Không rõ vô tình hay hữu ý mà cuốn sách Hồi niệm (Requiem) của Horst Faas và Tim Page xuất bản ở Mỹ đúng vào năm 1997 - năm Việt Nam kỷ niệm 50 năm Ngày Thương binh Liệt sĩ.
Cũng năm ấy, Thông tấn xã Việt Nam cho ra mắt cuốn sách ảnh Sống mãi những tấm ảnh để lại do nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) Chu Chí Thành, nguyên phóng viên nhiếp ảnh chiến trường của TTXVN, làm chủ biên.
Bản thân NSNA Chu Chí Thành cũng có rất nhiều kỷ niệm với hai tác giả cuốn Hồi niệm. Thấm thoắt đã một phần tư thế kỷ trôi qua, sau Horst Faas, đến lượt Tim Page cũng vừa mới qua đời, nhưng hai cuốn sách kể trên đã trở thành những trang sử hào hùng về nhiếp ảnh chiến trường. Nhân dịp 77 năm ngày truyền thống TTXVN (15/9/1945 – 15/9/2022), NSNA Chu Chí Thành đã có bài viết dành riêng cho Thể thao và Văn hóa về 2 cuốn sách này.
1. Cuốn Hồi niệm nói về 140 nhà nhiếp ảnh ở hai chiến tuyến đã ngã xuống trên chiến trường Đông Dương, trong đó có 72 phóng viên, biên tập viên, công nhân kỹ thuật ảnh thuộc về “phía ta”. Còn cuốn sách ảnh Sống mãi những tấm ảnh để lại nói riêng về 40 liệt sĩ nhiếp ảnh của TTXVN. Như vậy là không hẹn mà gặp, những năm ấy ở hai nửa trái đất lại có những cái đầu chung một ý nghĩ nhớ đến đồng nghiệp của mình, và tự nguyện tận tâm soạn lại từng tấm ảnh đã đăng báo, từng tấm phim chưa công bố của các nhà nhiếp ảnh, cùng với ảnh chân dung và tiểu sử của họ cũng như của các cộng sự đã mất trong chiến tranh.
Khi Chính phủ Mỹ bỏ cấm vận Việt Nam, Horst Faas và Tim Page có cơ hội trở lại Sài Gòn, Phnom Penh, Viêng Chăn, và làm việc nhiều nhất, lâu nhất ở Việt Nam. Những năm ấy, hai ông là “khách người nhà” của TTXVN và Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam. Chúng tôi trân trọng và quí mến hai ông. Bởi lẽ, trong chiến tranh, hai ông đã lăn lộn khắp các mặt trận, phản ánh trung thực sự tàn khốc của chiến tranh do quân đội Mỹ gây ra. Giờ đây, hai ông lại tập trung trí tuệ, sức lực xây dựng bộ sử thi chiến tranh Việt Nam bằng ảnh của phóng viên ở hai chiến tuyến đã hy sinh, (chứ không phải ảnh của những người còn sống sót).
Điều mà Horst Faas và Tim Page cần và còn thiếu là tài liệu về các liệt sĩ nhiếp ảnh phía Việt Nam. Ông Trương Đức Anh, Viện trưởng Viện Thông tấn đã cho chúng tôi danh sách các liệt sĩ nhiếp ảnh TTXVN để cung cấp cho bạn, còn Ban Biên tập ảnh cung cấp cho hai ông tác phẩm ảnh của các liệt sĩ.
2. Horst Faas từ năm 1962 đến năm 1974 là Phân xã trưởng Phân xã Nhiếp ảnh Đông Nam Á của hãng tin AP (Mỹ) đóng ở Sài Gòn (gọi tắt là Phân xã Sài Gòn AP). 12 năm vào sinh ra tử trên chiến trường, ông thấu hiểu Sài Gòn và Việt Nam, thấu hiểu vì đâu mà nhân dân Việt Nam quyết chiến đến cùng, và vì đâu mà các nhà nhiếp ảnh Việt Nam bám trụ kiên cường để chụp được những tấm ảnh vô giá. Ông cảm phục Trần Bỉnh Khuool đi chân đất, mai phục trận đánh. chụp được ảnh Đánh chiếm Chi khu quân sự Đầm Dơi trong đêm, ảnh Quân Giải phóng vượt đầm lầy chuyển pháo tấn công Đồn Cái Keo. Ông Cảm phục Lương Nghĩa Dũng với bức ảnh Đấu pháo ở Dốc Miếu và ảnh Chống lầy đưa xe tăng vào trận địa.v.v...
Từ tác phẩm đi tìm tác giả là con đường chuẩn xác của ông. Với cái nhìn của một biên tập viên ảnh, Horst Faas còn bao quát đến những đồng nghiệp phía sau, và không quên vai trò của họ đối với những người cầm máy phía trước. Đặc biệt, ở cục diện chiến tranh Việt Nam lúc ấy, ở đâu có Quân Giải phóng, có dấu vết của các cơ quan thuộc Mặt trận Dân tộc Giải phóng thì ở đấy có máy bay B52 dội bom. Trụ sở của phân xã Nhiếp ảnh Thông tấn xã Giải phóng không nằm ngoài mục tiêu oanh tạc của không quân và pháo binh Mỹ. Do đó, Horst Faas và Tim Page yêu cầu chúng tôi cung cấp cho hai ông chân dung và tiểu sử những cán bộ nhiếp ảnh “ở tuyến sau” như công nhân kỹ thuật ảnh Đỗ Văn Nhân, và cả những phóng viên chưa có tác phẩm như Đinh Dệ đã hy sinh; đặc biệt có cả phóng viên nữ như Út Nàng (Lê Thị Nàng). Đó là cái tâm công bằng của hai ông đối với nghề nghiệp.
Danh sách các liệt sĩ nhiếp ảnh Việt Nam trong cuốn Hồi niệm nhiều hơn danh sách liệt sĩ nhiếp ảnh TTXVN 32 người. Đây là những anh chị em nhiếp ảnh của các tỉnh phía Nam không trực thuộc biên chế của Thông tấn xã Giải phóng. Số liệu này do Lâm Tấn Tài, Nguyễn Đặng - Tổng Thư ký và Phó tổng thư ký Hội Nhiếp ảnh TP.HCM - cung cấp.
Là những nhà báo chuyên nghiệp, Horst Faas và Tim Page cảm nhận được lực lượng nhiếp ảnh của Mặt trân Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam là một tổ chức nghề nghiệp vững mạnh, nhưng hai ông chưa rõ họ được đào tạo như thế nào, trang bị ra sao. Đến khi làm việc với Lâm Tấn Tài và Nguyễn Đặng vốn là học sinh Miền Nam tập kết ra Bắc, tốt nghiệp Đại học ở Hà Nội, rồi cầm máy ảnh vào Nam chiến đấu, hai ông hiểu ra một điều: Việt Nam đánh Mỹ không chỉ có chuẩn bị súng đạn, mà còn chuẩn bị một lực lượng quan trọng khác là lực lượng thông tin báo chí, đặc biệt là lực lượng nhiếp ảnh. Hai ông không còn nghi ngờ gì nữa, rằng Thông tấn xã Giải phóng chính là một nửa thân thể của Việt Nam Thông tấn xã (tên cũ của TTXVN). Horst Faas hóm hỉnh mỉm cười hỏi: “Tôi có thể gọi đó là Việt Nam Thông tấn xã trong Nam được không?”
Hiểu được sự gắn bó hữu cơ của Thông tấn xã Giải phóng và Việt Nam Thông tấn xã, hai ông đã coi Đinh Thúy (Bùi Đình Túy) như Trưởng Phân xã Việt Nam Thông tấn xã ở Miền Nam. Horst Faas đã chọn tấm ảnh Xe đạp thồ hàng qua suối ra mặt trận của Đinh Thúy làm tác phẩm tiêu biểu mang dấu ấn lịch sử chiến tranh từ thời Điện Biên Phủ. Ông nói: “Xe đạp thồ là thời của Thúy"!
Có người hỏi Horst Faas: Có vẻ ông thích tấm ảnh Đấu pháo ở Dốc Miếu của Lương Nghĩa Dũng, vì sao? Ông trả lời: Bạn băn khoăn vì hai pháo thủ đầu trần phải không? Thế mới là thực. Khi bị đối phương pháo kích bất ngờ, ai nghĩ đến mũ bảo hiểm nữa. Đánh trả ngay là mệnh lệnh bản năng của người lính. Trông khói bụi và cây cối rung lên là ta biết trận chiến dữ dội khủng khiếp đến mức nào rồi!
- Tim Page đã ra đi, nhưng 'Hồi niệm' còn đó
- Nhiếp ảnh gia Tim Page viếng Đại tướng: Chụp một vị tướng quyền uy là trải nghiệm khác lạ
3. Còn cuốn Sống mãi những tấm ảnh để lại do tôi làm chủ biên, với sự tham gia chọn ảnh của các nhà báo Phạm Hoạt, Vũ Tín. Nhà báo Trương Đức Anh tham gia xây dựng nội dung cuốn sách.
Hồi đó, mỗi khi đến ngày 27/7, nhớ về các đồng nghiệp, bạn bè cùng cầm máy ảnh vào chiến trường như mình đã hy sinh anh dũng, tôi lại trăn trở với ý định làm sách. Những năm tháng đó, cơ quan TTXVN còn khó khăn, tôi làm giám đốc nhà in của TTXVN, nên nảy ra ý định làm sách rồi in luôn ở nhà in của mình. Sách đề cập đến 40 liệt sĩ nhiếp ảnh TTXVN, với khoảng non 100 bức ảnh được tuyển chọn, chủ yếu là ảnh của Đinh Thúy, Lương Nghĩa Dũng, Hồ Ca… Một số liệt sĩ được giới thiệu trong sách nhưng không có tác phẩm ảnh để in. Từ đó đến nay, TTXVN đã tìm thêm được một số liệt sĩ nhiếp ảnh chưa có tên trong cuốn sách này, nhưng tôi cũng chưa có điều kiện tái bản cuốn sách để tiếp tục cập nhật.
Lại nhớ, trong một lần làm việc ở Hà Nội, Horst Faas và Tim Page nêu ra ý tưởng dựng một tượng đài nhiếp ảnh ở bờ Nam sông Bến Hải tưởng niệm các nhà nhiếp ảnh ở hai chiến tuyến đã buông tay máy ảnh trên dải đất Việt - Miên - Lào. Theo hai ông, cái nền của tượng đài ấy là nhiếp ảnh, nhưng ngọn tháp của nó có nghĩa cao hơn, sâu xa hơn, đó chính là sự tôn vinh tinh thần độc lập, tự do của nhân dân Việt Nam. Một ý tưởng hay mà thế hệ chúng tôi chưa hoàn thành, đang chờ các bạn trẻ chuyển thành hiện thực.
Horst Faas đã chọn tấm ảnh Xe đạp thồ hàng qua suối ra mặt trận của Đinh Thúy làm tác phẩm tiêu biểu mang dấu ấn lịch sử chiến tranh từ thời Điện Biên Phủ. Ông nói: “Xe đạp thồ là thời của Thúy"! |
Chu Chí Thành
(Nguyên Chủ tịch Hội NSNA Việt Nam)
Tags