Lần đầu tiên tổ chức Lễ hội Sen Hà Nội 2024

Chủ nhật, 30/06/2024 20:00 GMT+7

Google News

Lễ hội Sen Hà Nội 2024 được tổ chức trong 5 ngày, từ 12 - 16/7 tại Không gian văn hóa sáng tạo Tây Hồ (ngõ 612, Lạc Long Quân, Tây Hồ, Hà Nội).

Theo thông tin từ BTC, các hoạt động chính của Lễ hội gồm: Khai mạc Lễ hội Sen Hà Nội và giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh miền núi phía Bắc năm 2024, diễn ra từ 20h-21h30 ngày 12/7; giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh miền núi phía Bắc từ ngày 12-16/7 tại Không gian văn hóa sáng tạo Tây Hồ.

Sự kiện sẽ trưng bày, giới thiệu 100 gian hàng tiêu chuẩn trưng bày sản phẩm OCOP, đặc sản vùng miền; khu tiểu cảnh trang trí sự kiện; khu ẩm thực vùng miền; khu trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP và đặc sản về sen; khu trải nghiệm về sản phẩm sen (tranh, ảnh, sơn mài, vải, thơ ca từ xưa đến nay); khu trưng bày không gian giới thiệu trình diễn sản phẩm: Hoa sen, tơ sen, chè sen, xôi sen, giò sen, các món ăn từ sen, sản phẩm trang trí từ sen, thủ công mỹ nghệ về sen; trưng bày đại diện một số giống sen thuộc các vùng trong cả nước và một số giống sen quý của Việt Nam và Hà Nội...

Lần đầu tiên tổ chức Lễ hội Sen Hà Nội 2024 - Ảnh 1.

Logo chính thức của Lễ hội Sen Hà Nội 2024. Ảnh: BTC

Trong khuôn khổ lễ hội sẽ diễn ra hội thảo bảo tồn và phát triển hoa sen Việt Nam; Lễ khánh thành Trung tâm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP quận Tây Hồ - Phố Trịnh; khai mạc Triển lãm không gian nghệ thuật sắp đặt sen, Triển lãm ảnh sen trong đời sống Việt; chương trình Khảo sát - Hội nghị "Nâng cấp chất lượng dịch vụ và kết nối điểm đến du lịch của quận Tây Hồ với các doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2024"; Đêm nhạc "Trịnh Công Sơn và những người bạn"; Ngày hội đạp xe Hành trình xanh "Sắc sen Tây Hồ" với sự tham gia của 7.000 người đạp xe quanh hồ Tây; chương trình "Sen kết nối yêu thương" thăm tặng quà Bà mẹ Việt Nam Anh hùng và các gia đình chính sách trên địa bàn quận.

Lần đầu tiên tổ chức Lễ hội Sen Hà Nội 2024 - Ảnh 2.

Rất đông du khách lưu lại kỷ niệm bên những đóa sen nở sớm cuối tháng 5. Ảnh: Khánh Hoà - TTXVN

Tây Hồ là quận có điều kiện đặc biệt về tự nhiên và con người với 71 di tích, 1 di sản văn hóa phi vật thể, 5 làng nghề truyền thống, trong đó có những làng nghề nổi tiếng đã xây dựng thành công thương hiệu như hoa đào Nhật Tân, quất cảnh Tứ Liên, trà sen Quảng An, xôi Phú Thượng. Đây là những điều kiện thuận lợi để phát triển công nghiệp văn hóa.

Để phát huy những tiềm năng, lợi thế của vùng đất Tây Hồ, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến từng đề nghị quận tập trung khai thác, sử dụng hiệu quả các thiết chế, sản phẩm văn hóa; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, phổ biến, lưu giữ các sản phẩm văn hóa; triển khai số hóa, hoàn thiện cơ sở dữ liệu về di sản văn hóa nhằm đẩy mạnh quảng bá về những giá trị văn hóa độc đáo, riêng có của Tây Hồ.

Lần đầu tiên tổ chức Lễ hội Sen Hà Nội 2024 - Ảnh 3.

Xuất phát từ ý kiến chỉ đạo của Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến, Thường trực, Ban Thường vụ Quận ủy Tây Hồ đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo việc triển khai phát triển công nghiệp văn hóa theo Nghị quyết số 09-NQ/TU của Thành ủy, qua đó phát huy những tiềm năng, thế mạnh của Tây Hồ.

Bí thư Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Tây Hồ Lê Thị Thu Hằng cho biết, 6 tháng năm 2024, quận đã khai trương điểm dịch vụ, du lịch văn hóa và giới thiệu nghề truyền thống "làm giấy dó" của vùng Bưởi xưa; triển khai thí điểm trồng sen tại một số hồ nhỏ trên địa bàn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, du lịch trên địa bàn quận.

Đáng chú ý, quận đã tổ chức thành công các chương trình, sự kiện lớn với nhiều điểm nhấn, như "Lễ hội ánh sáng nghệ thuật Hà Nội - Rực rỡ Thăng Long" với chủ đề "Một ngày kinh đô - Ngàn năm lịch sử"; Chương trình "Du lịch Hà Nội chào 2024 - Get on Hanoi 2024" và công bố quyết định công nhận Khu du lịch Nhật Tân.

Quận cũng đã thành lập, ra mắt Ban Quản lý hồ Tây; xây dựng Đề án "Bảo tồn và phát huy giá trị của hồ Tây và vùng phụ cận" làm cơ sở khai thác, phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh, giá trị của khu vực hồ Tây và vùng phụ cận.

Lần đầu tiên tổ chức Lễ hội Sen Hà Nội 2024 - Ảnh 4.

Ảnh: Khánh Hòa/TTXVN

"Đây là một trong những hoạt động thiết thực mà quận Tây Hồ thực hiện nhằm hiện thực hóa Chương trình số 06-CTr/TU về "Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025" và Nghị quyết số 09-NQ/TU về "Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" của Thành ủy Hà Nội. Từ đó hiện thực hóa mục tiêu xây dựng quận Tây Hồ thành Trung tâm văn hóa du lịch của Thủ đô", bà Lê Thị Thu Hằng cho biết thêm.

Minh Anh

Chia sẻ

Tags

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›