(Thethaovanhoa.vn) - Các nhà khoa học từ Đại học Quốc gia Australia (ANU) đã lần đầu tiên chụp được những khoảnh khắc về “cái chết” của một ngôi sao.
Theo đó, nhóm nhà khoa học thuộc ANU đã hợp tác với Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) và một số nhà khoa học quốc tế để quan sát những khoảnh khắc sớm nhất của một “siêu tân tinh” với những chi tiết chưa từng có.
Nhà thiên văn Patrick Armstrong, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết: “Đây là lần đầu tiên con người có cái nhìn chi tiết về hiện tượng này”. Ông khẳng định: “Vì giai đoạn đầu của một siêu tân tinh diễn ra quá nhanh, nên hầu hết các kính thiên văn đều rất khó ghi lại hiện tượng này. Trước đây, các dữ liệu chúng tôi có chưa đầy đủ”.
Theo ông Armstrong, khám phá quan trọng này sẽ cung cấp những dữ liệu cần thiết để xác định các ngôi sao khác đã trở thành “siêu tân tinh” thế nào , ngay cả sau khi chúng đã phát nổ.
Dựa trên dữ liệu, các nhà khoa học đã có thể xác định rằng ngôi sao gây ra “siêu tân tinh” là một ngôi sao khổng lồ màu vàng lớn hơn Mặt Trời 100 lần.
Theo nhóm nghiên cứu của ANU, “siêu tân tinh” được kính viễn vọng không gian Kepler của NASA chụp năm 2017 hiện đã không còn tồn tại. Mặc dù đã ngừng hoạt động từ năm 2018, nhưng Armstrong cho biết kính thiên văn mới có thể sẽ chụp được nhiều sự kiện “siêu tân tinh” hơn trong tương lai.
Ông nói: “Khi nhiều kính viễn vọng không gian được phóng lên, chúng ta có thể sẽ quan sát được nhiều hơn hiện tượng dẫn đến siêu tân tinh. Điều này sẽ mang đến nhiều cơ hội hơn nữa để hiểu sâu về “siêu tân tinh”, cũng như các yếu tố tạo nên thế giới xung quanh chúng ta đến từ đâu”.
“Siêu tân tinh” xảy ra khi một ngôi sao đốt hết nhiên liệu khi hết tuổi thọ và sụp đổ, gây ra một vụ nổ lớn.
Sau vụ nổ siêu tân tinh, một ngôi sao có thể biến thành sao lùn trắng, sao neutron, lỗ đen hoặc chỉ là một bụi và khí sao còn sót lại.
Phương Hoa/TTXVN
Tags