Lam Phương: 'Người đi hoa lá chết theo mùa nhớ...'

Thứ Năm, 24/12/2020 06:18 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Cái tin nhạc sĩ Lam Phương vừa qua đời, khiến nhiều người không khỏi bàng hoàng. Hơn 80 năm sống và sáng tác với gia tài hơn 200 ca khúc - trong đó có nhiều ca khúc thuộc dạng “để đời” - sự ra đi của ông là một mất mát lớn cho âm nhạc Việt Nam...

Nhạc sĩ Lam Phương và câu chuyện về thù lao 'khủng' một thời

Nhạc sĩ Lam Phương và câu chuyện về thù lao 'khủng' một thời

Cuốn sách dạng lược sử chân dung "Lam Phương - Trăm nhớ ngàn thương" do Nguyễn Thanh Nhã chấp bút, phát hành cách đây ít lâu, đã tạo được sức hút. Nhiều người quan tâm, vì với 217 ca khúc, đa số nổi tiếng, Lam Phương đã là nhạc sĩ có ảnh hưởng trong đời sống tân nhạc Việt Nam từ nửa cuối thế kỷ 20 đến nay.

Tôi còn nhớ cách đây khoảng nửa thế kỷ, khi đang còn là một cậu bé học bậc tiểu học. Thầy giáo của tôi rất mê âm nhạc, thầy thường dạy cho chúng tôi những bài hát để trình diễn trong những buỗi lễ... Đó là những tiết mục ca múa “Trăng thanh bình” (Một đêm ánh trăng thanh dọi xuống khắp đồng quê bao la...); “Nhạc rừng khuya” (Nhạc đêm tàn hòa cùng ngàn cây trầm lắng...) và nhất là tiết mục “Khúc ca ngày mùa” (Kìa thôn quê dưới trăng vàng bát ngát, ánh trăng thanh chiếu qua làng xơ xác. Chiêu hồn quê bao khúc ca yêu đời...”. Thầy tôi lấy dây thép kẽm gai uốn thành mô hình con trâu, lấy giấy bao xi măng bồi quanh, sơn đen. Cho 2 đứa học trò chui vào trong, vậy là con trâu cứ ngúc ngắc đi theo đám lực điền, thôn nữ cày cấy, gặt, giã...

Thầy tôi cho biết cả ba bài hát này đều của Lam Phương. Tôi mê mẩn nhạc Lam Phương từ đấy!

Người theo cánh chim về nơi cuối trời...

Lúc chúng tôi lên bậc trung học, chiến sự đã tràn lan khắp nơi. Nhiều nhạc sĩ theo thời thế đã mang hơi hướm của chiến tranh vào ca khúc của mình nhưng nhạc của Lam Phương thì hiếm có hình ảnh người lính, bom đạn... Có lẽ chúng ta nên biết ơn một cô ca sĩ đã làm trái tim của Lam Phương “lỗi nhịp” để rồi chỉ sau 2 năm xuất hiện một cách rực rỡ trên sân khấu, cô ấy lại bỏ tất cả lại sau lưng - qua Pháp với bao hoài bão về âm nhạc. Sự ra đi của cô ca sĩ này đã kéo cảm xúc của Lam Phương lệch ra ngoài quỹ đạo “nhạc chiến tranh” để ông sáng tác hàng loạt ca khúc “thất tình” mang đậm nỗi nhớ thương “gửi về... nơi xa lắm”.

Chú thích ảnh
Nhạc sĩ Lam Phương

Nếu thuộc nhạc Lam Phương và nếu tinh ý, sẽ nhận ra ngay những năm đầu thập niên 1960, nhạc của Lam Phương đã nhớ thương, trách móc một cánh chim nơi trùng khơi mịt mù: “…Người từ ngàn dặm về mang nỗi sầu…Người đi hoa lá chết trong mùa nhớ. Người về lặng lẽ tình vẫn bơ vơ…” (Thu sầu), “…Trời vào thu Việt Nam buồn lắm em ơi… để bước phong trần tha hương, em khóc cho đời viễn xứ. Về làm chi, rồi em lặng lẽ ra đi. Gom góp yêu thương quê nhà. Dâng hết cho người tình xa…” (Tình bơ vơ), “…Người theo cánh chim về nơi cuối trời, để lại thương nhớ cho kiếp đơn côi…” (Phút cuối), “…Thôi em ra đi về nơi xứ xa. Đêm đông cô đơn buồn cho kiếp xa nhà. Lạnh giá rét mướt, đời bạc phước không chồng, chỉ còn lại nhớ mong…” (Chờ người), “… Rồi từ đó vì cách xa duyên tình thêm nhạt nhòa. Rồi từ đó chốn phong ba em làm dâu nhà người…” (Thành phố buồn), “…Hai phương trời cách biệt, đêm chờ và đêm mong…” (Xin thời gian qua mau)…

Cơn say màu hồng

Giai đoạn này cũng là thời kỳ cực thịnh của nhạc Lam Phương, khi ông lập gia đình với nữ kịch sĩ Túy Hồng. Khoảng năm 1956 cô nữ sinh Trương Ánh Tuyết từ Bình Dương về Sài Gòn đầu quân vào Ban thoại kịch Dân Nam. Đó là một cô gái có khuôn mặt thanh tú, dáng dấp nữ sinh nhỏ nhắn. Có lẽ vì gần gũi hai mẹ con nghệ sĩ Túy Hoa, Túy Phượng trong ban kịch này nên Trương Ánh Tuyết cũng lấy nghệ danh là Túy Hồng (cơn say màu hồng). Năm 1959, nữ kịch sĩ Túy Hồng trở thành “Lam Phương phu nhân”.Từ đó nhờ ông xã kèm cặp, đào luyện mà Túy Hồng tiến triển vượt bậc trong lĩnh vực ca nhạc. Những ca khúc của Lam Phương dù bình dị, không chút không cao sang, nhưng qua tiếng hát Túy Hồng đều trở nên thanh thoát, diễn cảm - nhất là ở các ca khúc Chiều tàn và Phút cuối…

Chỉ ít lâu sau ngày tổ ấm Lam Phương - Túy Hồng được gầy dựng, Túy Hồng tách ra lập đoàn kịch riêng cho mình. Đó là Ban kịch “Sống” (dân miền Nam quen gọi là “Kịch Sống Túy Hồng”) với sự cộng tác của La Thoại Tân, Vân Hùng, Tú Trinh. Trên sân khấu của Ban kịch “Sống”, lần đầu tiên những ca khúc đời thường (của Lam Phương) được lồng vào nội dung tạo nên một sức hấp dẫn mới lạ. Người viết còn nhớ cảnh cuối ở một vở kịch: Nhân vật chính đi lang thang giữa hàng thông cao vút, thẫn thờ nhớ đến người yêu giờ đã xa vời vợi trong tiếng hát nghèn nghẹn của ca sĩ Chế Linh với bản Thành phố buồn. Cần nói thêm là tác quyền của ca khúc Thành phố buồn thuộc dạng “cực khủng” vào lúc đó: 12 triệu đồng, so với lương giám đốc chỉ khoảng 50.000 đồng).

Chồng viết nhạc, vợ dựng kịch. Có thể nói đây là giai đoạn hoàng kim của họ (kéo dài cho đến đầu năm 1975). Họ không chỉ tậu được căn nhà khang trang trong cư xá Lữ Gia mà còn mua được một căn nhà khác ở đường Nguyễn Tri Phương, hoàn thành mơ ước “thoát nghèo” của bà mẹ năm xưa mà anh đã từng viết “Kiếp nghèo”: “Êm êm tiếng hát ngân nga, ôi lời mẹ hiền ru thiết tha. Không gian tím ngắt bao la thương người về đường quá xa...”.

Hạt ngọc lam lũ

Lam Phương tên thật là Lâm Đình Phùng, sinh năm 1937 tại Rạch Giá (Kiên Giang). Vì người cha đành lòng bỏ vợ con, nên mới 10 tuổi đầu ông đã phải lìa xa mẹ và đàn em 5 đứa (mà ông là con cả) để lên Sài Gòn “làm thuê, ở đợ” ở khu Đakao để kiếm thêm chút tiền gởi về quê giúp mẹ nuôi em. May mắn, nhờ có năng khiếu về âm nhạc mà ông được nhạc sĩ Hoàng Lang chỉ dạy, rồi sau đó là nhạc sĩ Lê Thương hướng dẫn thêm.

Chú thích ảnh
Nhạc sĩ Lam Phương ở tuổi 40 (nguồn: internet)

15 tuổi, Lam Phương đã viết tác phẩm đầu tay (Chiều thu ấy - 1952), ca khúc này từng được các ca sĩ Bích Thủy, Ngọc Hà, Trọng Nghĩa hát trên Đài Phát thanh Pháp - Á. Sau thành công của ca khúc đầu tay, Lam Phương tiếp tục cho ra đời những ca khúc rất được công chúng yêu thích mà cảm xúc là những hồi ức về cuộc sống lam lũ của người mẹ hiền và đàn em nheo nhóc (Kiếp nghèo, Đèn khuya...). Rồi những kỷ niệm êm đềm nơi thôn quê: Ánh trăng giãi trên đồng lúa, cảnh sinh hoạt xay lúa, giã gạo. (Trăng thanh bình, Khúc ca ngày mùa...). Quả thật, những sáng tác đầu tay của Lam Phương là những hạt ngọc trong veo.

Tình chết theo mùa đông

Sau 1975, gia đình Lam Phương định cư ở Mỹ. Với hai bàn tay trắng, ông phải làm lại từ đầu để nuôi mình và vợ con. Ông cũng không có cơ hội để “làm việc bằng cái đầu” nữa mà làm việc nặng nhọc bằng chân tay theo đúng nghĩa đen: Lau sàn nhà, dọn dẹp cho hãng Sears, thợ mài, thợ tiện. Đã khó lại gặp eo: Chuyện hôn nhân của ông với kịch sĩ Túy Hồng sụp đổ dẫn tới ly dị. Sau hơn 40 năm gắn bó, họ chia tay năm 1981 tại Hoa Kỳ.

Thời gian này, tinh thần của Lam Phương rất suy sụp, ông thường viết những ca khúc đầy cay đắng (tựa chỉ một chữ): Điên, Mất, Tiếc, Buồn, Lầm, Say, Mơ... hoặc các bài khác như: Cỏ úa, Cho em quên tuổi ngọc, Hạnh phúc mang theo, Ngày tạm biệt,

Sau khi chia tay với Túy Hồng, ông sang Pháp ở cùng người em gái. Tại đây anh gặp một người phụ nữ tên Cẩm Hường, và ông đã có thêm những bản nhạc tươi vui hơn: Bé yêu, Bài tango cho em, Mùa thu yêu đương... nhưng rồi “ngày vui ngắn chẳng tày gang”.

Năm 1995, Lam Phương trở về Mỹ. Từ năm 1996 đến 1998, ông cộng tác với các trung tâm âm nhạc người Việt tại Mỹ, Pháp và lưu diễn ở nhiều nước châu Âu. Năm 2016, ông cùng đoàn nghệ sĩ hải ngoại thực hiện chương trình Tình ca Lam Phương tại Singapore.

Ngày 13/3/1999, khi đang dự tiệc ở nhà một người bạn, nhạc sĩ Lam Phương bị đột quỵ. Từ đó ông bị liệt nửa người (phải ngồi xe lăn), phát âm rất khó khăn. May nhờ người vợ sau (tên Diệu) tận tình chăm sóc và nỗ lực tự tập luyện, nhạc sĩ Lam Phương đã có thể tập viết và đàn bằng tay trái. Khẩu âm cũng đã cải thiện một cách đáng kể.

Tuy nhiên sau hơn 20 năm chống chọi với bệnh tim và tai biến, trái tim của người nhạc sĩ tài hoa đã ngừng đập lúc 18h07 ngày 22/12 vừa qua, thọ 83 tuổi.

Xin đốt nén tâm nhang, thành kính đưa tiễn ông!

Hà Đình Nguyên

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›