(Thethaovanhoa.vn) - Cần thẳng thắn với nhau rằng, nếu CHDCND Triều Tiên không bị cấm thi đấu, ĐT nữ Việt Nam khó lòng chen chân vào Top 5 châu lục và đứng trước cơ hội lớn dự VCK World Cup bóng đá nữ, đặc biệt sau sự kiện AFC thu nạp Australia cách đây vài năm. Nhưng, bóng đá là thế và chưa ai từng quên, Đan Mạnh đã từng lên ngôi ở EURO 92 thông qua chiếc vé thông hành kiểu này (thay thế Nam Tư vào phút cuối do những bất ổn chính trị).
Với đẳng cấp như hiện tại, sẽ là lạc quan tếu nếu kỳ vọng chúng ta sẽ làm được điều kỳ diệu như Đan Mạch tại sân chơi Canada 2015. Song bất luận thế nào, lịch sử đã và sẽ lưu danh những cô gái vàng Việt Nam.
Hôm nay ta cứ vui
Nhắc lại một chút, cùng với Nhật Bản (ĐKVĐ thế giới), Australia (nhà vô địch châu Á), Trung Quốc, Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên là những đội bóng thuộc đẳng cấp thế giới. So với các quốc gia thuộc khu vực Đông Nam Á, dù có phong trào bóng đá nữ khá phát triển ở tầm châu lục, thì nhóm 5 đội bóng vừa nhắc ở trên đương nhiên là những đàn chị.
Nhưng CHDCND Triều Tiên đã tự loại mình ra khỏi cuộc chơi với vụ scandal doping bị phát giác. Nó như một món quà cho các nền bóng đá nhỏ hơn như Việt Nam, Thái Lan và Myanmar.
Thắng Jordan 3-1 trong ngày ra quân, gần như chắc chắn chúng ta đã có nửa chiếc vé đến Canada thông qua trận play-off với một trong 2 đối thủ ở bảng B là Thái Lan hoặc Myanmar, những đội bóng đã quá quen thuộc ở các giải đấu cấp khu vực Đông Nam Á, nơi bóng đá nữ Thái Lan đang tạm thời chiếm vị trí số một thông qua chiếc HCV SEA Games 2013.
Nhưng nếu xét theo thành tích trong lịch sử thì ĐT nữ Việt Nam các thời kỳ (từ năm 1999 đổ lại đây) mới là nữ hoàng tuyệt đối với 4 chiếc HCV SEA Games cùng 2 lần vô địch AFF.
Không phải các cô gái vàng Việt Nam sẽ lĩnh ấn tiên phong làng túc cầu Đông Nam Á ở World Cup sắp tới, khó có thể nói là Thái Lan hay Myanmar xứng đáng hơn. Tất nhiên, chúng ta không hão huyền rằng Việt Nam sẽ làm nên điều kỳ diệu ở các giải đấu tầm cỡ thế giới như VCK World Cup bóng đá nữ 2015 tại Canada. Nhưng tại sao phải chế ngự niềm vui chính đáng?!
Giấc mơ World Cup không hề hão huyền và nó chỉ cách chúng ta nửa bước chân nữa. Ơn trời, bóng đá nữ Việt Nam chưa quen với những thất bại khi đối đầu với phần còn lại Đông Nam Á.
Dấu ấn ông Trần Vân Phát
Đằng sau rất nhiều những cột mốc của các cô gái vàng Việt Nam, dấu ấn mà HLV Trần Vân Phát để lại là không hề nhỏ. “Tôi đã và luôn mặc chiếc áo in cờ Tổ quốc của các bạn. Các bạn cũng đừng vội kết tội, rằng tôi không sẵn sàng đối diện với giới truyền thông. Chẳng qua là chúng tôi cần có không gian riêng để làm việc cùng nhau và để tiến về phía trước”, tất cả đều chưa quên phát biểu của HLV Trần Vân Phát trên đất Thái Lan cách đây đúng 7 năm, sau khi vị chuyên gia người Trung Quốc giúp ĐT nữ Việt Nam về nhì ở SEA Games 24.
“Tôi nhận lời dẫn dắt ĐT nữ Việt Nam, khi các bạn đang là nữ hoàng Đông Nam Á và không thể nói là tôi không chịu sức ép”, ông Phát tiếp trong buổi họp báo sau trận thua tức tưởi 0-2 trước chủ nhà Thái Lan ở chung kết SEA Games 2007. Đó là trận đấu mà các cô gái vàng Việt Nam đã không gặp may, khi lần lượt Kim Chi, rồi Mai Lan bỏ lỡ những cơ hội ăn bàn mười mươi ở đầu hiệp một, trước khi Thái Lan vượt lên trong hiệp 2 với sự trợ giúp đắc lực của vị trọng tài người Malaysia, Rita Gani, mà đỉnh điểm là pha thổi penalty ở phút 67.
Trước trận chung kết đó, ĐT nữ Việt Nam đang là ĐKVĐ Đông Nam Á (2006), 3 lần liên tiếp giành HCV SEA Games. Đấy là sự khởi đầu không như mong đợi ở năm đầu huấn luyện ĐT nữ Việt Nam của ông Phát. Nhưng bằng đức tính khiêm nhường, tinh thần vượt khó và không ngừng học hỏi, thầy trò HLV Trần Vân Phát đã đòi lại chiếc HCV tại SEA Games 25 (Vientiane, Lào 2009), tiếp tục lên ngôi ở AFF Cup 2012, trước khi chúng ta có cơ hội lớn bơi ra đấu trường châu lục và thậm chí là thế giới. Tất cả đều không tự nhiên mà tới.
Tuỳ Phong
Thể thao & Văn hóa
Tags