Lãi suất tiền gửi ngân hàng liên tục giảm mạnh trong thời gian qua, nhất là sau 4 đợt giảm các mức lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước. Tính đến hết tháng 6/2023, lãi suất huy động bình quân đã giảm từ 0,7-0,8%, xuống còn khoảng 5,8%/năm.
Cụ thể tại các ngân hàng thương mại, nếu ở thời điểm cách đây khoảng 1 tháng, hầu hết lãi suất kỳ hạn 12 tháng niêm yết tại quầy đều trên 8%/năm, thì nay, mức lãi suất này đã trở nên hiếm hoi. Hiện chỉ có duy nhất Ngân hàng thương mại TNHH MTV Xây dựng Việt Nam (CBBank) trả lãi suất 8,1%/năm cho kỳ hạn 12 tháng.
Nhiều ngân hàng vốn huy động lãi suất ở mức cao như Ngân hàng TMCP Bắc Á (BacABank), Ngân hàng TMCP Bảo Việt (BaoVietBank), Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (VietBank), Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB)... nay cũng niêm yết lãi suất kỳ hạn 12 tháng chỉ từ 7,6-7,8%/năm.
Thậm chí như Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), từng dẫn đầu hệ thống với lãi suất "khủng" trong khoảng thời gian dài, có lúc lên tới 10%/năm, thì ở thời điểm hiện tại lãi suất chỉ còn 6,95%/năm cho tiền gửi 12 tháng, rơi xuống nhóm ngân hàng huy động lãi suất thấp nhất thị trường.
Xu hướng giảm lãi suất vẫn tiếp tục mở rộng. Mới đây nhất, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) niêm yết biểu lãi suất tháng 7/2023 giảm tiếp 0,3%/năm đối với tiền gửi trực tuyến các kỳ hạn từ 6 tháng, xuống còn 6,7%/năm; Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) cũng giảm đồng loạt 0,2%/năm lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6-12 tháng và giảm 0,4%/năm với các kỳ hạn từ 13 tháng trở lên, đưa lãi suất cao nhất của ngân hàng xuống 7,6%/năm áp dụng cho tiền gửi từ 10-12 tháng.
Tương tự, Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank) giảm 0,3%/năm lãi suất huy động các kỳ hạn từ 6-11 tháng. Lãi suất kỳ hạn 6 tháng tại ngân hàng này còn 7,3%/năm; kỳ hạn 7-8 tháng lần lượt là 7,6%/năm và 7,5%/năm; kỳ hạn 9-11 tháng là 7,4%/năm.
Tại nhóm ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước gồm Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) và Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng niêm yết ở mức 6,3%/năm.
Về lý thuyết, khi lãi suất tiền gửi đi xuống sẽ làm giảm tính hấp dẫn của kênh tiền gửi tiết kiệm. Công ty CP Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho biết mặt bằng lãi suất huy động đã giảm 100-130 điểm (tức giảm từ 1-1,3%), từ đó kỳ vọng sẽ tiếp tục thúc đẩy một phần dòng tiền từ các kênh đầu tư tiền gửi sang kênh có mức sinh lời tiềm năng cao hơn như chứng khoán, bất động sản...
Cùng quan điểm, Công ty CP Chứng khoán VNDirect dự báo lãi suất huy động bình quân kỳ hạn 12 tháng có thể về mức 6,5-,68%/năm vào cuối năm 2023 và xuống thấp hơn nữa vào năm 2024. Báo cáo của công ty này cho rằng dòng tiền của nhà đầu tư có thể dịch chuyển một phần sang các kênh đầu tư khác để hưởng mức lợi suất cao hơn và xu hướng này sẽ rõ nét hơn trong giai đoạn cuối năm 2023.
Nhiều ý kiến cũng kỳ vọng làn sóng hạ lãi suất sẽ gián tiếp tác động đến lĩnh vực bất động sản thông qua sự phục hồi của nền kinh tế, dòng tiền sẽ dịch chuyển giúp thị trường này ấm lên sau thời gian dài "ngủ đông".
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Tp. Hồ Chí Minh nhận định việc Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất sẽ giúp giảm chi phí vay, nhà đầu tư nhờ đó cũng có động lực thực hiện các dự án bất động sản mới, đồng nghĩa với việc tạo thêm cơ hội việc làm, thúc đẩy phát triển kinh tế và gia tăng giá trị của bất động sản. Cùng với chính sách lãi suất, nhiều giải pháp gỡ vướng về thủ tục pháp lý cho các dự án bất động sản sẽ tạo nguồn cung mới, hấp dẫn dòng tiền trở lại thị trường, giúp thị trường bất động sản khởi sắc.
Dù vậy, cũng có ý kiến cho rằng khả năng dòng tiền bị rút mạnh khỏi kênh tiền gửi tiết kiệm ngân hàng để chảy vào các kênh đầu tư như chứng khoán, bất động sản... sẽ khó xảy ra trong ngắn hạn. Lãi suất tiết kiệm cần neo ở mức rất thấp trong thời gian đủ dài và các thị trường phát đi tín hiệu hồi phục tích cực mới có thể hấp dẫn được dòng tiền lớn.
Trên thực tế, tổng tiền gửi của khách hàng tính đến cuối tháng 4/2023 theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước tiếp tục tăng hơn 43.000 tỷ đồng so với cuối tháng 3, đạt hơn 11,98 triệu tỷ đồng. Trong đó, tiền gửi của dân cư tăng 52.000 tỷ đồng lên hơn 6,33 triệu tỷ đồng, dù mức tăng chậm lại so với các tháng trước đó nhưng vẫn giữ đà tăng trưởng.
Theo TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính - Học viện Tài chính, việc Ngân hàng Nhà nước đã có 4 đợt giảm các loại điều hành là một nỗ lực lớn để hỗ trợ nền kinh tế, nhất là trong bối cảnh các ngân hàng trung ương trên thế giới vẫn tiếp tục tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
Tuy nhiên, vị chuyên gia cho rằng tác động của chính sách tiền tệ đến nền kinh tế vẫn chưa được rõ ràng. Ông lý giải: "Một phần do mức giảm lãi suất chưa đáp ứng được kỳ vọng của người dân và doanh nghiệp, nên có một số hoạt động đầu tư bất động sản hoặc đầu tư của doanh nghiệp có thể đang chờ đợi lãi suất hạ thêm nữa mới vay vốn. Thêm đó, chính sách giảm lãi suất dù giúp giảm chi phí cho doanh nghiệp nhưng tác động kích cầu mới chỉ ở một mức độ nào đó. Điều quan trọng nhất với doanh nghiệp là phải bán được hàng mới vay vốn để mở rộng sản xuất kinh doanh. Nhưng trong bối cảnh hiện nay, kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại, xuất khẩu sụt giảm nên nhu cầu vay vốn không nhiều, lãi suất có thể là điều kiện cần nhưng chưa đủ để doanh nghiệp vay vốn mở rộng kinh doanh. Còn với doanh nghiệp bất động sản, nhu cầu vay vốn là có nhưng lại không đủ điều kiện vay vốn do nợ xấu cao".
Dù vậy, TS. Nguyễn Đức Độ dự báo xu hướng chung là lãi suất sẽ giảm, Ngân hàng Nhà nước có thể tiếp tục giảm lãi suất điều hành. Quá trình từ giảm lãi suất điều hành tới lãi suất huy động và cho vay sẽ có những tiến triển nhưng cũng có độ trễ.
Kể từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã có 4 lần điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành với tổng mức giảm từ 0,5-2%/năm, tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn từ Ngân hàng Nhà nước với chi phí thấp hơn, từ đó có điều kiện giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng phục hồi sản xuất kinh doanh.
Thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tính đến hết tháng 6/2023, lãi suất huy động bình quân đã giảm từ 0,7-0,8%, xuống còn khoảng 5,8%/năm; lãi suất cho vay bình quân đã giảm từ 1-1,2%, ở mức khoảng 8,9%/năm.
Ngày 28/6 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành văn bản yêu cầu các ngân hàng thực hiện nghiêm các quy định về lãi suất tiền gửi; niêm yết công khai lãi suất tiền gửi tại các địa điểm nhận tiền gửi theo quy định của Ngân hàng Nhà nước; tiếp tục triển khai các biện pháp để giảm lãi suất tiền gửi, qua đó tạo dư địa để giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng.
Tags