Laura Poitras và hành trình đến với 'Sư tử Vàng'

Thứ Ba, 13/09/2022 18:30 GMT+7

Google News

Tại lễ bế mạc LHP Venice lần thứ 79, (ngày 10/9), bộ phim tài liệu gây nhức nhối All the Beauty And The Bloodshed của đạo diễn kiêm nhà sản xuất Mỹ Laura Poitras (58 tuổi) đã đoạt giải Sư tử vàng.

'The Son' nhận 10 phút vỗ tay tại LHP Venice

'The Son' nhận 10 phút vỗ tay tại LHP Venice

Tài tử Hugh Jackman và Laura Dern đã có mặt tại Liên hoan phim (LHP) Venice 2022 với buổi ra mắt thế giới bộ phim The Soncủa Florian Zeller - tác phẩm đánh dấu là phần tiền truyện của The Father (2020) cũng do ông đạo diễn.

Đây là chiến thắng bất ngờ trong một danh sách đông đảo các ứng viên “nặng ký” tham gia tranh giải Sư tử Vàng năm nay, đồng thời là bộ phim tài liệu hiếm hoi “rinh” giải thưởng cao nhất tại một LHP lớn.

Câu chuyện sinh tồn thú vị

Ngày nay, triển vọng thương mại đối với bất kỳ phim tài liệu nào đều còn rất mơ hồ. Tuy nhiên, khả năng truyền miệng mạnh mẽ và góc nhìn cá nhân, kịp thời về cuộc khủng hoảng trong phim đã giúp bộ phim của Poitras trở nên nổi bật. Trong khi bộ phim Citizenfour trước đó của Poitras liên quan đến Edward Snowden - người bị tố giác đã sao chép và làm rò rỉ thông tin tối mật từ Cơ quan An ninh Quốc gia vào năm 2013 khi anh là nhân viên và nhà thầu phụ của Cơ quan Tình báo Trung ương - và vụ bê bối gián điệp của NSA, thì All The Beauty And The Bloodshed là một câu chuyện sinh tồn thú vị.

Chú thích ảnh
Nhà làm phim Mỹ Laura Poitras

All The Beauty And The Bloodshed theo chân nhiếp ảnh gia kiêm nhà hoạt động người Mỹ Nan Goldin (69 tuổi) trong hành trình chống lại cuộc khủng hoảng thuốc giảm đau nhóm opioid. Bộ phim đồng thời ghi lại hành trình nghệ thuật của Goldin - người đã vươn lên thành một trong những nhiếp ảnh gia vĩ đại của cuối thế kỷ 20- cùng với những cuộc phản đối gần đây nhằm chống lại gia đình Sackler và Purdue Pharma. Đó là những nhà sản xuất Oxycontin, một loại thuốc giảm đau được kê đơn và bị lạm dụng rộng rãi. Thực tế,Purdue Pharma đã phải đối mặt với một loạt các vụ kiện cáo buộc rằng công ty đã góp phần gây ra cuộc khủng hoảng nghiện ngập và sử dụng quá liều liên quan đến hơn 500.000 ca tử vong ở Mỹ trong 2 thập kỷ qua.

Trong phim, Poitras tạo ra bức chân dung cảm động về cuộc sống cá nhân và những cuộc vật lộn với chứng nghiện của Goldin bằng cảnh quay về các cuộc biểu tình sôi nổi tại các viện bảo tàng lớn (bao gồm cả những cuộc biểu tình đầy kịch tính tại Met và Guggenheim, 2 trong số các thiết chế văn hóa đã từ chối quyên góp từ gia đình Sackler). Trước đó, các tổ chức do các thành viên của gia đình Sackler điều hành đã tài trợ hàng chục triệu USD cho các bảo tàng, bao gồm Guggenheim ở New York và Bảo tàng Victoria và Albert ở London, đồng thời tài trợ cho các hoạt động tại Oxford và Yale.

Chú thích ảnh
Laura Poitras nhận giải Sư tử Vàng với phim “All The Beauty And The Bloodshed” tại LHP Venice 2022

Phim cũng ghi lại tuổi trẻ đầy khó khăn của Goldin, vụ tự tử của em gáibà, những cuộc vật lộn với chứng nghiện thuốc giảm đau của bản thân và cách nhiếp ảnh gia trẻ đãtự đứng lên sau một mối quan hệ bị lạm dụng bằng cách biến nó thành một trong những tác phẩm nghệ thuật tuyệt vời nhất của mình.

Đáng nói, Poitras đã đưa ra một cái nhìn hấp dẫn về hiệu quả của tổ chức Can thiệp Nghiện Thuốc theo Đơn (P.A.I.N.) của Goldin. Kể từ khi thành lập nhóm vận động P.A.I.N. vào năm 2017, Goldin đã không mệt mỏi tìm kiếm công lý cho những người mà cuộc sống của họ bị ảnh hưởng bởi việc quảng bá Oxycontin của gia đình Sackler thông qua công ty Purdue Pharma - hành trình mà Poitras có sự đồng cảm mạnh mẽ.

Được biết, khi nhà làm phim Poitras đến gặp nhiếp ảnh gia Goldin để đề cập đến việc muốn làm bộ phim tài liệu quay lại những cuộc vận động kêu gọi các bảo tàng không nhận tiền từ gia đình Sackler, Goldin đã hơi lo lắng. “Khi Poitras tới, tôi lo là mình không có bất cứ bí mật nào để chia sẻ và tôi chưa đủ tầm cho dự án này” - Goldin nói tại LHP Venice.

Chú thích ảnh
Đạo diễn Laura Poitras và nhiếp ảnh gia Nan Goldin tại LHp Venice năm nay

Tuy nhiên, ngay sau khi trò chuyện với Goldin, nhà làm phim Poitras đã có dự cảm rằng, “câu chuyện kinh dị hiện đại về một gia đình tỷ phú cố ý tạo ra thuốc giảm đau gây nghiện và sau đó đổ tiền vào các viện bảo tàng để đổi lấy khoản giảm thuế” mà Goldin đang dồn nhiều tâm huyết chỉ là một phần của câu chuyện liên quan đến toàn bộ cuộc đời và công việc của bà. Kết quả là All The Beauty And The Bloodshed ra đời.

All The Beauty And The Bloodshed đan xen quá khứ và hiện tại của Goldin thông qua các tác phẩm của bà, những cuộc trò chuyện thân mật và mối liên hệ mạnh mẽ giữa đại dịch AIDS những năm 1980 và các đại dịch ngày nay. Poitras nói: “Tôi và chị Goldin biết rằng chúng tôi không muốn làm một bộ phim tiểu sử hoặc một bức chân dung nghệ sĩ điển hình. Cuộc đời của chị xứng đáng là một bộ phim sử thi, về những gì chị đã làm, đã hoàn thành và những rủi ro mà chị chấp nhận”.

Ngay từ khi bắt đầu công việc của mình, Goldin luôn quan tâm tới việc “xóa bỏ sự kỳ thị”. Goldin cho biết, sự chú ý của mình dành cho gia đình Sackler bắt đầu từ khi bà tới một phòng khám. Bà ban đầu chỉ biết đến gia đình Sackler là những nhà từ thiện, nhưng sau đó bắt đầu đọc các bài báo về việc sử dụng quá liều opioid, về Purdue Phama và biết rằng mình phải làm gì.

All The Beauty And The Bloodshed đã ra mắt khán giả thế giới tại LHP Venine năm nay và đã lấy nước mắt của nhiều khán giả. Trước màn công chiếu, Poitras đã cảm ơn các nhà tổ chức LHP Venice khi đã công nhận “phim tài liệu là điện ảnh”.

Được biết, công ty sản xuất và phát hành phim độc lập Neon của Mỹ đã mua bản quyền phát hành và phim sẽ có mặt tại các rạp chiếu Bắc Mỹ vào mùa Thu.

Những câu chuyện không thể đoán trước

Sinh ra ở Boston (Mỹ), Laura Poitras là con gái của Patricia “Pat” và James “Jim” Poitras - người vào năm 2007 đã quyên góp 20 triệu USD để thành lập Trung tâm Nghiên cứu rối loạn cảm xúc Poitras tại Viện Nghiên cứu Não bộ McGovern thuộc Viện Công nghệ Massachusetts. Trong quá trình trưởng thành, Poitras dự định trở thành một đầu bếp và đã có vài năm làm đầu bếp tại L'Espalier - một nhà hàng Pháp nằm ở khu phố Back Bay của Boston. Tuy nhiên, sau khi hoàn thành khóa học tại trường Sudbury Valley, cô chuyển đến San Francisco và không còn hứng thú với việc trở thành đầu bếp. Thay vào đó, cô theo học tại Học viện Nghệ thuật San Francisco cùng với các nhà làm phim thử nghiệm Ernie Gehr và Janis Crystal Lipzin. Năm 1992, Poitras chuyển đến New York để theo đuổi công việc làm phim và năm 1996 tốt nghiệp cử nhân trường Nghiên cứu Xã hội New School.

Chú thích ảnh
Nan Goldin (đeo kính đen) trong một cuộc biểu tình tại Bảo tàng Victoria & Albert ở London hồi năm 2019

Các bộ phim của Poitras tập trung vào các vấn đề xã hội như kỳ thị giới tính và quyền lực, cuộc chiến chống khủng bố... Cách làm phim của cô được coi là “những câu chuyện không thể đoán trước”. Cụ thể, phim được đề cử Oscar My Country, My Country (2006) là câu chuyện về một gia đình Iraq sống trong thời gian Mỹ đóng quân tại đây. Mạo hiểm mạng sống của mình để kể câu chuyện, cô quay phim một mình trong suốt 8 tháng, thường xuyên trong tình trạng gặp nguy hiểm vì bạo lực tràn lan.

Hoặc, The Oath (2010) là bộ phimnói về 2 người đàn ông Yemen bị cuốn vào cuộc chiến chống khủng bố tại Mỹ, đã giành được giải Quay phim xuất sắc cho Phim tài liệu Mỹ tại LHP Sundance 2010. 2 bộ phim kể trên cùng với Citizenfour đã tạo thành bộ ba phim làm về cuộc chiến chống khủng bố ngày càng lộ rõ nhiều vấn đề tại Mỹ.

Không chỉ làm phim, vào năm 2012 Poitras đã tham gia tích cực vào cuộc triển lãm Whitney Biennial về nghệ thuật đương đại của Mỹ kéo dài 3 tháng. Năm 2016, cô tổ chức triển lãm cá nhân Astro Noise tại Bảo tàng Nghệ thuật Mỹ Whitney. Triển lãm mô tả những môi trường ngập nước, trong đó kết hợp với phim tài liệu và cho phép người xem tương tác với những tư liệu do cô thu thập được.

Hy vọng giải Oscar thứ 2

Cách đây 8 năm, Poitras là là cái tên nổi bật trong cuộc đua Oscar Phim tài liệu hay nhất với phim Citizenfour và đã đoạt giải. Nếu Poitras giành được giải Oscar Phim tài liệu hay nhất lần thứ 2 với phim All The Beauty And The Bloodshed, cô sẽ là đạo diễn phim tài liệu nữ đầu tiên đạt được thành tích này sau nhà làm phim nữ người Mỹ Barbara Kopple. Kopple đã “rinh” 2 Tượng Vàng với phim Harlan County, USA hồi năm 1977 và American Dream (1991).

Việt Lâm (tổng hợp)

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›