Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu khiến chi phí hoạt động của doanh nghiệp tăng vọt, làn sóng sa thải nhân viên của các công ty lớn trên toàn cầu đã diễn ra ồ ạt trong năm 2022 và sang đầu năm 2023 vẫn chưa hề lắng dịu.
Làn sóng cắt giảm nhân công của nhiều công ty lớn trên thế giới bắt đầu diễn ra từ quý IV/2022 do nhiều nguyên nhân. Trong đó, yếu tố tác động nhiều nhất là áp lực lạm phát gây sức ép tới lãi suất, làm tăng chi phí doanh nghiệp. Cùng với đó, nguy cơ suy thoái toàn cầu kéo tụt nhu cầu tiêu dùng, dẫn đến các nhà đầu tư trở nên bi quan hơn về lộ trình tìm kiếm lợi nhuận của các tập đoàn lớn.
Diễn biến mới nhất của “trào lưu” cắt giảm nhân sự trên thế giới là việc công ty công nghệ Twitter của Mỹ ngày 25/2/2023 đã sa thải ít nhất 50 nhân viên trong đợt cắt giảm nhân sự lần thứ 8 kể từ khi tỷ phú Elon Musk nắm quyền điều hành mạng xã hội này cuối tháng 10/2022. Quyết định sa thải đợt này được cho là nhằm tiếp tục giảm nhân sự và bù đắp doanh thu đi xuống.
Đầu tháng 11/2022, Twitter đã sa thải khoảng 3.700 nhân viên nhằm cắt giảm chi phí hoạt động. Khi đó, tỷ phú Musk cho biết dịch vụ này đang ghi nhận doanh thu sụt giảm mạnh khi các nhà quảng cáo giảm chi tiêu do lo ngại về việc Twitter kiểm duyệt nội dung. Đến nay, số nhân viên của công ty công nghệ này đã giảm ít nhất 70% xuống còn khoảng 2.000 người.
Trước đó, Meta Platforms, công ty mẹ của Facebook thông báo đang chuẩn bị cho một đợt cắt giảm nhân viên mới trong nỗ lực tái cơ cấu và thu hẹp quy mô, điều sẽ ảnh hưởng đến hàng nghìn nhân viên. Năm 2022, Meta đã cắt giảm 13% lực lượng lao động, tương đương 11.000 nhân viên, khi phải vật lộn với chi phí tăng cao và thị trường quảng cáo yếu kém. Lần sa thải nhân viên năm 2022 là lần đầu tiên trong lịch sử 18 năm của Meta.
Hồi giữa tháng 2, hãng ô tô Ford (Mỹ) thông báo có kế hoạch cắt giảm 3.800 việc làm hành chính và kỹ sư tại châu Âu trong 3 năm tới do chi phí tăng và nhu cầu cơ cấu tổ chức tinh gọn hơn khi công ty chuyển sang sản xuất xe điện. Ford nêu rõ sẽ cắt giảm khoảng 2.300 việc làm tại các nhà máy ở thành phố Cologne và Aachen (Đức), 1.300 việc làm tại Anh và 200 việc làm tại các nước khác ở châu Âu.
Công ty dự định sẽ đạt mục tiêu cắt giảm nhân sự thông qua các chương trình thôi việc tự nguyện. Theo Ford, quyết định trên nhằm tái cơ cấu hoạt động kinh doanh tại châu Âu với bộ máy tinh gọn hơn và chi phí cạnh tranh hơn. Công ty đang triển khai các bước tiếp theo trong quá trình chuyển đổi nhằm đáp ứng các điều kiện thị trường đang thay đổi nhanh và có nhiều đối thủ cạnh tranh trên thị trường xe điện. Năm 2022, công ty Ford báo lỗ 2 tỷ USD.
Tập đoàn Alphabet, công ty mẹ của Google, hồi tháng 1 cũng thông báo kế hoạch cắt giảm 12.000 việc làm trên toàn cầu, tương đương 6% lực lượng lao động của mình. Đây là động thái mới nhất trong quá trình cải tổ lĩnh vực công nghệ của Alphabet. Việc cắt giảm sẽ được thực hiện trên toàn cầu và tác động đến các nhân viên làm việc tại Mỹ ngay lập tức, trong khi tiến trình này sẽ kéo dài hơn ở các nước khác theo luật tuyển dụng và các thông lệ của từng nơi.
Công ty công nghệ Dell (Mỹ) cũng cho biết sẽ cắt giảm 6.650 nhân viên, tương ứng 5% tổng số người lao động trên toàn cầu của hãng. Ban lãnh đạo Dell cho biết các biện pháp cắt giảm chi phí trước đây, bao gồm việc tạm dừng tuyển dụng và hạn chế đi lại để giảm công tác phí đã không đủ để giúp hãng giảm thiểu chi phí vận hành. Dell khẳng định cơ cấu lại bộ máy vận hành Dell và cắt giảm nhân sự là cơ hội để vận hành công ty hiệu quả. Trước Dell, một loạt "ông lớn" ngành công nghệ từ Microsoft Corp đến Amazon.com Inc và Goldman Sachs Group Inc cũng cắt giảm hàng nghìn việc làm để giúp các hãng tiết kiệm chi phí vận hành trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng đối với ngành này giảm, lạm phát cao và lãi suất tăng.
Tập đoàn Microsoft hồi tháng 1 thông báo kế hoạch cắt giảm 10.000 việc làm vào cuối quý III của tài khóa 2023. Đây dự kiến sẽ là đợt sa thải mới nhất trong lĩnh vực công nghệ Mỹ khi nhiều tập đoàn tiếp tục thu hẹp quy mô nhân sự để vượt qua tình hình kinh tế khó khăn. Số người bị sa thải trên tương đương gần 5% tổng số nhân viên của tập đoàn. Microsoft, với hơn 220.000 nhân viên, đã hai lần cắt giảm nhân viên trong năm 2022.
Đầu tháng 1/2023, Amazon cho biết có kế hoạch cắt giảm hơn 18.000 việc làm - tương đương với 6% trong tổng số 300.000 nhân viên văn phòng - với lý do nền kinh tế còn tiềm ẩn nhiều rủi ro và hãng này đã tuyển dụng quá nhanh trong những năm gần đây. Kế hoạch này là lớn nhất trong các đợt cắt giảm gần đây, ảnh hưởng nhiều đến ngành công nghệ Mỹ. Ban lãnh đạo Amazon cho biết một số vị trí bị cắt giảm sẽ ở khu vực châu Âu.
Tính đến cuối tháng 9/2022, tổng cộng có hơn 1,5 triệu lao động đang làm việc cho Amazon, bao gồm cả nhân viên kho bãi, khiến đây trở thành doanh nghiệp tư nhân có số lao động lớn thứ 2 tại Mỹ, sau Walmart Inc. Trong giai đoạn đại dịch COVID-19, Amazon đã đẩy mạnh tuyển dụng để đáp ứng bùng nổ nhu cầu về vận chuyển hàng hóa. Từ đầu năm 2020 đến đầu năm 2022, hãng tăng gấp đôi số nhân viên trên toàn cầu. Amazon đang đối mặt với nguy cơ tăng trưởng chậm lại khi doanh nghiệp và người tiêu dùng giảm chi tiêu do lạm phát tăng vọt. Giá cổ phiếu của Amazon đã giảm 50% trong năm qua.
Trong khi đó, tập đoàn Goldman Sachs (Mỹ) cũng tiến hành một trong những đợt cắt giảm việc làm lớn nhất của ngân hàng này từ trước đến nay với kế hoạch sa thải hàng nghìn vị trí từ ngày 11/1, nhằm chuẩn bị cho một môi trường kinh tế khắc nghiệt sắp tới. Dự kiến sẽ có hơn 3.000 việc làm bị cắt giảm. Đợt cắt giảm nhân sự này có thể sẽ ảnh hưởng tới hầu hết các bộ phận chủ chốt của ngân hàng nhưng sẽ tập trung vào bộ phận ngân hàng đầu tư của Goldman Sachs. Goldman Sachs thường cắt giảm khoảng 1-5% lực lượng lao động hằng năm, nhằm vào số nhân viên làm việc không hiệu quả. Đợt cắt giảm đầu năm 2023 này cao hơn thường lệ trong bối cảnh triển vọng kinh tế Mỹ không chắc chắn và mức tăng nhân sự của Goldman Sachs trong những năm gần đây. Tính đến cuối tháng 10/2022, số nhân viên của Goldman Sachs là 49.100 người, tăng gần 30% so với cuối năm 2019.
Sau một loạt động thái cắt giảm nhân sự của các tập đoàn công nghệ Mỹ, tập đoàn The Walt Disney Company cũng công bố kế hoạch cắt giảm 7.000 việc làm để tái cơ cấu công ty giải trí lớn nhất thế giới này nhằm tiết kiệm chi phí hoạt động. Mảng kinh doanh truyền hình truyền thống của tập đoàn này đang bị xói mòn, hoạt động phát trực tuyến vẫn chưa có lãi và tập đoàn đang phải đối mặt với áp lực từ nhà đầu tư trong việc kiểm soát chi phí và kế hoạch hoạt động. Trước đó, trong báo cáo thường niên năm 2021, tập đoàn Disney cho biết đã tuyển dụng 190.000 nhân sự trên toàn thế giới, 80% trong số này làm việc toàn thời gian.
Bên ngoài nước Mỹ, Tesco - tập đoàn siêu thị đồng thời là nhà bán lẻ lớn nhất tại Anh, hồi cuối tháng 1/2023 đã công bố kế hoạch cắt giảm khoảng 2.100 việc làm do lạm phát leo thang làm tăng chi phí của tập đoàn. Cụ thể, Tesco dự định cắt giảm khoảng 1.750 vị trí quản lý, giảm khoảng 350 việc làm Tesco cho biết kế hoạch trên sẽ giúp hãng điều hành doanh nghiệp một cách hiệu quả nhất có thể.
Cùng thời điểm này, hãng công nghệ y tế Philips của Hà Lan thông báo đến năm 2025 sẽ cắt giảm thêm 6.000 việc làm trên toàn cầu. Giới chức hãng này cho biết cắt giảm nhân sự là quyết định khó khăn nhưng cần thiết đối với công ty trong bối cảnh Philips sẽ "cải thiện hiệu suất và đơn giản hóa cách làm việc" để cải thiện sự linh hoạt và năng suất hoạt động. Dự kiến, trong năm 2023, Philips sẽ cắt giảm tổng cộng 3.000 việc làm.
Gia nhập đội ngũ công ty công nghệ thực hiện cắt giảm nhân sự để giảm chi phí vận hành do lo ngại về tăng trưởng doanh thu trong tương lai còn có nền tảng nghe nhạc trực tuyến Spotify của Thụy Điển. Spotify thông báo sẽ cắt giảm 6% trong tổng số 10.000 nhân viên.
Tags