Lan tỏa dạy và học Dân ca Ví, Giặm trong trường học

Thứ Năm, 21/11/2024 10:20 GMT+7

Google News

Ngày 27/11/2014, Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Sau 10 năm, công tác bảo tồn và phát huy di sản Dân ca Ví, Giặm đã và đang được tỉnh Hà Tĩnh chú trọng. Trong đó, việc đưa dân ca này vào trường học đã giúp di sản văn hóa được lan tỏa mạnh mẽ, sâu rộng.

Trao truyền “vốn quý” của dân tộc

Trường Tiểu học Phan Kính (xã Kim Song Trường, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh) là ngôi trường nằm ở địa phương có bề dày truyền thống văn hóa, khoa bảng, là “cái nôi” của hát ví phường vải Trường Lưu. Những năm qua, cùng với học văn hóa, việc giáo dục lịch sử, truyền thống địa phương rất được nhà trường quan tâm, chú trọng.

Cô giáo Trần Thị Thu Hiền, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phan Kính chia sẻ, để học sinh không quên những câu hò, điệu ví truyền thống quê hương, nhiều năm nay, Câu lạc bộ Dân ca Ví, Giặm của tổ âm nhạc trong trường ra đời đã thu hút gần 40 học sinh của 2 điểm trường tham gia. Mỗi tuần, trong câu lạc bộ có một buổi sinh hoạt để giảng dạy Dân ca Ví, Giặm cho học sinh, hầu hết các em đều hứng thú, yêu thích những làn điệu dân ca truyền thống quê hương.

Lan tỏa dạy và học Dân ca Ví, Giặm trong trường học - Ảnh 1.

Học sinh trường Tiểu học 1 Thị trấn Thạch Hà (Thạch Hà, Hà Tĩnh) biểu diễn Dân ca Ví, Giặm tại Hội diễn văn nghệ chào mừng ngày 20/11. Ảnh: TTXVN phát

Còn tại Trường Tiểu học 1 thị trấn Thạch Hà (huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh), với vai trò là giáo viên Tổng phụ trách Đội, cô giáo Võ Thúy Hiền đã có nhiều cách làm sáng tạo, khơi dậy niềm yêu thích dân ca cho học trò. Tại các tiết học ngoại khóa, liên hoan văn nghệ của nhà trường, cô giáo Võ Thúy Hiền đã khéo léo lồng ghép các tiết mục dân ca vào giảng dạy. Cô giáo Thúy Hiền chia sẻ, Dân ca Ví, Giặm có nét đặc trưng, luyến láy riêng, mỗi điệu hát có cách thể hiện khác nhau, giáo viên sẽ dạy các em từ dễ đến khó, để các em cảm thụ được.

Là “hạt nhân” văn nghệ nổi bật của Trường Tiểu học 1 thị trấn Thạch Hà, em Nguyễn Trần Hà Vy, học sinh lớp 4A4 chia sẻ: "Từ nhỏ, em đã rất yêu thích những làn điệu dân ca mượt mà, đằm thắm. Được cô Võ Thúy Hiền truyền dạy Dân ca Ví, Giặm, em cảm thấy vô cùng lý thú. Em đã thuộc được nhiều điệu ví, giặm, xẩm khác nhau. Những câu hò, điệu ví đã khơi dậy niềm tự hào về di sản văn hóa quê hương trong em, giúp chúng em gắn kết hơn với cội nguồn văn hóa dân tộc".

Để câu hò, điệu ví mãi ngân vang

Thời gian qua, thực hiện các Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Tĩnh về bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn đẩy mạnh việc hát dân ca, phát triển các câu lạc bộ dân ca trong trường học; chỉ đạo các nhà trường ưu tiên tiết mục dân ca trong chương trình văn nghệ, đưa dân ca vào trong Chương trình giáo dục địa phương từ cấp tiểu học đến trung học cơ sở và trung học phổ thông.

Lan tỏa dạy và học Dân ca Ví, Giặm trong trường học - Ảnh 2.

Nhiều tài năng Dân ca Ví, Giặm của Hà Tĩnh được trưởng thành từ phong trào hát dân ca trong trường học. Ảnh: Hoàng Ngà - TTXVN

Đến nay, toàn tỉnh có 269 câu lạc bộ Dân ca Ví, Giặm với 8.187 thành viên là giáo viên, học sinh tham gia. Nhiều trường học tại Hà Tĩnh đã đưa Dân ca Ví, Giặm vào học đường với nhiều hình thức khác nhau. Có nhiều trường đã thành lập được câu lạc bộ Dân ca Ví, Giặm; có trường tổ chức các hoạt động ngoại khóa; có trường tổ chức các buổi giao lưu với các nghệ nhân, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu, sưu tầm tác phẩm Dân ca Ví, Giặm rất hữu ích, thiết thực.

Ông Nguyễn Duy Ngọc, Trưởng Phòng Chính trị, tư tưởng, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Tĩnh cho biết, việc đưa Dân ca Ví, Giặm vào trường học là một việc làm tích cực, đạt những hiệu quả đáng kể, góp phần giáo dục nhân cách cho học sinh, giúp các em trân trọng và yêu quý di sản của dân tộc, góp phần định hướng thị hiếu thưởng thức âm nhạc cho giới trẻ hiện nay. Tuy nhiên, việc truyền dạy dân ca trong trường học đang gặp nhiều khó khăn, nhất là thiếu kinh phí hoạt động. Bên cạnh đó, chuyên môn thanh nhạc, nhất là kiến thức âm nhạc về các làn điệu dân ca của các thành viên câu lạc bộ còn hạn chế, chưa được hướng dẫn sâu, rộng, dẫn đến khó khăn trong việc truyền dạy.

Để giải quyết những khó khăn trên, theo ông Ngọc, thời gian tới, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Tĩnh sẽ phối hợp với ngành Văn hóa để thực hiện việc làm cụ thể nhằm lan tỏa nhiều hơn Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh; quan tâm bố trí mời các nghệ nhân để hỗ trợ các nhà trường phát triển các câu lạc bộ dân ca; đưa Dân ca Ví, Giặm vào chương trình giáo dục địa phương tại các trường học, góp phần vào việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của dân ca.

Hoàng Ngà/TTXVN

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›