Afghanistan là quốc gia chịu nhiều thiệt hại do xung đột vũ trang. Trong khoảng thời gian gần đây, một số du khách đã thử tới thăm đất nước này để tận mắt chứng kiến các thay đổi trong khu vực.
Tình hình tại Afghanistan
Người dân thế giới hầu như đều biết đến Afghanistan qua những thông tin về tình trạng thiếu lương thực, xung đột liên miên và hoàn cảnh khó khăn của dân thường.
Kể từ khi Taliban nắm quyền kiểm soát hoàn toàn đất nước vào năm 2021, tình hình ở đây đã trở nên tồi tệ hơn, vì sự cô lập về kinh tế và ngoại giao không giúp giảm bớt xung đột do các nhà cầm quyền mới tại đất nước gây ra.
Tuy nhiên, cuộc sống hàng ngày vẫn tiếp diễn.
Afghanistan hiện đang trải qua thời gian bình lặng đáng kể đầu tiên trong cuộc xung đột kéo dài nhiều thập kỷ, Kabul và các thị trấn khác vẫn tiếp tục nhộn nhịp với hoạt động thương mại. Các cửa hàng và nhà hàng vẫn mở cửa. Người dân vẫn thiếu điện, nhưng máy phát điện vẫn chạy trong các khách sạn và nhà của những người có đủ khả năng chi trả.
Mặc dù nhiều người ấn tượng rằng Afghanistan đang bị phong tỏa, nhưng điều đó không hoàn toàn chính xác. Các sân bay và cửa khẩu biên giới vẫn được mở - và bất chấp lời khuyên từ nhiều chính phủ các nước, một số khách du lịch "gan dạ" vẫn thực hiện các chuyến đi để xem tình hình thực tế ở Afghanistan như thế nào.
Đối với vlogger du lịch Kristijan Iličić, cơ hội trở thành khách du lịch ở Afghanistan quá thú vị.
Anh đã từng đến thăm đất nước này vào năm 2020 và vẫn giữ liên lạc với một số người anh gặp tại đây. Nhưng việc lính Mỹ rời đi và sự trở lại của chế độ Taliban vào năm 2021 khiến anh tò mò về những gì đã thay đổi kể từ sau chuyến đi đầu tiên của mình.
Tới đất nước 'không nên tới'
Theo CNN, có 16 chuyến bay mỗi tuần đến Sân bay Quốc tế Kabul từ Dubai và ba chuyến khác từ Abu Dhabi.
Ngoài ra, còn có các chuyến bay trực tiếp từ Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như từ thủ đô Islamabad của Pakistan và từ Jeddah, Ả Rập Saudi. Biên giới đất liền với Uzbekistan, Iran và Tajikistan cũng được mở.
Tuy nhiên, du khách không thể đến sân bay và lên máy bay dễ dàng. Công dân của hầu hết các nước phương Tây cần thị thực du lịch và hiện có ít đại sứ quán Afghanistan trên khắp thế giới hơn so với hai năm trước.
Iličić, một công dân Croatia, cho biết anh có thể xin thị thực trong vòng 24 giờ với chi phí 500 USD tại đại sứ quán Afghanistan ở Dubai.
Và có nhiều điều cần xét tới hơn là chỉ xin thị thực. Những vấn đề an ninh - với các cuộc tấn công thường xuyên do nhóm khủng bố ISIS nhận trách nhiệm - là điều khiến du khách e ngại nhất.
Những du khách chọn đến Afghanistan có thể không được hỗ trợ bởi quê hương của họ nếu có vấn đề xảy ra hoặc nếu họ cần giúp đỡ.
Mỹ đã đóng cửa đại sứ quán ở Kabul vào tháng 8/2021 và khuyến cáo du lịch Cấp độ Bốn: Không tới du lịch vẫn được áp dụng.
Một số công ty bảo hiểm đã bán dịch vụ bảo hiểm cho du khách tới Afghanistan với giá từ 810 USD mỗi người trong một tuần. Dịch vụ này bao gồm những gì các công ty mô tả là "hoạt động đặc biệt, ứng phó với khủng hoảng 24/7 trước các nguy cơ bắt cóc và đòi tiền chuộc".
Sau khi có thay đổi trong đất nước, khách du lịch dường như có thể tiếp cận nhiều khu vực hơn so với trước, ví dụ như tới một pháo đài của Taliban ở miền nam Afghanistan.
Một công ty du lịch có tên Untamed Borders đã cho du khách ở trong nhiều loại hình nhà trọ trong chuyến đi tới Afghanistan: từ khách sạn ở các thành phố lớn, nhà trọ lụp xụp ở vùng nông thôn và thậm chí cắm trại một đêm trong lều ở thung lũng Bamiyan, nơi nổi tiếng với những bức tượng khổng lồ bị phá hủy bởi chiến tranh.
Mặc dù có các nhà hàng và quán cà phê mở ở Kabul và các thành phố khác, nhưng đoàn du lịch thường ăn tối tại nhà dân để tránh mạo hiểm ra ngoài vào ban đêm ở các vùng nông thôn.
Iličić cùng lái xe và phiên dịch riêng ở trong các khách sạn và nhà trọ nhỏ do địa phương quản lý. Anh cho biết anh rất thích kabuli pilaw (cơm thập cẩm thịt cừu), một trong những món ăn nổi tiếng của Afghanistan, và có thể ăn nó "mỗi ngày", đồng thời cũng đã nếm thử thịt nướng và thức ăn đường phố ở Kabul vào mùa thu năm ngoái.
Lần thứ hai tới Afghanistan
Khi thực hiện các chuyến thăm trở lại, Iličić có thể đến thăm các vùng mà anh trước đây không được tới. Tuy nhiên, mọi chuyện không hoàn toàn suôn sẻ. Theo thông lệ, khi tới các vùng nông thôn, du khách phải xin phép lãnh đạo địa phương. Điều này rất khó khăn vào các ngày thứ Sáu khi mọi nơi đều đóng cửa theo lịch thờ phụng của người Hồi giáo.
Các trạm kiểm soát an ninh vẫn đang tồn tại ở Afghanistan, mặc dù hiện tại chúng được điều hành bởi các chiến binh Taliban chứ không phải lính nước ngoài hoặc Quân đội Quốc gia Afghanistan.
"Rõ ràng là không có gì được xây dựng lại vì chính quyền không có tiền. Cờ của Taliban được treo khắp nơi, nhưng ngoài điều đó ra, mọi thứ trông vẫn vậy," một khách du lịch nói. "Và tại các trạm kiểm soát, một trong những điều đáng chú ý nhất là các chiến binh Taliban dường như không quan tâm đến chúng tôi."
Iličić cảm thấy rằng phía Taliban quan tâm đến vlog của anh và coi đó là cơ hội tốt để làm "video PR" (cải thiện và quảng bá hình ảnh). Theo lời kể, khi Iličić tới một trạm kiểm soát ở Bamiyan, anh được lính Taliban mời uống trà và trò chuyện.
"Taliban muốn thể hiện mình là những người hòa bình. Vì vậy, họ cho phép tôi đi đến tất cả các điểm đến mà tôi dự định đi. Taliban từ 20 năm trước không quan tâm thế giới nghĩ gì về họ. Nhưng với phiên bản Taliban 2.0, họ lại khá quan tâm. Họ đang cố gắng gửi hình ảnh tốt đẹp về bản thân ra thế giới."
Bất kỳ chuyến đi nào cũng có ưu và nhược điểm, nhưng chuyến đi đến Afghanistan vẫn là điều gì đó chỉ dành cho những du khách dũng cảm nhất.
Iličić nói: "Mặc dù Afghanistan không phải là quốc gia nguy hiểm nhất thế giới, nhưng nó vẫn không an toàn. Lời khuyên của tôi là: hãy nghiên cứu kỹ lưỡng, nhờ một hướng dẫn viên địa phương giỏi, tôn trọng nền văn hóa mà bạn đang đến thăm, tử tế với mọi người và tuân theo các quy tắc".