Làn sóng huấn luyện viên Đông Á ở Đông Nam Á

Thứ Hai, 01/04/2024 14:15 GMT+7

Google News

Thành công của những tên tuổi như Park Hang Seo ở đội tuyển Việt Nam hay Shin Tae Yong ở đội tuyển Indonesia đang mở đường cho làn sóng HLV Đông Á tràn tới Đông Nam Á.

HLV số một Đông Nam Á lúc này chắc chắn là một người Hàn Quốc, nhưng không còn là ông Park Hang Seo. Người ấy là HLV trưởng đội tuyển Indonesia Shin Tae Yong, 3 lần liên tiếp thắng Việt Nam ở cả Asian Cup lẫn vòng loại World Cup. Đội tuyển Indonesia của ông Shin đang cho thấy sự tiến bộ sau từng trận và hứa hẹn mở ra kỷ nguyên vàng ở Đông Nam Á những năm tới.

Đội tuyển duy nhất thách thức được Indonesia vào lúc này cũng được dẫn dắt bởi một ông thầy Đông Á. Đấy là HLV Masatada Ishii người Nhật Bản của đội tuyển Thái Lan.

Một tên tuổi lớn khác của bóng đá khu vực là Singapore cũng được dẫn dắt bởi Tsutomu Ogura (Nhật Bản). Ông này là HLV mang quốc tịch Nhật thứ 3 trong 4 người gần đây dẫn dắt Singapore. Còn Timor-Leste cũng được dẫn dắt bởi một HLV người Hàn (Park Soon Tae).

Trong 11 đội Đông Nam Á, 4 đang được dẫn dắt bởi những ông thầy tới từ Đông Á. Con số này có thể tăng thêm sau khi đội tuyển Việt Nam và Lào hoàn tất công việc tìm kiếm HLV mới.

Với Việt Nam, VFF chưa lên tiếng chính thức. Nhưng khả năng một HLV Hàn Quốc hoặc Nhật Bản ngồi vào ghế nóng thay ông Philippe Troussier là cực cao. Xu thế hướng về Đông Á là rất rõ ràng với bóng đá Đông Nam Á những năm qua.

Đội tuyển Campuchia hiện được dẫn dắt bởi Felix Dalmas, người trước đó đã có một thời gian dài "giúp việc" cho 2 HLV Nhật là Keisuke Honda cùng Ryu Hirose. Nhiều đội tuyển Đông Nam Á khác cũng từng có HLV Đông Á làm việc dù ít dù nhiều.

Làn sóng Đông Á ở Đông Nam Á - Ảnh 1.

Thành công của HLV Shin Tae Yong ở đội tuyển Indonesia khiến làn sóng HLV Đông Á ở Đông Nam Á ngày càng thịnh hành. Ảnh: Hoàng Linh

Không hề tình cờ khi danh sách ứng viên dẫn dắt đội tuyển Việt Nam đa số tới từ Đông Á, 2 cái tên gần nhất đều mang quốc tịch Hàn Quốc (Kim Do Hoon, Kim Sang Sik). CLB số một V-League nhiều năm qua là CLB Hà Nội cũng đang được nắm bởi một ông thầy Nhật (Daiki Iwamasa).

Thất bại của những ông thầy châu Âu như Troussier tại Việt Nam, Milovan Rajevac ở Thái Lan, việc HLV nội (Hoàng Anh Tuấn tại Việt Nam, Kiatisuk Senamuang ở Thái Lan) bị đánh giá chưa đủ tầm cùng thành công liên tiếp của nhóm HLV Nhật, Hàn khiến xu thế Đông Á là điều không thể tránh khỏi với bóng đá Đông Nam Á.

Có những lý do rõ ràng cho ưu thế vượt trội của nhóm HLV này. Thứ nhất, trình độ bóng đá Nhật Bản, Hàn Quốc đang ngày càng cao. Hai kỳ World Cup gần đây, Nhật, Hàn đều có những chiến thắng vang dội. Quan trọng hơn, họ cho thấy đẳng cấp ngày cao từ đội tuyển, tính ổn định ngày càng lớn từ giải quốc nội.

Hàn Quốc, Nhật Bản đã chứng minh họ có thể chơi và đủ sức chơi với những đội trong top 10 thế giới. Giải quốc nội của họ cung vươn tầm thế giới, là hình mẫu cả về chuyên môn lẫn truyền thông. Bối cảnh ấy giúp các HLV Nhật, Hàn tiến rất xa về trình độ huấn luyện. Tiếp cận họ giờ là cách nhanh nhất để các nền bóng đá nhỏ ở Đông Nam Á tiến ra thế giới.

Thứ hai, bản thân nhóm HLV này có những sự gần gũi về văn hóa với Đông Nam Á. So với các ông thầy ngoại như Troussier hay Rajevac, cơ hội hòa hợp của nhóm Đông Á ở Đông Nam Á là rõ ràng hơn hẳn. Khác với thầy châu Âu vốn hoạt động độc lập, nhóm HLV Hàn, Nhật tới Đông Nam Á thường có sự ủng hộ mạnh mẽ.

Thứ ba, cũng bởi gần gũi về địa lý, cơ hội cho các nước Đông Nam Á tìm hiểu về HLV mới là rất nhiều. Mức lương, đòi hỏi về thu nhập không quá cao, khả năng hòa hợp về văn hóa cũng là rõ ràng.

Thời của HLV Đông Á ở Đông Nam Á vì thế là không thể khác được. 


Thanh Hà

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›