Trấn Trương Lan có tổng cộng 31 làng hành chính, trong đó gần một nửa làm nghề buôn đồ cổ và làng Trương Lan đứng đầu trong quy mô lẫn số lượng người tham gia kinh doanh.
Trong thời nhà Minh và nhà Thanh, làng Trương Lan là nơi quy tụ của thương nhân khắp đất nước Trung Quốc, được gọi là "Tiểu Bắc Kinh". Hiện tại, tuy sự phồn hoa đã phai mờ, hình ảnh nhộn nhịp cũng không còn nữa, nhưng thôn Trương Lan chỉ có 50 nghìn người dân cư thường trú này vẫn nức tiếng gần xa.
Làng Trương Lan (Sơn Tây, Trung Quốc), được gọi là "đệ nhất làng đồ cổ Trung Quốc", hơn 10 năm liên tiếp tổ chức hội giao lưu đồ cổ quy mô toàn quốc. Làng Trương Lan có hơn 50% hộ gia đình đang kinh doanh đồ cổ. Các khu chợ đồ cổ lớn nổi tiếng như Phan Gia Viên, Tỉnh Thành ở Bắc Kinh đều có không ít cửa hàng của người Trương Lan.
Trương Lan - đệ nhất làng đồ cổ của Trung Quốc
Buôn đồ cổ tử thuở cha ông
Thứ Sáu hàng tuần, làng Trương Lan cổ kính yên tĩnh trở nên ồn ào hơn mọi ngày. Sáng sớm, người trong làng nhao nhao đem đồ quý nhà mình bày ra một góc trong chợ đồ cổ, chào mời những người săn lùng bảo vật.
Làng Trương Lan có tổng dân số khoảng 50.000 người, 400 cửa hàng nằm trong 4 khu chợ đồ cổ. Ngay từ thời nhà Minh và nhà Thanh, việc mua bán đồ cổ ở làng Trương Lan sầm uất đến mức được mệnh danh là "Tiểu Bắc Kinh".
Sau khi cải cách và mở cửa, thôn làng đã sản sinh ra thế hệ đầu tiên có kiến thức chuyên môn về đồ cổ kết hợp kinh doanh. Khi đó người từ các thành phố lớn như Bắc Kinh, Thiên Tân đến làng Trương Lan thu thập đồ cổ, sau đó bán cho Quảng Châu và những nơi khác với giá cao. Vài năm sau, đội ngũ này có thêm các thương nhân đồ cổ Hồng Kông, Đài Loan và Singapore. Làng Trương Lan khi đó đã trở thành nơi tập trung đồ cổ nổi tiếng trong và ngoài nước. Cha của Vương Tăng Sơn là một trong số đó.
Vương Tăng Sơn là dân làng Trương Lan, đã tiếp xúc với đồ cổ từ nhỏ. Dưới ảnh hưởng của cha, Vương Tăng Sơn tốt nghiệp cấp hai thì nghỉ học và đi buôn đồ cổ, trở thành thế hệ thứ hai tiếp nối tổ nghề. Nhưng do ranh giới mơ hồ giữa đồ cổ và di tích văn hóa, cùng với những quy định của chính quyền, việc kinh doanh đồ cổ của người làng Trương Lan nói riêng và cả Trung Quốc nói chung, cho đến những năm 1990 luôn ở trong tình trạng "bán ngầm".
Năm 2000, chính quyền làng Trương Lan xây dựng một khu chợ đồ cổ với 50 cửa hàng. Khi việc kinh doanh dần trở nên phổ biến, năm 2001, làng xây dựng thêm một khu chợ đồ cổ thứ hai với 40 cửa hàng. Cũng trong năm 2001, làng Trương Lan tổ chức hội chợ giao lưu đồ cổ mùa thu toàn quốc lần thứ nhất. Thôn làng này một lần nữa phất lên nhờ buôn bán đồ cổ.
Hiện tại, người tham gia vào ngành công nghiệp đồ cổ ngày càng nhiều, đồ cổ dân gian cũng hiếm hoi dần đi, việc thu mua đồ cổ từ lâu đã không còn dễ dàng như trước đây.
Vương Tăng Sơn chia sẻ: “Năm chín mươi mấy, tôi bán một chiếc bát men được làm từ xưởng lò ngự ban của Càn Long. Tôi mua 180 tệ, bán ra hơn 2.000 tệ”.
Ngô Chấn Quốc, người đàn ông trung niên kinh doanh đồ cổ thế hệ thứ hai của làng Trương Lan. Khi phóng viên tìm đến, ông đang tiếp đón khách hàng từ Thái Nguyên (Sơn Tây, Trung Quốc).
Giằng co hồi lâu, Ngô Chấn Quốc cuối cùng đã đạt được thỏa thuận với khách hàng khi bán đi bộ đồng xu được phát hành từ thời Dân quốc với giá là 172.600 NDT (hơn 595 triệu đồng). Giao dịch thành công, Ngô Chấn Quốc nói với các phóng viên rằng lợi nhuận sau cuộc mua bán này chỉ có vài nghìn NDT.
“Bây giờ kinh doanh đồ cổ không phải là chuyện dễ”
Giống như hầu hết dân làng Trương Lan, Ngô Chấn Quốc sau khi tốt nghiệp cấp hai thì bắt đầu kinh doanh đồ cổ. Trong mắt ông, đồ cổ không phải là bộ sưu tập, mà là một kế sinh nhai.
Ngô Chấn Quốc nói với phóng viên, loại ống bút bằng gỗ lê hoa vàng này, trước kia ông mua 7-8 cái, sau này người ta mới biết đến giá trị của chúng và chấp nhận mua với giá vài trăm NDT.
Đồ cổ thu mua ẩn chứa cơ hội kinh doanh. Dân làng Trương Lan rong ruổi trên khắp tỉnh thành Trung Quốc để tìm kiếm đồ cổ rồi trở về kinh doanh.
Cùng với mức sống ngày một nâng cao, sự quan tâm của người dân dành cho đồ cổ cũng ngày càng tăng. Sưu tầm đồ cổ đã trở thành một phương thức đầu tư quan trọng, vì vậy làng Trương Lan cũng tìm thấy cơ hội kinh doanh mới trong xu hướng thời đại mới này.
Vương Tăng Sơn cho biết ông thường đến những khu vực như Bình Diêu, Trường Trị, Tấn Nam để tìm kiếm đồ cổ.
Vương Tăng Sơn kinh doanh đồ cổ đến nay đã 30 năm. Phóng viên theo chân Vương Tăng Sơn đến thôn Hầu Quách thuộc Bình Diêu. Vương Tăng Sơn đã là khách quen ở đây, nhà ai trong thôn có món đồ quý giá đều sẽ gọi Vương Tăng Sơn đến xem.
Đi từ nhà này sang nhà khác, kiểm tra nhiều món đồ được dân làng gọi là quý giá như ấm trà thời Minh, tranh Phúc Lộc Thọ… nhưng tất cả đều không lọt vào mắt xanh của Vương Tăng Minh. Sắc trời đã tối, Vương Tăng Sơn đành phải tay không trở về.
Vương Tăng Sơn cảm thán: “Làm nghề này không hề dễ dàng! Đồ cổ ư? Chỉ có thể gặp, không thể cầu”.
Ở làng Trương Lan, người làm nghề buôn bán đồ cổ đều phải đi lùng sục từng hộ gia đình như Vương Tăng Sơn. Họ không sợ vất vả, chỉ sợ mua phải hàng giả, điều này phụ thuộc vào kinh nghiệm lâu năm và kiến thức chuyên môn.
Gia đình ông Vũ Quang Huy đến nay vẫn còn giữ một bộ hàng giả mua về từ đầu những năm 1990. Vào thời điểm đó, ông đã chi 8.500 NDT (gần 30 triệu đồng) để mua đồ trang sức bằng đồng, tiêu tán hết 1/10 tổng tài sản của gia đình.
Bây giờ, kinh nghiệm và chuyên môn của người dân làng Trương Lan ngày càng phong phú, người thu mua hiện nay chú ý nhiều hơn đến nguồn gốc đồ cổ có vấn đề. Lương Thế Sinh vì thu mua đồ cổ trộm cắp mà bị tổn thất. Trong nhà ông có một bộ sưu tập lớn các tác phẩm điêu khắc đá từ nhà Thanh đến thời Dân Quốc. Lương Thế Sinh vẫn không nỡ bán hơn 10 năm qua, ngoại trừ những lần cần tiền gấp. Nhưng chỉ vài năm trước, một loạt trống đá điêu khắc đã khiến ông gặp rắc rối không nhỏ. Ông đã bỏ ra số tiền 100 nghìn NDT để mua trống đá nhưng không lâu sau cảnh sát ập đến và tịch thu. Thế là ông đã mất trắng.
Sau sự kiện này, Lương Thế Sinh càng trở nên cẩn thận hơn, các tác phẩm điêu khắc đá không rõ lai lịch cũng không còn được thu mua nữa.
Trước kia kinh doanh trong bóng tối, hiện tại "quang minh chính đại" nhờ mô hình họp chợ
Thành tựu kinh doanh đồ cổ của người Trương Lan không thể bàn cãi, nhưng đồ cổ dân gian ngày càng khó thu mua, tinh phẩm cũng càng thưa thớt. Những điều này đều trở thành vấn đề nan giải của dân làng Trương Lan.
Trấn Trương Lan có tổng cộng 31 làng hành chính, trong đó làng Trương Lan đứng đầu trong quy mô lẫn số lượng người tham gia kinh doanh.
Những năm 1990 là thời kỳ hoàng kim của ngành công nghiệp đồ cổ Trương Lan. Khi đó hầu như nhà nào cũng có đồ cổ, khách hàng đến Trương Lan mua đồ cổ đông đến mức không thể đếm xuể. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, nhà nước không có quy định rõ ràng về thị trường đồ cổ dân gian. Việc dân làng nhận được đồ cổ từ nhà của người dân có thuộc về di tích quốc gia hay không, giao dịch có hợp pháp hay không… đều không có một định nghĩa rõ ràng. Dân làng Trương Lan buôn đồ cổ trong tình trạng lo lắng triền miên.
“Trương Lan khó khăn nhất là mấy năm trước khi chúng tôi xây dựng khu chợ. Bắt đầu từ những năm 1994-1995, nhà nước quản lý quá chặt chẽ, không cho phép sưu tầm, cũng không cho phép bán, vì vậy chúng tôi xây chợ để hợp pháp hóa kinh doanh”, nguyên Bí thư thôn Trương Lan - Tống Nghênh Niên chia sẻ.
Tống Nghênh Niên kể lại: “Dân làng phải cất giấu đồ quý, người thì chôn dưới đất, người thì mang đi xa, nếu bị tịch thu thì mất trắng hoàn toàn. Tiền bạc là một chuyện, tâm huyết và cái tâm với đồ cổ lại càng đáng tiếc hơn”.
Để phát triển thị trường đồ cổ của Trương Lan, năm 2000, ủy ban làng khi đó quyết định xây dựng một chợ giao dịch đồ cổ tham khảo chợ Phan Gia Viên ở Bắc Kinh và chợ đồ cổ ở Thái Nguyên.
Vũ Quang Huy chia sẻ: “Trưởng thôn đã tìm chúng tôi thương lượng về ý tưởng mở chợ. Chúng tôi nhiệt tình ủng hộ. Khi đó, những nhà có tâm huyết mỗi người quyên góp 500 tệ”.
Năm 2001, chợ đồ cổ được xây dựng, nhưng do giao dịch đồ cổ thiếu sự hỗ trợ chính sách vào thời điểm đó, thị trường đồ cổ Trương Lan vẫn phải đối mặt với sự bất ổn, thậm chí không dám mang hai từ "đồ cổ" để công khai buôn bán
Tống Nghênh Niên: “Chúng tôi làm giấy chứng nhận thể hiện chợ thủ công mỹ nghệ dân gian Trương Lan”.
Năm 2002, luật bảo vệ di tích văn hóa của Trung Quốc đã được sửa đổi. Kể từ đó, thị trường đồ cổ Trương Lan dần được phát triển và mở rộng. Năm 2004, làng chính thức khai trương cái tên chợ đồ cổ Trương Lan và được sử dụng cho đến ngày nay.
Đến nay, trấn Trương Lan có 4 chợ đồ cổ, tổng cộng 400 cửa hàng, hơn 3.000 nhân viên, doanh thu hàng năm trên 2 tỷ NDT (hơn 6,9 tỷ đồng). Sự phát triển của thị trường đồ cổ đã mang lại thu nhập khả quan cho dân địa phương.
Tuy nhiên, trong vài năm trở lại đây, với sự trì trệ kinh tế và nhiều yếu tố khác, giao dịch đồ cổ của Trương Lan đã giảm thấy rõ. Để đối phó với tình hình giao dịch thị trường ảm đạm hiện nay, chính quyền thành phố Giới Hưu giúp trấn Trương Lan xây dựng một khu chợ đồ cổ mới, hy vọng có thể thông qua việc tích hợp các nguồn lực để thúc đẩy sự gia tăng lượng giao dịch.
Tags