(Thethaovanhoa.vn) - Đấy là một lá đơn gây sốc của người đã đứng trong hàng ngũ nhà giáo trong suốt 16 năm qua - anh Đoàn Hùng Cường, giáo viên trường PTDT Nội trú huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh. Anh không phải là một giáo viên bình thường.
- Phó thủ tướng Vũ Đức Đam: Không thể lùi chương trình giáo dục phổ thông mới
- Cải cách giáo dục toàn diện, cần tầm nhìn rất xa
- Giáo dục trẻ em bằng cách 'không giáo dục'
Anh là một thạc sĩ về lý luận văn học. Nhưng anh lại viết một lá đơn để xin ra khỏi ngành, rời khỏi biên chế, bởi như sau đó anh đã giải thích với một tờ báo mạng, ở một huyện của tỉnh Quảng Ninh, rằng ở nơi anh dạy học, người ta chưa cần đến những người có trình độ thạc sĩ!
Lá đơn ấy gây xôn xao dư luận, bởi lẽ, biên chế là hai từ bằng vàng đối với không ít người, là ước mơ của những người mong mỏi có một chỗ đứng ổn định trong bộ máy nhà nước.
Nhưng anh thạc sĩ này lại xin ra, đơn giản vì không còn muốn gắn bó với một cơ chế thực ra đã trói buộc anh hơn là tạo điều kiện cho anh phát triển và theo đuổi đam mê truyền bá tri thức của mình cho các học trò.
Có một lý do khiến anh ra đi: anh không được hưởng chế độ ưu đãi nhân tài, vì “không thuộc diện trong quy hoạch cán bộ nguồn”. Anh bảo, nghề của anh quá bạc bẽo và sự tôn trọng với nghề không còn, nên anh xin ra khỏi biên chế mà không hề hối tiếc.
Tôi không nghĩ quyết định này là không thấu đáo. Nó giống như việc anh thoát ra khỏi một vòng kiềm tỏa để tìm đến tự do. Nó cũng thể hiện sự quyết đoán của một người đã tin rằng, mình có thể sống được mà không cần đến cơ chế ấy nữa. Nhưng không phải đồng nghiệp nào của anh cũng có thể chia sẻ điều này và làm tương tự, khi sự cống hiến của họ không được ghi nhận, nhưng vẫn phải thỏa hiệp để có được chỗ làm.
Cụm từ “quy hoạch cán bộ nguồn” là con đẻ của cơ chế nhà nước, là thứ mà người ta bám vào để đề bạt cán bộ và cũng lại là một thứ ước mơ cháy bỏng của những ai đã nằm trong biên chế.
Người ta làm tất cả những gì có thể để được có mặt trong danh sách đó. Từ lâu, người ta đã xầm xì đồn đại về việc không ít giáo viên đã phải “chạy” rất nhiều tiền để được dạy ở các trường tốt, đã phải “chiến đấu” thực sự để không bị điều động đến những nơi họ không muốn. Và nữa, cũng không lạ chuyện phải cố gắng có được bằng cấp này kia như một bậc thang để từ đó leo lên cao hơn nữa trong cái bộ máy đã tạo ra hệ thống biên chế, với bằng cấp (dù có được bằng cách nào đi nữa, kể cả bằng gian dối), là một thứ “trang sức” không thể thiếu.
Người ta còn đề cập đến cả việc “chạy” vào biên chế, và rồi được nằm trong “quy hoạch cán bộ nguồn” của ngành giáo dục. Tất cả đều đi cùng với cái giá rất cụ thể được tính bằng tiền, thậm chí rất nhiều tiền.
Có người nói với người viết bài này rằng, họ phải “đè” học sinh để tìm cách bù lại số tiền đã chi ra.Tôi cũng từng nhận được thư riêng của một vài phụ huynh, tâm sự rằng họ không muốn chống lại quyền lực của giáo viên chủ nhiệm lớp con họ và nhà trường dù họ nhìn thấy những sai phạm hoặc lạm quyền, bởi họ sợ chính con mình sau đó bị “trù”.
Cả một vòng luẩn quẩn cứ thế vây bủa lấy tất cả các nhân tố liên quan của nền giáo dục, một thực thể đáng buồn là sản phẩm của cơ chế hiện tại, tạo áp lực kinh khủng lên bất cứ ai trong vòng quay của nó, từ nhà trường, với việc phải có thành tích; giáo viên, những người cũng cần phải sống (mà đồng lương thì sao đủ sống?); cho đến phụ huynh, những người không muốn con mình kém cỏi và ra đời thất nghiệp, và bản thân học sinh, người phải oằn lưng gánh chịu toàn bộ những sức ép nói trên.
Tôi mong người thạc sĩ rời khỏi biên chế và thực sự không hề hối tiếc - như anh đã khẳng định như thế. Nhưng tôi cũng không tin là sẽ có một sự thay đổi nào đó sẽ diễn ra ngay sau đó để tạo điều kiện tốt hơn những người giống anh, đã sống mòn ở một nơi nào đó, khao khát làm những điều có ích mà không thể, vì bị chính cơ chế và những tư duy cũ trói chân tay. Nhưng rất có thể, sẽ có thêm nhiều lá đơn như thế được viết ra, khuấy động dư luận trong một bức tranh nhạt nhòa và được chấm phá bởi rất nhiều nốt buồncủa ngành giáo dục.
Trương Anh Ngọc
Thể thao & Văn hóa
Tags