Car Sharing - Chia sẻ xe, đúng như tên gọi, là một dịch vụ "dùng chung ô tô", với mục tiêu là tăng số lượng người sử dụng xe nhưng không cần gia tăng số lượng xe sở hữu.
Ở bài 1 tuần trước chúng tôi đã chia sẻ trải nghiệm sử dụng dịch vụ Car - Sharing ở Singapore, quốc gia có qui định khắt khe để giới hạn số lượng ô tô trên đường khiến giá xe cao vào hạng nhất thế giới kèm theo phí được quyền lưu thông. Song ý tưởng dùng xe cộng đồng này không phải mới xuất hiện những năm gần đây khi hạ tầng giao thông ở nhiều đô thị phát triển không kịp với nhu cầu sở hữu xe hơi cá nhân. Việc thành lập "hợp tác xã xe hơi" đầu tiên trên thế giới được cho là khởi đầu từ thành phố Zurich, Thụy Sĩ, từ tận năm 1948. Thời điểm đó nền kinh tế châu Âu đang gặp khó sau thế chiến, Sefage - tên dự án - kêu gọi những người chưa đủ tiền mua xe hơi cá nhân góp tiền để mua chung xe. Khi các thành viên trong "hợp tác xã" có nhu cầu sử dụng thì sẽ trả thêm phí sử dụng. Tuy nhiên dự án này chỉ tồn tại một thời gian ngắn.
Nhưng gần 3 thập niên sau, năm 1974, cuộc "cách mạng chia sẻ xe" thứ nhất bùng nổ ở Hà Lan. Điểm thú vị là cuộc "cách mạng" này lại liên quan tới... xe điện. Thập niên 1970, Amsterdam cần một ý tưởng sáng tạo để giải quyết vấn đề ô nhiễm thành phố. Và một giải pháp tiến bộ lúc bấy giờ mang tên Whitaker ra đời. Đó là dịch vụ chia sẻ ô tô ba bánh chạy bằng pin. Chiếc "Witkar'' đầu tiên được tung ra thị trường vào năm 1974 và chương trình chia sẻ cho phép mọi người mượn chiếc ô tô hai chỗ ngồi chạy điện này trong phạm vi 1-5 điểm sạc. Dịch vụ Whitaker được xem là mang tính cách mạng cao tại thời điểm đó và được đón nhận nồng nhiệt. Thời điểm phát triển cao nhất có tới khoảng 4.500 thành viên thường xuyên sử dụng dịch vụ này.
Whitaker không tồn tại lâu vì hội đồng thành phố đã không chấp nhận hệ thống chia sẻ xe vào thời điểm đó, tuy nhiên ý tưởng tuyệt vời này đã kịp lan truyền ở châu Âu. Mobility CarSharing Thụy Sĩ thành lập năm 1987 với 1.400 ô tô và Drive Stadtauto năm 1988 với khoảng 300 ô tô, là hai tổ chức chia sẻ ô tô lớn nhất ở châu Âu. Tới hiện tại, Mobility CarSharing có hơn 30.000 thành viên, hoạt động tại 700 địa điểm tại hơn 300 thành phố. Drive Stadtauto có khoảng 7.500 thành viên và hoạt động tại 110 địa điểm.
Làn sóng chia sẻ xe hơi bắt đầu lan tới Bắc Mỹ trong thập niên 1990, khởi đầu từ Canada. Tổ chức Auto-Com ở Quebec sau 5 năm hoạt động (1994-1999) đã có 450 thành viên với qui mô 34 ô tô. Tại Mỹ dịch vụ này xuất hiện muộn hơn, từ năm 2000.
Tuy nhiên tới thời điểm năm 1994, Car - Sharing vẫn hoạt động dưới hình thức những tổ chức xã hội, việc trao đổi xe diễn ra trong nhóm thành viên. Chia sẻ xe bắt đầu trở thành dịch vụ thương mại từ năm 1995 tại chính nơi đã làm "cuộc cách mạng chia sẻ xe" 20 năm trước - Hà Lan. Greenwheels, công ty chia sẻ ô tô thương mại đầu tiên của Hà Lan, được thành lập tại Rotterdam vào năm 1995, hiện tại vẫn đang hoạt động. Năm 2020, Greenwheels là nhà cung cấp dịch vụ chia sẻ xe lớn nhất ở Hà Lan, với đội xe lên tới 2.700 chiếc.
Cuối thế kỷ 20 dịch vụ này bắt đầu manh nha tại châu Á. Như đã nói trong bài 1, Singapore là quốc gia châu Á đầu tiên áp dụng hình thức "hợp tác xã xe hơi" trong khu vực. 40 cư dân của 2 chung cư cũng là những thành viên đầu tiên của "hợp tác xã" Car Co-op, đã đóng góp khoảng 100.000 đô la ban đầu, sau đó họ có quyền sử dụng đội xe dùng chung, từ chiếc limousine sang trọng Mercedes-Benz cho tới những chiếc xe đa dụng và sedan của nhiều thương hiệu khác và trả phí theo giờ. Các bãi chia sẻ xe cũng được đặt gần các điểm phương tiện giao thông công cộng để tiện lợi cho việc lấy và trả xe.
Nhật Bản cũng là nước châu Á quan tâm sớm tới hình thức chia sẻ ô tô này. Năm 1999, công ty Toyota thử nghiệm phát triển một hệ thống chia sẻ xe điện gồm 34 chiếc E-com nhỏ gọn cho những khách hàng đầu tiên chính là các công nhân của Toyota ở khu vực miền Trung Nhật Bản. Khoảng 300 công nhân Toyota đã thay nhau "chia sẻ" những chiếc xe này và lái chúng di chuyển từ nhà tới nơi làm việc, giữa nơi làm việc với sân bay trực thăng của công ty. Tuy nhiên sau đó những chiếc E-Com bị loại khỏi dòng sản phẩm của Toyota, được cho là vì lý do tài chính, nhưng chủ yếu có lẽ vì xe điện chưa thực sự được quan tâm vào thời điểm đó.
Khi làn sóng xe điện bùng nổ cũng là lúc cuộc cách mạng Car-Sharing quay lại. Năm 2022 thậm chí được xem là bước nhảy vọt của dịch vụ chia sẻ xe. Với nhiều ưu điểm như dễ sử dụng, tiện lợi khi di chuyển với thời gian và khoảng cách được thiết lập, đặc biệt là công nghệ kết nối thông minh, tự lái trên xe điện khiến nó có vẻ rất phù hợp với mô hình chia sẻ xe này.
Tại Mỹ hệ thống chia sẻ ô tô của Waymo, công ty hàng đầu về công nghệ tự lái, đã ra mắt các phương tiện thương mại của mình vào năm 2020. Những đổi mới này được các công ty lớn khác như Cruise, Uber, Lyft, Tesla và Aurora Innovation Inc (AUR. O) theo sau. Các nhà phát triển dịch vụ chia sẻ xe hy vọng công nghệ xe tự lái sẽ tạo nên bước đại nhảy vọt của dịch vụ này với ước tính hơn 33 triệu ô tô tự lái sẽ xuất hiện trên đường vào năm 2040.
Hiện tại dịch vụ chia sẻ ô tô hoạt động ở khoảng 600 thành phố trên toàn thế giới và dự báo đến năm 2030, 400 triệu người dự kiến sẽ sử dụng dịch vụ chia sẻ ô tô tự động. Theo nhận định của công ty phát triển phần mềm trong lĩnh vực sáng tạo các giải pháp về đô thị thông minh có trụ sở chính tại Hà Lan Itsavirus thì, với ưu điểm giảm ô nhiễm, chi phí thấp, tiện lợi và hiệu quả, chia sẻ ô tô tự lái trong tương lai sẽ trở thành một trong những giải pháp tốt nhất cho những thách thức về di chuyển trong đô thị.
(Nguồn tham khảo: Itsavirus)
Đón xem tiếp bài 3: Muôn chuyện Car-Sharing ở Việt Nam