Lê Dung, Thu Hiền, Thanh Hoa: Bộ ba nữ nghệ sĩ nhân dân "bậc thầy" của nền nhạc cách mạng Việt Nam

Chủ nhật, 30/04/2023 10:22 GMT+7

Google News

Lê Dung, Thu Hiền, Thanh Hoa đều là những nghệ sĩ nhân dân có cống hiến lớn với nền nhạc cách mạng Việt Nam.

Suốt hơn nửa thế kỉ qua, ở giai đoạn nào nhạc Việt cũng có một bộ ba xuất hiện, tam kiếm hợp bích để tạo nên thế chân vạc khuynh đảo công chúng, mà không ai là không biết đến.

Ngay ở nền nhạc cách mạng cũng có bộ ba nữ danh ca với tài năng, cống hiến to lớn và sự nổi tiếng, tầm ảnh hưởng mạnh mẽ tới các thế hệ sau này.

NSND Lê Dung – cánh chim đầu đàn của nền nhạc cổ điển, thính phòng Việt Nam

NSND Lê Dung được xem là một huyền thoại âm nhạc, cánh chim đầu đàn của nền nhạc cổ điển thính phòng Việt Nam, khiến ai cũng phải ngưỡng mộ.

Trước Lê Dung, nhạc cổ điển đã được du nhập vào Việt Nam nhờ người Pháp và những trí thức Tây học, nhưng chưa thực sự phát triển. Nhạc cổ điển chỉ tồn tại trong một bộ phận nhỏ giới tri thức, ít tiếp cận được công chúng bình dân. Người Việt có biết tới nhạc cổ điển nhưng không nhiều, cũng không quen với cách hát bằng head voice thuần phương Tây.

Lê Dung trong suốt thập niên 1990 đã đi diễn ở khắp các sân khấu lớn nhỏ. Không chỉ trên sân khấu lớn, sang trọng như Nhà hát Lớn hay các dinh, tòa đại sứ, cô còn diễn ở nhiều sân khấu bình dân và lên sóng phát thanh, truyền hình, phủ khắp mọi ngõ ngách.

Đặc biệt, Lê Dung không chỉ hát nhạc cổ điển mà còn dùng lối hát cổ điển để hát những bài nhạc dân ca, Cách mạng vốn đã quen thuộc với công chúng. Nhờ Lê Dung, lần đầu tiên khán giả Việt được nghe những bài nhạc Cách mạng qua một lối hát mới đầy học thuật (trình diễn trên head voice dựng tiếng) nhưng cũng dung dị, mộc mạc, không quá phô diễn.

Lê Dung, Thu Hiền, Thanh Hoa: Bộ ba nữ nghệ sĩ nhân dân "bậc thầy" của nền nhạc cách mạng Việt Nam - Ảnh 1.

NSND Lê Dung

Từ đó, Lê Dung đã phổ biến nhạc cổ điển đến khắp khán giả trong nước, ở mọi tầng lớp. Những ca khúc cách mạng bán cổ điển như Mẹ yêu con, Người Hà Nội, Bài ca hy vọng… qua giọng hát Lê Dung đã chiếm trọn trái tim nhân dân, khiến ai cũng xao xuyến, không thể quên.

Không chỉ có công lớn về mặt trình diễn, NSND Lê Dung còn đóng góp nhiều trên công tác giảng dạy. Cô là giáo viên thỉnh giảng bậc cao học thanh nhạc của các trường âm nhạc, nhạc viện ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Trường Cao đẳng Văn hoá Nghệ thuật Quân đội.

Ngoài ra, cô cũng đạt nhiều giải thưởng trong và ngoài nước như: Giải tư cuộc thi quốc tế những nghệ sĩ hát opera trẻ, tổ chức tại Sofia (Bulgaria); Giải thưởng Toulouse (Pháp); Giải Mùa Xuân tại Bình Nhưỡng (Triều Tiên); Giải Người hát dân ca hay nhất trong cuộc thi âm nhạc quốc tế tại Liên Xô (cũ)…

Rất nhiều ca sĩ cổ điển, bán cổ điển ngày nay đều thần tượng, ngưỡng mộ Lê Dung. Với những thành tích và tầm ảnh hưởng lớn như vậy, NSND Lê Dung xứng đáng là diva nhạc cổ điển duy nhất tại Việt Nam tính đến hiện tại.

Lê Dung có một quãng giọng khá rộng, trải dài từ F3 tới C#6, phù hợp với quãng giọng của một giọng nữ trữ tình cổ điển. Hơn nữa, quãng giọng này cũng chính là quãng support của Lê Dung. Với nền tảng kỹ thuật cổ điển bài bản, Lê Dung hát tới note nào là đẹp và support note đó, không có sự căng thẳng, cao thanh quản hay mắc lỗi.

C#6 dù là một note khá cao, nhưng Lê Dung kiểm soát nó khá tốt và thể hiện được nhiều kỹ thuật, sắc thái. Trong bài Cô gái vót chông, Lê Dung chạy staccato trên C#6 linh hoạt nhưng tới aria Caro Nome, bà lại đẩy lên cressendo âm lượng lớn full voice một cách chắc chắn.

Và dù là giọng trữ tình, nhưng nhờ rèn luyện hơi thở và đặt đúng vị trí âm thanh, cộng hưởng tốt, Lê Dung có thể tạo ra những luồng âm lượng lớn, to, vang đầy bão táp trên head voice quãng cao.

Trong một lần song ca cùng NSND Quang Thọ ca khúc Đường chúng ta đi, Lê Dung đã tung một cú head voice Bb5 to tới rè cả loa, át toàn bộ tiếng Quang Thọ. Hay, khi hát aria Pace Pace Mio Dio, Lê Dung cũng tung ra một cú head voice kết Fortissimo Bb5 bùng cháy dữ dội. Gần như chưa có ca sĩ Việt nào dám hát aria này sau Lê Dung.

Dù vậy, Lê Dung rất ít khi phô diễn giọng hát. Trừ những aria cổ điển và ca khúc bán cổ điển đòi hỏi sự hùng tráng, dữ dội, Lê Dung thường chọn lối hát mềm mại, trữ tình để phát huy tối đa vẻ đẹp giọng hát được đào tạo theo chuẩn Bel Canto (trường phái hát đẹp của Opera Ý).

Lê Dung hát legato rất đẹp, mịn màng và trôi như một dòng suối. Các đoạn piano, pianissimo, mezza di voce được cô áp dụng vào câu hát một cách điêu luyện, thoải mái. Khả năng điều khiển âm lượng của Lê Dung rất tốt, hát lúc to lúc nhỏ, lúc bùng cháy, lúc mềm mại, đem lại biết bao sắc thái cảm xúc trong một câu hát, diễn đạt trọn vẹn tinh thần, nội dung bài hát. Làn hơi của cô rất dài, cột hơi vững vàng, có thể chạy vibrato đều và tròn trịa đến bất tận.

Tuy vậy, điều đáng khâm phục ở Lê Dung không nằm ở những kỹ thuật điêu luyện, phức tạp mà nằm ở cách nhả chữ, luyến láy, xử lý ca khúc.

Ở đa số các ca khúc cách mạng bán cổ điển, Lê Dung dù hát theo lối thính phòng nhưng vẫn thổi vào những nhả chữ luyến mang màu sắc dân ca truyền thống, tạo cho bài hát sự ngọt ngào, mềm mại, dễ chịu và lay động từng tế vi cảm xúc.

Cách Lê Dung nhả chữ vô cùng nắn nót, nâng niu, chứa đựng biết bao tâm sự, nỗi niềm. Có thể nói, biệt tài nhả chữ, phát âm, nhấn nhá, xử lý giai điệu trên head voice của Lê Dung mới là cái khiến cô trở nên độc nhất vô nhị, không ai bắt chước được, chứ không chỉ đơn giản là kỹ thuật hát.

NSND Thu Hiền – Tiếng hát dân ca nổi danh bậc nhất

NSND Thu Hiền không phải ca sĩ hát dân kỹ thuật nhất, giọng đẹp nhất, nhưng lại vô cùng nổi danh và đặc biệt có cống hiến lớn khi đưa âm hưởng dân ca vào nhạc Cách mạng.

Lê Dung, Thu Hiền, Thanh Hoa: Bộ ba nữ nghệ sĩ nhân dân "bậc thầy" của nền nhạc cách mạng Việt Nam - Ảnh 2.

NDND Thu Hiền

Hiếm có ca sĩ nào như NSND Thu Hiền, đứng trên đỉnh cao nghệ thuật suốt hơn 40 năm với vị trí số một trong dòng nhạc dân ca Bắc Bộ. Giờ đây, đã ở tuổi 70, cô vẫn lao động nghệ thuật bền bỉ. Cô cũng là một trong số ít nghệ sĩ hát nhạc Cách mạng phát hành nhiều album, đĩa nhạc nhất. Đến chính cô cũng không nhớ nổi mình có chính xác bao nhiêu đĩa nhạc riêng.

Đi hát từ năm 10 tuổi, suốt quãng đời son trẻ NSND Thu Hiền hát phục vụ đồng bào và chiến sĩ ở đất miền Trung nắng lửa, bởi thế mà dù bố người Phú Thọ, mẹ người Thái Bình, lại được sinh ra ở Việt Bắc nhưng Thu Hiền lại khiến khán giả tưởng rằng cô là người con của miền Trung. Rất nhiều bài hát về miền Trung từ dân ca đến tân nhạc được chị thể hiện xuất sắc và để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả.

Giọng ca của NSND Thu Hiền được đánh giá là có sức hút với nhiều thế hệ. Công chúng của cô ở khắp mọi miền đất nước, không kể độ tuổi hay trình độ học vấn.

NSND Thanh Hoa – tiếng hát mộc mạc, tự nhiên ghi dấu nhiều thế hệ

NSND Thanh Hoa có lẽ là tiếng hát nữ thành công nhất miền Bắc trong suốt hai thập niên 70 và 80.

Từng có một thời, tiếng hát Thanh Hoa được nhà nhà yêu mến, người người ưa chuộng, vang lên khắp mọi nơi trên miền Bắc, qua đài phát thanh và băng cát xét. Cô là một trong những ca sĩ thu âm nhiều nhất Đài tiếng nói Việt Nam với 400 bản thu từ nhạc cách mạng tới nhạc nhẹ.

Thanh Hoa nổi tiếng bởi chất giọng đặc trưng không thể lẫn với bất cứ ca sĩ nào khác. Tiếng hát của cô sáng, mảnh nhưng vẫn ấm áp và đặc biệt giản dị, mộc mạc, hát như nói, nhiều luyến láy dân ca, thích hợp để biểu đạt cảm xúc một cách tự sự, trữ tình, đại chúng nhất.

Lê Dung, Thu Hiền, Thanh Hoa: Bộ ba nữ nghệ sĩ nhân dân "bậc thầy" của nền nhạc cách mạng Việt Nam - Ảnh 3.

NSND Thanh Hoa

Tuy không sử dụng quá nhiều kĩ thuật, nhưng bằng sự mộc mạc, lối hát rất riêng trong một tiếng hát có âm sắc đặc biệt, Thanh Hoa đã đóng đinh tên tuổi ở nhiều ca khúc nổi tiếng như Tàu anh qua núi, Mùa xuân làng lúa làng hoa, Em chọn lối này, Bác Hồ một tình yêu bao la, Gà gáy le te, Tình yêu trên dòng sông quan họ… để tạo nên một chất nhạc, phong cách độc đáo, mà nhiều ca sĩ sau này dù cố thể hiện điêu luyện thế nào cũng không thể hay như cô.

Giọng hát Thanh Hoa không hẳn là nhiều màu sắc, nhưng giàu tự nhiên và mềm mại tới mức có thể hát hay và truyền tải đúng điệu hồn của rất nhiều loại nhạc trên khắp mọi miền đất nước, từ vùng núi cao Tây Bắc tới làng quan họ, tới xứ Huế miền Trung hay sông nước miền Nam. Đặc biệt, cô có lợi thế rất lớn khi hát dân ca của các dân tộc thiểu số.

Có thể nói, giọng hát Thanh Hoa đã đạt tới sự tự nhiên, thân quen tới mức, nó giống như một tiếng hát quần chúng bất kì nào đó chúng ta có thể bắt gặp trên mọi nẻo đường cuộc sống. Đó có thể là tiếng hát của một thiếu nữ, một quả phụ, một em thiếu nhi, một nữ chiến sĩ… Nhưng trên hết, tiếng hát ấy vẫn là tiếng hát của một nghệ sĩ nổi tiếng.

Long Phạm

Chia sẻ

Tags

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›