(Thethaovanhoa.vn) - Cuốn chân dung học thứ hai của Văn Thành Lê - Lần đường theo bóng (NXB Tổng hợp TP.HCMvừa phát hành) - đã định hình lối phê bình rất riêng của cây bút trẻ này: Tài tử mà cũng rất tài tình.
Tài tử bởi tác giả không chủ tâm đặc tả nhân vật qua toàn bộ hành trình sống và viết của họ như lối thông thường, khước từ việc ốp lý thuyết văn học lên văn bản, chỉ phát huy ưu thế của kiểu diễn ngôn gần gụi, lôi cuốn và tươi mới. Còn tài tình, bởi người viết đã bắt được cái thần thái rất riêng của từng người mình thiết thân, trân quý.
Cuốn sách là nỗ lực đồng hành với đời sống văn học sôi động, bắt mạch văn chương trong vấn vương tình chữ, là kiểu “gõ lòng mình” cho tâm thanh vang ngân.
Chạm hình bắt chữ
Viết về những người đang sống, lại gần gũi với mình, dễ nhưng mà khó. Dễ bởi nóng hổi tính "người thật văn thật", nhưng khó bởi sự cảm tính chẳng thể nào tránh khỏi, nhất là cái lẽ yêu nên tốt thường tình. Thoát được chỗ hiểm chết người này là bản lĩnh, cũng là yếu tính tạo dấu ấn cho tập sách, xác lập duyên chữ của tác giả.
Thưởng lãm 20 chân dung trong cuốn sách này, nhiều người sẽ ngạc nhiên: Sao một cây bút trẻlại hào hứng với phê bình tiểu sử đến thế? Tác giả đi từ văn đến đời, rồi từ đời vào văn, để định dạng nhân vật, trình hiện căn cước nhà văn, cái lý và chiều sâu trong trang viết, trongchuyện đi ở, dấn thân của mỗi người.
Đồng hành với người viết, nhưng không mụ người vì hào quang chữ của văn nhân, không để cho lý lịch nhân vật cầm tay dắt mũi rồi lãng mạn hóa, thậm xưng hóa chuyện đã qua của họ, những cú tạt ngang như tiểu xảo trong Lần đường theo bóng giảm căng, hạ nhàm cho văn nghiên cứu, lại không cà kê lạc đề. Những giai thoại thú vị xung quanh cuộc sống, trang viết mỗi người gợi cho ta hình dung mới về nhân vật, để độc giả không cảm thấy bội thực trước bữa tiệc nhiều món. Ở đó, quá khứ chỉ như gam màu đặc biệt làm bật nổi chân ảnh người văn, đủ nhắc nhớ, tạo sự đồng ý đồng tình đồng cảm cho bạn đọc.
Chân dung của những bạn văn vong niên hay người đồng trang dưới lứa với Lê đều được tái dựng chân thực, sinh động với cùng một tông điệu chân mộc, đời thường. Đặt họ cạnh nhau, người viết có điều kiện nhận ra những tương đồng, khác biệt của mỗi người. Đó cũng là lý do để mỗi người là chính họ, dẫu đều hiện lên qua một nét vẽ của họa sĩ ngôn từ. Cùng là người chắt chiu, sinh tạo cái đẹp, nhưng mỗi người mỗi vẻ.
Nhìn bạn văn từ khoảng cách rất gần, chỉ quan tâm đến những điều nhân vật gây cho mình xao động mạnh về nhận thức, tình cảm, cách phê bình ấn tượng cũng hiện diện và tạo được hiệu quả. Đây cũng là cơ hội để cây bút trẻ này trải lòng, tự vấn bản thân, cả ưu và nhược, cả trong đời thường lẫn sáng tạo nghệ thuật.
Chuộng, xác quyết lối vẽ truyền thần, nên chân dung mỗi nhân vật trong tập sách này không hiện lên theo kiểu tả thực, chỉnh thể, hoàn kết. Nhiều chiều cạnh. Nhiều soi ngắm. Văn bản vì thế cũng thường phân thành 5 mảnh. Bố cục này khiến ta nghĩ đến 5 phần của cốt truyện truyền thống. Vậy là thống nhất trong rời rạc. Thoáng qua dễ nghĩ tác giả “vẽ” có phần tùy tiện, “cứ lặng chuồi theo dòng cảm xúc”, nhưng thực ra lại rất chắc, rất thạo bày binh bố trận. Nếu ở mở đầu, nhân vật tạo ấn tượng mạnh cho người đọc từ cái nhìn đầu tiên, thì kết thúc lưu lại cảm giác khó quên cho độc giả nhờ cách nhấn mạnh cái lý và chiều sâu.
Lớn lên cùng trang viết của tha nhân
Nối tiếp Như cánh chim trong mắt những chân trời, cuốn sách này một lần nữa cho thấy sự nhất quán trong quan niệm của người viết. Văn Thành Lê đâu chỉ viết cho bạn, vì bạn, mà trước hết là cho chính mình, vì mình, vì nhu cầu và khao khát tự học, tự trải nghiệm trên đôi cánh ngôn từ.
Là nhà văn vẽ chân dung văn hữu, việc đọc đối với anh không chỉ để thỏa mãn thú phiêu lưu cùng con chữ, mà còn để học từ trang viết của họ, cả trong sáng tác lẫn phê bình, cả kỹ thuật dụng ngôn lẫn suy nghiệm về văn chương. Cũng bởi là người sáng tác viết phê bình, anh hiểu rõ đặc trưng của mỗi công việc, thấu cảm nỗi riêng của mỗi người khi chấp nhận vác thập giá văn chương. Nhờ đó, người viết đã lớn lên cùng trang viết của tha nhân, trưởng thành cùng với công việc của mình, không khệnh khạng mục hạ vô nhân, không mắc thói tật cố hữu “văn nhân tương khinh”, xem phê bình chỉ là tầm gởi trên sáng tác. Với anh, nhà phê bình đích thực là bạn đường, đôi bạn cùng tiến, thậm chí “trao áo bào cho người viết ngồi lên ngai chữ”.
Sống với văn học cùng thời, đồng hành cùng nhân vật cả trên trang viết lẫn đời thực của họ cũng là cách “quang-hợp-đời-sống” để tác giả đem lại sinh sắc, chất đời cho trang viết. Ân tình, trước sau với bạn chữ và chữ của bạn, những suy nghiệm già dặn, thấu đạt của tác giả là kim chỉ nam cho những người trẻ xác quyết làm phu chữ.
- Gặp lại các tác giả được đưa vào SGK: Văn Thành Lê mở ra góc biển chân trời
- Đọc 'Bên suối, bịt tai nghe gió': Văn Thành Lê và dòng suối tuổi thơ trong lành
Đồng sáng tạo với nhân vật, trang viết của Văn Thành Lê đâu chỉ là ký sinh, ăn theo con chữ người khác như cách người phê bình non tay thường mắc phải. Tôi tin, những nhân vật góp mặt trong bộ sưu tập này, khi đối diện với chân dung của mìnhsẽ không khỏi hứng khởi trước một người quen mà lạ, sẽ phát hiện ra những điều mới mẻ thuộc về bản thân qua gương soi “kẻ khác”.
Giống nhiều chân dung trong tập sách này, Văn Thành Lê cũng là người thích và thạo chuyện “bắt cá nhiều… tay”. Sáng tác đã giúp anh có tâm thế của người trong cuộc khi đến với phê bình; phê bình mang lại cho tác giả sự nghiêm túc, khoa học của sự đọc và viết; văn chương và báo chí sóng đôi để câu chữ vừa nồng đượm chất đời vừa lấp lánh ánh nghệ thuật. Đây là kết quả của quá trình tự đọc, tự học, lao động nghiêm túc, sẵn sàng “nhảy bổ vào đời sống văn chương”. Đọc phê bình của anh, ta có thêm hy vọng về những cây bút trẻ chịu đọc - chịu nghĩ và chịu… viết. Bởi đọc và nghĩ thì dễ, hiện thực hóa hành trình đó bằng trang viết mới khó, mới vượt qua chính mình.
20 chân dung của Văn Thành Lê Các chân dung trong Lần đường theo bóng gồm: Ngô Thảo, Hoàng Vũ Thuật, Phạm Thị Ngọc Liên, Nguyễn Nhật Ánh, Trần Đăng Khoa, Thuận, Đỗ Tiến Thụy, Phong Điệp, Phan Việt, Hoàng Thụy Anh, Vũ Thanh Lịch, Nguyễn Thu Thủy, Nguyễn Thị Kim Hòa, Phan Tuấn Anh, Hoàng Công Danh, Khải Đơn, Lê Vũ Trường Giang, Nguyễn Thiên Ngân, Cao Nguyệt Nguyên, Hiền Trang. |
Bùi Thanh Truyền
Tags