Bộ Y tế cho biết đến nay gần 9,55 triệu người mắc COVID-19 tại Việt Nam đã khỏi; lần đầu tiên trong gần 1 năm qua, cả nước chỉ còn 27 F0 nặng; Số ca tử vong/ số mắc trong 3 tháng gần đây là 0.25% giảm mạnh so với trước đó; TP HCM ứng phó thế nào khi có ca nghi mắc đậu mùa khỉ?
Cả nước chỉ còn 27 bệnh nhân COVID-19 nặng, thấp nhất trong gần 1 năm qua
Thông tin từ Bộ Y tế cho biết, ngày 11/6, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 710 ca nhiễm mới đều trong nước (giảm 251 ca so với ngày trước đó) tại 39 tỉnh, thành phố (có 588 ca trong cộng đồng). Hà Nội vẫn nhiều nhất nhưng đã qua 5 ngày liên tục, thành phố ghi nhận ca mới dưới 200 F0 /ngày; 38 tỉnh, thành còn lại ghi nhận từ 1- 60 F0/ ngày, trong đó 22 địa phương dưới 10 ca/ ngày.
Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 07 ngày qua: 833 ca/ngày.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 10.731.244 ca nhiễm, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 104/227 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 108.367 ca nhiễm).
- Dịch Covid-19 ngày 10/6: Cả nước có 961 ca mắc mới, chỉ còn 62 ca nặng
- Sáng 10/6: Hơn 9,5 triệu F0 ở nước ta đã khỏi; Nữ giới mắc hậu Covid-19 gấp đôi nam
Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay): Số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 10.723.479 ca. Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: Hà Nội (1.602.747), TP. Hồ Chí Minh (609.659), Nghệ An (485.033), Bắc Giang (387.636), Bình Dương (383.788).
Tổng số người mắc COVID-19 đã khỏi ở nước ta là: 9.547.919 ca. Hiện nay đang điều trị, giám sát 1.140.243 trường hợp, trong đó có 27 trường hợp nặng đang điều trị, trong đó: Thở ô xy qua mặt nạ: 22; (2) Thở ô xy dòng cao HFNC: 2; (3) Thở máy không xâm lấn: 1; Thở máy xâm lấn: 2.
Số ca COVID-19 tử vong/ số mắc trong 3 tháng gần đây là 0.25% giảm mạnh so với trước đó
Theo Bộ Y tế, tại Việt Nam, dịch COVID-19 vẫn đang được cơ bản kiểm soát tốt trên phạm vi cả nước. Từ ngày 15/3 đến nay, cả nước ghi nhận tỷ lệ chết/mắc là 0,04% đã giảm mạnh so với hơn 3 tháng trước đó với tỷ lệ chết/mắc là 0,25%.
Số mắc mới mỗi ngày hiện còn dưới 900 ca (thấp nhất hơn 11 tháng qua). Riêng 30 ngày qua, số chết/mắc là 0,05%, trong đó có 18 ngày không ghi nhận ca tử vong trên toàn quốc và chỉ còn trên/ dưới 30 ca nặng đang điều trị (thấp nhất trong hơn 11 tháng qua).
Tuy nhiên, virus SARS-CoV-2 liên tục tiến hóa, khó xác định tính chất nguy hiểm của các biến thể và mức độ tăng nặng và tử vong. Hiện Omicron là biến thể phổ biến trên thế giới nhưng vẫn chưa phải là biến thể cuối cùng.
Có thể xuất hiện biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có khả năng làm giảm hiệu quả vaccine hoặc miễn dịch, khiến ca nhiễm có triệu chứng nghiêm trọng hoặc tử vong tăng lên, đặc biệt ở các nhóm dễ bị tổn thương; đối tượng cảm nhiễm có thể còn khá lớn; tác động hậu COVID-19 chưa có nghiên cứu đầy đủ;
Hơn nữa miễn dịch có được (do tiêm vaccine phòng bệnh và miễn dịch mắc phải) không bền vững, giảm dần do đó các chuyên gia nêu rõ: Chúng ta cần hiểu rằng mức độ miễn dịch dù có được nhờ đã tiêm vaccine hay do đã mắc COVID-19 đều sẽ suy giảm qua thời gian và cần được khôi phục bằng cách tiêm mũi bổ sung Đối với trẻ em mặc dù các triệu chứng của COVID-19 nhẹ hơn so với người lớn nhưng các em phải đối mặt với nguy cơ mắc bệnh gia tăng khi chưa được tiêm vaccine phòng COVID-19.
TP HCM ứng phó thế nào khi có ca nghi mắc đậu mùa khỉ?
Sở Y tế TP HCM vừa văn bản về hướng dẫn tạm thời giám sát, phòng chống bệnh đậu mùa khỉ trên địa bàn. Theo đó, có 2 trường hợp: Trường hợp nghi ngờ và trường hợp có thể.
Trường hợp nghi ngờ là người đang sinh sống tại quốc gia không lưu hành bệnh đậu mùa khỉ, bị phát ban có bóng nước cấp tính không rõ nguyên nhân và có một hoặc nhiều dấu hiệu, triệu chứng như sốt (> 38°C), nổi hạch đau đầu, đau cơ, đau lưng, suy nhược.
Trường hợp có thể là trường hợp nghi ngờ và có một hoặc nhiều yếu tố dịch tễ như: Trong vòng 21 ngày trước khi khởi phát, có tiếp xúc với ca bệnh xác định hoặc trường hợp bệnh có thể, thông qua tiếp xúc vật lý trực tiếp với da hoặc tổn thương da (bao gồm cả quan hệ tình dục), hoặc tiếp xúc với các vật dụng bị ô nhiễm như quần áo, giường, đồ cùng cá nhân của người bệnh.
Trong vòng 21 ngày trước khi khởi phát triệu chứng, có tiền sử đi du lịch đến các quốc gia có lưu hành bệnh đậu mùa khỉ. Hoặc có các triệu chứng bệnh nêu trên đến mức phải nhập viện.
Theo đó, người nghi ngờ mắc bệnh phải tự cách ly, đeo khẩu trang, theo dõi sức khỏe tại nhà, nhân viên y tế địa phương giám sát và lấy mẫu xét nghiệm gửi đến Viện Pasteur TP HCM hoặc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM. Nếu vào viện, bệnh nhân phải đi bằng xe cá nhân hoặc Trung tâm Cấp cứu 115 vận chuyển, hạn chế di chuyển bằng phương tiện công cộng.
Sở Y tế TP HCM yêu cầu các cửa khẩu TP HCM tăng cường giám sát thân nhiệt người nhập cảnh qua máy đo thân nhiệt, phát hiện các triệu chứng nghi ngờ. Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM được chỉ định chuyên điều trị đậu mùa khỉ
Tại Việt Nam, đến nay chưa ghi nhận ca mắc đậu mùa khỉ, tuy nhiên thời gian qua Bộ Y tế, Cục Y tế dự phòng đã có các văn bản yêu cầu các Viện đầu ngành, các địa phương tăng cường giám sát, phát hiện ca nghi mắc tại cửa khẩu và tại các cơ sở y tế.
Thái Bình/suckhoedoisong.vn
Tags