Vào những năm 1970, một nhà nhân chủng học người Mỹ tên Michael Dove đã lên đường đến Indonesia hòng giải mã một bí ẩn sinh học.
Tại Đại học Stanford, anh đã đọc về Kantu, một bộ tộc sống tự cung tự cấp trong những cánh rừng sâu nhiệt đới ở Borneo. Họ trồng trọt theo kiểu du canh du cư, đốt nương làm rẫy, ở một khu vực khắc nghiệt bậc nhất thế giới.
Sức mạnh của sự ngẫu nhiên
Bộ tộc Kantu sẽ dựng các trang trại mới hàng năm, thu hoạch và bỏ đi tìm những vùng đất mới. Điều đặc biệt nằm ở cách họ tìm những mảnh đất có thể trồng trọt được: Người Kantu quan sát một số loài chim, đi bộ vào rừng sâu và xem chúng đậu chỗ nào để phát quang và bắt đầu gieo trồng.
Hiệu quả rất ấn tượng. Cho đến giờ, khả năng sống sót của bộ tộc Kantu, qua rất nhiều thế hệ, trong rừng sâu vẫn là điều không thể lý giải với các nhà khoa học. Dove cho rằng những con chim mà tộc Kantu quan sát đóng vai trò một chỉ báo sinh thái nào đó. Có thể chúng bị hút về phía chỗ đất tốt, hoặc một số loài cây nhất định, hoặc khí hậu nhất định.
Anh ta đã cố gắng khám phá bí mật này của người Kantu, và ngày một bối rối hơn khi không thể tìm thấy tương quan lô-gích nào. Các địa điểm mà những loài chim đã chọn ngày càng giống như tung một con xúc xắc. Cuối cùng, anh đầu hàng, chuyển sang nghiên cứu đề tài khác, nhưng vẫn nghĩ về điều này trong "một hoặc hai thập kỷ".
Cho đến một ngày, Dove nhận ra rằng mình đã đặt vấn đề sai. Việc đi theo loài chim để chọn đất đơn giản là… ngẫu nhiên. Nền nông nghiệp du canh nhiệt đới về cơ bản là một thứ không chắc chắn, phụ thuộc vào nhiều yếu tố như lượng mưa, sâu bệnh, khí hậu. Một khoảnh rừng có thể cho thu hoạch tốt trong năm mưa nhưng không hiệu quả trong các năm khô hạn hơn, và những thứ này đơn giản là không thể dự đoán được.
Là một con người hiện đại, chúng ta mặc nhiên cho rằng những quyết định tốt nhất bắt nguồn từ một quá trình phân tích thực nghiệm và lựa chọn sáng suốt, với mục tiêu rõ ràng và các công thức thành công chi tiết.
Nhưng cách người Kantu sống sót đã phủ nhận điều này. Đi theo loài chim có thể không giúp họ tìm ra đất tốt thực sự trong những lần riêng lẻ, nhưng rốt cục là một chiến lược với giá trị cốt lõi tuyệt vời để đối phó với thế giới bất định: Sự đa dạng hóa.
Dũng khí trong bóng đá
Mọi người thường hay nói với nhau rằng mỗi khi có ý định từ bỏ, hãy nhớ lại lý do bắt đầu. Trong những ngày cuối cùng của HLV Park Hang Seo trên cương vị "thuyền trưởng" đội tuyển Việt Nam, chúng ta có thể sẽ giật mình khi nhớ ra rằng khi ông mới nhậm chức, mối lương duyên này… chẳng có lý do xác đáng nào để bắt đầu.
Sau một tuần làm việc, hàng loạt tờ báo đăng bài nghi ngờ năng lực của HLV Park Hang Seo. CV của ông bị mổ xẻ rất tiêu cực: HLV Park mới chỉ có kinh nghiệm nắm các đội hạng thấp ở Hàn Quốc. Tại đội tuyển Hàn Quốc, ông cũng chỉ là trợ lý HLV. Ông đã lớn tuổi, nhưng sự nghiệp hoàn toàn không có gì đáng chú ý.
Bóng đá Việt Nam khi ấy đang ở đáy của sự thất vọng. Giai đoạn nắm đội tuyển của HLV Hữu Thắng kết thúc với thất bại nặng nề ở SEA Games 29, gần như khiến mọi người cạn kiệt niềm tin vào các HLV nội. Trước đó, trong nửa thập niên, đã có 5 đời HLV Việt Nam dẫn dắt đội tuyển, trừ 2 năm dưới thời HLV người Nhật Bản Toshiya Miura.
Công thức này làm người ta nhớ lại thời gian cuối những năm 90 và đầu thế kỷ mới, khi HLV đội tuyển thường được chọn với các đặc điểm tương tự nhau: Là người châu Âu hoặc Nam Mỹ, có kinh nghiệm ở các nền bóng đá hàng đầu, và ưu tiên thêm là "có hiểu biết về bóng đá Việt Nam". Trong một thời gian dài, các tiêu chí này không hề thay đổi, dù thành tích đội tuyển trồi sụt thế nào.
Ông Park Hang Seo là tập hợp của những điều "chưa từng": Là HLV nước ngoài nhưng không hề có kinh nghiệm đỉnh cao thực sự. Ông cũng không có hiểu biết gì trước đó về bóng đá Việt Nam.
Nhưng bây giờ nhìn lại, thì giai đoạn ông Park cầm tuyển chính là kỷ nguyên rực rỡ nhất trong lịch sử đội tuyển Việt Nam. Một bằng chứng cho thấy rằng thành công không thể dựa trên chủ nghĩa kinh nghiệm.
Chúng ta cần những tiêu chí để đánh giá, nhưng cũng cần cả dũng khí để đa dạng hóa các lựa chọn. Giống như những người Kantu đã sử dụng một chiến lược hoàn toàn ngẫu nhiên để tìm ra các vụ mùa thành công và sống sót qua nhiều thế hệ ở trong những cánh rừng khắc nghiệt bậc nhất thế giới.
Kỷ nguyên của ông Park sẽ khép lại sau giải AFF Cup này, và rất nhiều người sẽ còn tranh cãi về các di sản của nó. Nhưng có một điều chắc chắn cần phải được rút ra: Chúng ta sẽ không đi tìm một người giống ông Park. Bóng đá không có một công thức cụ thể, và điều ta cần làm, là mở lòng với các lựa chọn hoàn toàn mới.