Lan tỏa tinh thần đổi mới tư duy trong xây dựng, thi hành pháp luật

Thứ Ba, 05/11/2024 17:31 GMT+7

Google News

Sáng 5/11, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp tổ chức tọa đàm “Báo chí và Ngày Pháp luật Việt Nam” nhằm truyền thông, lan tỏa tinh thần thượng tôn Hiến pháp và pháp luật, lan tỏa thông điệp về quan điểm, ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư về đổi mới tư duy trong xây dựng, thi hành pháp luật.

Ông Phan Hồng Nguyên, Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật (Bộ Tư pháp) cho biết, năm 2024 là năm thứ 12 triển khai Ngày Pháp luật Việt Nam. Đến nay, Ngày Pháp luật Việt Nam đã được các bộ, ngành, cơ quan, địa phương triển khai thực hiện bằng nhiều hình thức, cách làm cụ thể, thiết thực.

Đây cũng là đợt sinh hoạt chính trị - pháp lý sâu rộng, làm cơ sở để triển khai thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, thiết thực nhiệm vụ chính trị, chuyên môn của các bộ, ngành, địa phương, đóng góp thiết thực vào thành quả chung của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Lan tỏa tinh thần đổi mới tư duy trong xây dựng, thi hành pháp luật - Ảnh 1.

Quang cảnh Toạ đàm. Nguồn: baodantoc.vn

Phát biểu tại tọa đàm, bà Đoàn Thị Tuyết Nhung, Phó Tổng Giám đốc TTXVN, Chủ tịch Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật TTXVN cho biết, nội dung hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam được TTXVN xác định là nhiệm vụ quan trọng trong tháng 11. Dưới sự chỉ đạo của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương, Bộ Tư pháp, TTXVN đã ban hành kế hoạch hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam; tổ chức cuộc thi tìm hiểu pháp luật trực tuyến cho cán bộ, viên chức, người lao động trong toàn ngành. Số lượng người tham gia và trả lời đúng tăng hơn nhiều so với các năm trước cho thấy cán bộ, viên chức, người lao động rất quan tâm đến các quy định của pháp luật, nhất là các luật liên quan trực tiếp đến lĩnh vực báo chí, quyền lợi của cán bộ, công chức, viên chức…

Phó Tổng Giám đốc TTXVN nhấn mạnh, việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và truyền thông chính sách là nhiệm vụ rất quan trọng đối với các cơ quan báo chí nói chung và TTXVN nói riêng, góp phần định hướng dư luận, tạo sự đồng thuận xã hội, từ đó triển khai hiệu quả các chính sách trong cuộc sống.

Thời gian qua, TTXVN cùng với các cơ quan báo chí chủ lực như Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam… đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp trong phổ biến, giáo dục pháp luật và truyền thông chính sách. Hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam, TTXVN đã xây dựng chuyên mục “Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa” thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về “Phát huy tính Đảng trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam”; tập trung phỏng vấn chuyên gia về những nội dung trong bài viết. Chuyên mục đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc.

Lan tỏa tinh thần đổi mới tư duy trong xây dựng, thi hành pháp luật - Ảnh 2.

Bà Đoàn Thị Tuyết Nhung, Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam trao đổi tại tọa đàm. Ảnh: Báo Tin tức

Tại Kỳ họp thứ 8 đang diễn ra, Quốc hội thảo luận, xem xét và thông qua nhiều dự án luật. Trong bối cảnh đó, TTXVN tăng cường thông tin tuyên truyền về những nội dung mới trong các dự thảo luật, nhất là các luật có tác động mạnh mẽ đến đời sống xã hội. TTXVN cũng đẩy mạnh thông tin phỏng vấn đại biểu Quốc hội, cử tri về những điểm mới trong các dự án luật.

Thời gian tới, TTXVN bám sát chỉ đạo của Bộ Tư pháp trong tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nêu bật tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, tháo gỡ điểm nghẽn, huy động và khơi thông mọi nguồn lực để đưa đất nước vững bước vào kỷ nguyên mới.

TTXVN chú trọng mở thêm các chuyên mục liên quan đến tuyên truyền, phổ biến pháp luật; đổi mới cách thức thể hiện; đa dạng hóa loại hình thông tin, lan tỏa trên các nền tảng, nhất là mạng xã hội để tiếp cận được nhiều đối tượng, tập trung đối tượng giới trẻ để nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật. Đặc biệt, TTXVN tiếp tục triển khai hiệu quả loại hình thông tin đồ họa trong phổ biến, giáo dục pháp luật, truyền thông chính sách; chú trọng thông tin phản biện chính sách; tăng cường đấu tranh phản bác thông tin sai lệch về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho đối tượng đặc thù, như: đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo; lao động khu công nghiệp; cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài cũng như cộng đồng người nước ngoài ở Việt Nam…

Phó Tổng Giám đốc TTXVN đề nghị, thời gian tới, các bộ, ban, ngành, nhất là các bộ chủ trì soạn thảo các luật có sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan báo chí trong thông tin, tuyên truyền các nội dung trong luật, làm rõ những điểm mới, những điểm sửa đổi, bổ sung. Bộ Tư pháp giới thiệu chuyên gia để trao đổi, làm rõ thêm nội dung cần tuyên truyền. TTXVN cũng mong muốn Bộ Tư pháp - cơ quan thường trực Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương phát huy vai trò đầu mối để tham mưu Hội đồng xem xét đặt hàng cơ quan báo chí trong tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật; tổ chức các đợt thông tin, tuyên truyền trọng tâm, trọng điểm.

Ông Đặng Khắc Lợi, Phó Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, thời gian qua, các cơ quan báo chí chủ lực như TTXVN, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam,... đã làm tốt công tác truyền thông, giáo dục, phổ biến pháp luật. Trong thời gian tới, các cơ quan báo chí cần tăng cường chuyển đổi số, phối hợp chặt chẽ với Bộ, ngành Tư pháp để truyền thông về pháp luật, thông tin kịp thời các dự thảo luật đang được Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 8.

Phan Phương/TTXVN

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›