tận mắt chứng kiến chủ công Megawati Hangesti Pertiwi của Indonesia từ Mỹ về thi đấu xuất sắc. VĐV này đã ghi 31 điểm và được chọn là VĐV hay nhất môn bóng chuyền nữ. Người Indonesia đang chơi bóng chuyền tốt, quyết tâm rất lớn cho SEA Games năm nay.
Đội thứ 3 là đội Philippines cũng rất đáng ngại. Chúng ta biết năm nay bóng chuyền nữ Philippines có những đầu tư rất lớn. Danh sách tập trung đội tuyển nữ Philippines gồm những VĐV quen thuộc như Alyssa Valdez, Dawn Macandili, đặc biệt họ sở hữu 2 cầu thủ cao trên 1m9. Đó là phụ công cao 1m95 Jaja Santiago, người từng chơi bóng tại Nhật Bản và giờ đã trở về Philippines thi đấu. Dell Palomata là người còn lại,sinh năm 1995 với chiều cao 1m91 cũng thi đấu vị trí phụ công. Với cặp phụ công cao ngất ngưởng, hàng phòng thủ Philippines sẽ rất mạnh ở khâu chắn bóng.
Về phía đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam thì sao? Lúc này đang dùng HLV Thái Thanh Tùng dẫn dắt đội nữ. Thái Thanh Tùng là HLV có nhiều kinh nghiệm, mát tay, tốt bụng, tính tình hiền lành. Tuy nhiên, về chuyên môn ,trong chừng mực nào đó, Thái Thanh Tùng chưa thật sự có nhiều đột phá.
SEA Games lần này, lực lượng nhân sự của tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam có sự kết hợp giữa sức trẻ và kinh nghiệm. Một số VĐV trẻ đã cống hiến ở kỳ SEA Games 30 trên đất Philippines như Kiều Chinh, Lâm Anh đã cho thấy sự trưởng thành, bản lĩnh và kinh nghiệm trận mạc.
Bên cạnh đó, chủ công số 1 của bóng chuyền nữ Việt Nam Trần Thị Thanh Thúy cũng đã trở về từ Nhật Bản để cùng đội tuyển chuẩn bị cho SEA Games 31. VĐV sinh năm 1997 sau khoảng thời gian thi đấu ở Nhật Bản đã tôi luyện được kinh nghiệm bản lĩnh, dẫn dắt đồng đội.
Ngoài Thanh Thúy, đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam kỳ vọng vào Bích Tuyền. Ở SEA Games 30. Có khả năng bật nhảy cao nhất đội giúp Bích Tuyền tung ra những pha đập bóng đầy uy lực ghi điểm. Nếu thi đấu thăng hoa, Bích Tuyền cùng Thanh Thúy hứa hẹn cùng tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam tạo ra bất ngờ.
Với tôi, những Thanh Thúy, Bích Tuyền sẽ tạo ra sức công phá dữ dội. Tuy nhiên, tôi vẫn chờ đợi và kỳ vọng làm sao nhào nặn được 2 “khủng long” này cùng với những VĐV cònlại “hát chung một bài ca” mới thật sự phát huy hết năng lực của họ. Ví như cả Thúy và Tuyền đứng với nhau vào đội hình với Thu Hoài, Lâm Anh sẽ kết nối sức mạnh thế nào.
Tôi vẫn hy vọng rằng nếu mọi việc suôn sẻ, tốt đẹp, đội nữ bóng chuyền sẽ thể hiện được hết năng lực của mình. Tôi tin các VĐV sẽ đoàn kết, phát huy sức mạnh cùng lợi thế sân nhà để hoàn thành chỉ tiêu có được HCB.
Lo cho đội tuyển bóng chuyền nam
* Rất nhiều bất ngờ xen lẫn hoài nghi khi đội tuyển bóng chuyền nam Việt Nam đặt mục tiêu đoạt HCV ở SEA Games 31. Góc nhìn, quan điểm của ông thế nào với mục tiêu này?
- Mục tiêu có được HCB của đội nữ vừa vẹn, hợp lý. Vấn đề đau đầu còn lại chính là đội tuyển bóng chuyền nam.Bóng chuyền nam từng sở hữu lứa tuyển thủ tài năng cũng đã từng có HCB. Nhưng đã từng có “sự cố” làm chúng ta suy nghĩ nhiều. Ví dụ gần nhất ở SEA Games 30 -2019. Năm đó, rất nhiều hứa hẹn nhưng bóng chuyền nam gây thất vọng tràn trề khi thua cả 3 trận vòng bảng trước Indonesia, Philippines và cả đối thủ chưa từng vượt qua mình trước đó là Campuchia. Điều đó rất buồn và được quy lỗi cho HLV. Tuy nhiên, theo tôi lỗi không hẳn do thầy, do nhiều yếu tố còn lại với môn tập thể.Bóng chuyền nam yếu tố chiến thuật phức tạp hơn nữ. Chính vì vậy điều cần nhất ở đội nam là thống nhất, đoàn kết.
Hay chuẩn bị cho SEA Games lần này là “sự cố” Từ Thanh Thuận. Dù giờ chót, Từ Thanh Thuận đã được gọi bổ sung lên đội tuyển. Chính bản thân tôi đã trao đổi với lãnh đạo ngành Thể thao, bộ môn bóng chuyền và cả Từ Thanh Thuận để cậu ấy được lên tuyển trở lại vào phút cuối.Nhưng áp lực với Từ Thanh Thuận cũng từ chỗ đó. Nếu cậu ấy chơi tốt thì không sao, ngược lại phong độ không cao sẽ lại có nhiều “lời ra tiếng vào”, mang tiếng chứ chẳng chơi.
Chất lượng đội tuyển bóng chuyền nam Việt Nam không hẳn quá yếu nhưng thường khó vượt qua rào cản tâm lý, đôi khi là cả sự kết dính của đội tuyển. Vậy nên, với tôi, việc giành được HCB đã khó chứ đừng nói đến HCV cho bóng chuyền nam.
Vấn đề của các tuyển thủ bóng chuyền nam là tập trung với tinh thần tốt nhất, đoàn kết cao độ. Mỗi cá nhân tuyển thủ sẵn sàng “cháy” hết mình trong từng pha bóng sẽ tạo nên một tập thể vững mạnh. Việc thi đấu trên sân nhà, được khán giả nhà cổ vũ cuồng nhiệt cũng là lợi thế lớn với đội tuyển bóng chuyền nam Việt Nam.
* Xin được cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
Trần Tuấn (thực hiện)
Tags