Đối với các em học sinh THCS ở thành thị thì điều này càng được quan tâm do các em đang trong độ tuổi vị thành niên, lại có nhiều điều kiện, cơ hội để tiếp xúc và ảnh hưởng trước những điều mới mẻ tác động từ bên ngoài nên rất cần có sự định hướng đúng đắn để trẻ phát triển một cách toàn diện.
Nhồi nhét học thêm
Tại khu vực Hà Nội, hầu hết các phụ huynh đều lựa chọn cách tìm kiếm các lớp học thêm cho con mình trong dịp hè để yên tâm làm việc mà không phải lo lắng. Đồng thời, cũng là cách để giúp con không quên kiến thức trong những ngày hè, không bị tụt lại so với các bạn. Vì lẽ đó, câu chuyện về dạy thêm, học thêm mỗi dịp hè lại tiếp tục diễn ra trong mùa hè năm nay trước tình trạng học sinh đang có nguy cơ quá tải không chỉ trong năm học mà còn trong cả những ngày đáng ra được nghỉ ngơi, thư giãn. Điều này khiến nhiều em học sinh THCS cảm thấy mệt mỏi, chán nản.
Với tâm lý cho rằng nghỉ hè là dịp cho con bổ sung kiến thức để theo kịp các bạn, chị Nguyễn Thị Nga (Cầu Giấy), phụ huynh em Trịnh Ngọc Chi, học sinh lớp 7 trường THCS Trung Hòa, đã tìm cách bố trí cho con lịch học hè ngay từ đầu tháng 6. Đầu tiên là trung tâm Anh ngữ với 4 buổi/ tuần. Thời gian còn lại, chị thuê gia sư Văn và Toán để bổ trợ kiến thức cho con. Theo chị Nga, “có như thế vào năm học con mới không bị hụt hơi và mất danh hiệu thi đua”.
“Năm nào em cũng chỉ được nghỉ hè một tuần. Cả tuần chỉ được nghỉ ngày chủ nhật. Nghỉ hè nhưng vẫn phải đi học như trong năm học chính khóa khiến em cảm thấy vô cùng mệt mỏi”, Chi buồn bã chia sẻ.
Cũng như Chi, em Nguyễn Đức Phúc, học sinh lớp 9 trường THCS Minh Khai cũng luôn trong trạng thái mệt mỏi, chán nản, áp lực khi phải “gánh” thêm “kỳ học thứ 3”. “Vì năm sau em sẽ thi vượt cấp nên hè năm nay bố mẹ yêu cầu em phải tích cực, chăm chỉ luyện thi ngay từ bây giờ. Ban ngày thì đi học thêm ở nhà thầy cô, buổi tối thì làm bài tập dưới sự kèm cặp của gia sư. Chỉ trừ những lúc ăn và ngủ, còn lại đầu em lúc nào cũng căng ra như dây đàn với đủ các loại bài tập, môn học…” - Phúc nhăn nhó bày tỏ.
Em cũng chia sẻ thêm, việc di chuyển từ lớp học này đến lớp học khác trong khi không có thời gian để nghỉ ngơi khiến các em có cảm giác mệt rã rời. Nhiều bạn không có thời gian để ôn tập và đọc lại bài vở khiến kết quả thu nhận được không cao. “Thậm chí, nhiều bạn đến lớp học thêm cũng chỉ để đối phó với bố mẹ là đã đến lớp đi học đầy đủ chứ không nhằm mục đích thu nhận kiến thức,” Phúc nói.
Loay hoay với các khóa học kỹ năng
Bên cạnh việc đổ xô đăng ký các lớp học thêm bồi dưỡng kiến thức văn hóa vào dịp hè, nhiều bậc phụ huynh lại tìm đến các trung tâm đào tạo kỹ năng với mong muốn mang lại một kỳ nghỉ hè thú vị và ý nghĩa cho con. Khá đa dạng về loại hình, các lớp học kỹ năng thường đánh vào tâm lý của những bậc phụ huynh suốt ngày bận rộn nhưng vẫn muốn con cái mình có đủ chiêu thức đối phó với tất cả các tình huống phức tạp của cuộc sống.
Bên cạnh những khóa học kỹ năng trong phòng kín, nhiều chương trình trại hè được quảng cáo là dã ngoại, ngoài trời cũng khá phổ biến. Chi phí cho một khóa học tương đối đắt đỏ. Chẳng hạn, trại hè quân đội có giá từ 3 – 5 triệu đồng/ 2 tuần; chương trình trại hè Anh ngữ trong nước có giá từ 10 – 15 triệu đồng/ 2 tuần, trại hè quốc tế tại California có giá từ 30 – 85 triệu đồng/ 2 tuần... Dầu vậy, với tư tưởng cho con được “bằng bạn bằng bè”, nhiều phụ huynh vẫn không ngần ngại bỏ tiền chi trả để có chỗ gửi gắm con vào dịp nghỉ hè.
Tuy nhiên, để tìm được một khóa học phù hợp giữa vô vàn các lớp đào tạo kỹ năng trong dịp hè không phải là điều đơn giản. Chị Lan Anh ( ở Đống Đa – Hà Nội) chia sẻ: "Các lớp học kỹ năng, năng khiếu dịp hè hiện nay có rất nhiều, nhưng chọn được nơi có chất lượng tốt, giá cả phù hợp thì không dễ chút nào. Hiện kỳ nghỉ của con đã trôi qua được một thời gian, song tôi vẫn chưa tìm được một địa điểm thích hợp để cho con theo học”.
Rút kinh nghiệm từ hè năm ngoái, chị Vương Thúy Hằng (Minh Khai – Hoàng Mai) đã nhanh chóng tìm kiếm khóa học kỹ năng cho con từ trước khi kỳ nghỉ hè của con bắt đầu. Để con trai không lạm dụng Ipad, Smartphone, tránh xa những tác nhân xấu trên internet và có một đời sống thực tế hơn, chị Thúy Hằng lại lựa chọn cho con theo một khóa tu mùa hè tại Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên trong thời gian 1 tuần. “Thời gian học khá ngắn nhưng khi trở về, cháu đã có những biểu hiện tích cực hơn: chăm ngoan, lễ phép, chủ động làm việc nhà và biết vâng lời cha mẹ hơn trước”, chị Hằng chia sẻ.
Tuy vậy, không phải ai cũng may mắn có lựa chọn đúng đắn như chị Hằng. Mong muốn con trai mạnh dạn, tự lập hơn anh Lê Minh Hiếu (Quan Hoa – Cầu Giấy) quyết định cho con trai đang học lớp 7 của mình theo học một khóa quân đội vào dịp hè. Anh cho hay: “Biết là sẽ phải xa con, con sẽ phải vất vả nhưng để con được rèn luyện và trở nên rắn rỏi hơn nên tôi quyết định cho con “làm bộ đội”. Nhưng cậu học sinh này dường như không thể hình thành được thói quen tự phục vụ bản thân với những phương pháp rèn luyện nghiêm khắc kiểu “nhà binh” nên mặc dù chưa kết thúc khóa học, anh Hiếu đã phải đưa xe lên Sơn Tây để đón con về.
“Nghe con gọi điện thoại khóc lóc vì nhớ nhà, không quen với môi trường sống trong doanh trại, nhất định không chịu theo hết khóa học, tôi đành đưa con về. Sau lần ấy, cậu bé đòi bố mẹ cho đi học bơi. Tôi đã đăng ký cho con một khóa học ở bể bơi gần nhà. Thật may vì lần này con có vẻ hứng thú, chịu học hỏi hơn” - Anh Hiếu cho biết thêm.
Không khó để con có một mùa hè lý tưởng
Thực tế, nhiều bậc cha mẹ vẫn tỏ ra lo lắng khi không biết làm thế nào để mang tới con em một mùa hè thực sự bổ ích và có ý nghĩa. Không thể “thả cửa” để con chơi bời, lêu lổng và sa ngã; không thể ép buộc con một kỳ nghỉ với sách vở hay những khóa học kỹ năng không mang lại hiệu quả,… Như vậy làm thế nào để các em có một mùa hè lý tưởng?
Theo Thạc sỹ - chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Minh, trong thời gian nghỉ hè, các bậc phụ huynh nên tranh thủ đưa trẻ đi chơi, đi du lịch hoặc về quê. Đó là những bài học thực tế bố ích cho các con. Bên cạnh đó, các phụ huynh cần dành nhiều thời gian trò chuyện, trang bị cho con những kỹ năng sống cần thiết phù hợp với từng độ tuổi. Việc học các môn năng khiếu nên phù hợp với sở thích, khả năng của trẻ, tránh trường hợp ép con đi học chỉ vì theo đám đông hoặc nhằm giải quyết khâu quản lý thời gian. Thay vì ép con đi học, bố mẹ nên tự trở thành các giáo viên, chuyên gia trang bị cho con những kỹ năng sống cần thiết mà con mình đang thiếu.
Về trào lưu cho con em học các khóa kỹ năng sống hiện nay, theo bà Minh, kỹ năng sống cần học trong cả đời, trong cuộc sống hằng ngày, từ gia đình, nhà trường và qua những trải nghiệm thực tế của trẻ chứ không phải chỉ cần học một khóa nào đó là tốt lên. Theo bà, đúng là có nhiều khóa học giúp trẻ tiến bộ vượt bậc nhưng cũng có không ít những trung tâm chỉ chạy theo lợi nhuận mà chưa có những phương pháp phù hợp. Vì vậy, khi lựa chọn một nơi để gửi gắm con em, các bậc phụ huynh cần lưu ý đến chất lượng đào tạo hướng đến giáo dục chứ không phải hướng chạy theo đồng tiền, những nơi có các hoạt động với nội dung và hình thức phù hợp với lứa tuổi, tính cách của con em mình để có được hiệu quả cao nhất.
Bên cạnh đó, bà cũng cho rằng có rất nhiều cách để hình thành các kỹ năng cần thiết cho con trẻ mà không nhất thiết phải tham gia các khóa học, trại hè như các khóa tu mùa hè, làm từ thiện, đọc sách…
Thanh Mai
Tags