Những tưởng càng ép bản thân nỗ lực để đạt được mục tiêu là tốt, nhưng đôi lúc cố quá sẽ thành "quá cố", phản tác dụng vì chỉ khiến mình mệt mỏi hơn.
Phải công nhận là người trẻ ngày nay rất bận rộn, họ bận với việc học tập, bận vì mong muốn phát triển và kiếm nhiều tiền nên làm việc đến mức ăn, ngủ thiếu điều độ, bữa có bữa không. Thế nhưng sau cả ngày dài, giây phút ngả lưng nghỉ ngơi tưởng như được mong đợi nhất lại khiến nhiều người cảm thấy vô cùng mệt mỏi, kiệt sức dù không cần làm gì.
Đi làm đã mệt, nghỉ ngơi cũng kiệt sức nốt
Ngô Phương Giang (sinh viên năm cuối tại Học viện Báo chí & Tuyên truyền) chia sẻ: “Vì học năm cuối nên mình rất bận với các bài thu hoạch, luận văn và cả đi thực tập. Ngày nào mình cũng ngủ lúc 1, 2 giờ sáng, sau khi xong việc của hôm đó”. Giang chăm chỉ, cầu tiến nên thành tích đi học và làm việc đều tốt, song tinh thần lại luôn mệt mỏi, uể oải, bứt rứt và ngày càng cảm thấy mất động lực, không có mục tiêu rõ ràng.
“Nhẽ ra cả ngày mệt như vậy thì rất dễ ngủ, thế nhưng cứ đặt lưng xuống là mình lại tự trách bản thân chưa bằng ai, phải tiếp tục ‘cày’ nhiều hơn. Mình luôn nghĩ ngoài kia bao nhiêu người giỏi mà họ còn nỗ lực không nghỉ, vậy mà mình lại đi ngủ sớm thì không thể chấp nhận được. Cứ như vậy, mình lại nằm hoang mang, trăn trở, khó ngủ, rồi càng kiệt sức thêm”.
Mai Phương (sinh năm 1999, là cựu sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội và hiện đang làm việc ở vị trí Trưởng nhóm Marketing) tâm sự: “Từng có thời gian mình rất dễ cáu gắt, căng thẳng, khó chịu với mọi người. Tất cả là do mình bị áp lực quá”.
Phương nói tiếp: “Mình luôn đặt mục tiêu thăng tiến nhanh, kiếm nhiều tiền nên ngoài giờ làm, mình còn học thêm đủ khóa học bổ trợ và nhận cả việc ngoài để va chạm nhiều hơn. Dù vẫn đảm bảo hiệu suất công việc nhưng mình luôn cảm thấy chưa đủ rồi lại đặt cho mình mục tiêu cao hơn, ngày ngày ép bản thân miệt mài đến 3, 4 giờ sáng, lúc nằm ngủ cũng khó vào giấc. Dần dần, tiinh thần kiệt quệ, thể chất cũng mệt mỏi nhiều hơn".
Vì sao người trẻ nằm không mà lại kiệt sức?
Những bất ổn về tâm lý do căng thẳng trong công việc, học tập ngày càng xuất hiện nhiều ở giới trẻ. Trong đó, hội chứng kiệt sức (hay còn gọi là burn-out) chính là tên gọi của việc "nằm không cũng mệt mỏi" đang trở thành nỗi lo ngại lớn vì khiến cả tinh thần và thể lực giảm sút theo chiều hướng tiêu cực.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hội chứng kiệt sức có thể hiểu là biểu hiện mang tính nghề nghiệp xảy ra do căng thẳng trong thời gian dài, mất kiểm soát trong công việc. Tình trạng này khiến người bị burn-out có những triệu chứng như mệt mỏi, mất năng lượng, thường xuyên thấy khó chịu, xa cách, lo sợ, cáu gắt với mọi thứ, mất động lực và hoài nghi về bản thân. Càng như vậy, họ càng tự gây nhiều áp lực cho chính mình nhưng không thể hài lòng với kết quả đạt được, dần dần không chỉ sức khỏe mà hiệu suất làm việc cũng sẽ giảm sút.
Giống như Mai Phương và Phương Giang, họ cho rằng việc nghỉ ngơi rất lãng phí, luôn quanh quẩn với suy nghĩ bản thân chưa đủ giỏi nên ngay cả lúc không làm gì cũng tự thấy áp lực, khổ sở. Không chỉ về tinh thần, Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ (NIH) còn chỉ ra hội chứng kiệt sức có thể dẫn đến các căn bệnh nguy hiểm cho sức khỏe như bệnh tim mạch, tiểu đường loại 2, đau đầu, mất ngủ, các bệnh về dạ dày hay hô hấp...
Thế nhưng người trong cuộc lại rất khó để nhận ra mình có bị burn-out hay không. Có thể họ chỉ nghĩ rằng "có áp lực mới có kim cương" và không biết lý do vì sao mình cảm thấy mệt mỏi đến vậy.
Vậy nên nếu thấy bản thân có các dấu hiệu trên trong thời gian dài, hãy sống chậm lại một chút để nhìn nhận lại quá trình làm việc của mình cũng như tự vấn những suy nghĩ khiến bản thân khó ngủ hàng ngày liệu có đáng hay không.
Rút ra bài học cho mình, Mai Phương chia sẻ: "Mong muốn quá nhiều có thể phản tác dụng vì khiến mình thấy bản thân yếu kém mà quên việc ghi nhận sự cố gắng của mình. Làm việc quá sức còn hủy hoại sức khỏe và các mối quan hệ xung quanh. Rồi mình lại tự hỏi, nếu đã nỗ lực như vậy thì khi đạt được thành quả mình có hạnh phúc hay vẫn tiếp tục thấy chưa bằng ai? Sau tất cả, mình nhận ra bản thân vẫn có thể tốt hơn theo từng ngày mà không cần quá gò bó, khổ sở nên thả lỏng hơn và biết yêu, biết hài lòng với chính mình".
Làm việc mà không thấy vui thì đó không phải công việc tốt. Đạt được điều mong muốn mà không hạnh phúc thì những nỗ lực bỏ ra có xứng đáng? Tóm lại, luôn nhìn nhận bản thân, đặt mục tiêu rõ ràng để cố gắng không phải là xấu, nhưng nếu để áp lực trở thành gánh nặng khiến sức khỏe tinh thần kiệt quệ, phủ nhận chính mình thì sẽ khiến bản thân kiệt sức, mơ hồ. Chúng ta làm việc để sống chứ không phải sống chỉ để làm việc, nên cuộc sống đó phải có cả lý tưởng, sức khỏe và niềm vui.
Tags