(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 2/10, tại Khu Di tích Văn hóa Trần (phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định), UBND thành phố Nam Định tổ chức lễ hội truyền thống đền Trần năm 2015, dâng hương tưởng niệm 715 năm ngày mất Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn.
Lễ hội nhằm ôn lại truyền thống "Uống nước nhớ nguồn", tưởng nhớ công lao anh hùng dân tộc Quốc công tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn (còn gọi là Đức Thánh Trần) - người có công xây dựng, bảo vệ đất nước.
Hưng Đạo Đại Vương là con trai của An Sinh Vương Trần Liễu (cháu gọi vua Trần Thái Tông bằng chú), quê ở làng Tức Mặc, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định (nay thuộc phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định). Ông là nhà quân sự trí dũng song toàn đã ba lần lãnh đạo quân và dân ta chiến thắng giặc Nguyên - Mông xâm lược. Ông còn là nhà văn hóa lớn với tinh thần "lấy dân là gốc" làm kế sách giữ nước. Cuộc đời và sự nghiệp của Quốc công tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn tiêu biểu cho truyền thống kiên cường, bất khuất, tinh thần quyết chiến quyết thắng mọi kẻ thù xâm lược của dân tộc Việt Nam, là tấm gương sáng về lòng yêu nước thương dân.
Đông đảo nhân dân, du khách trong và ngoài tỉnh đã về dâng hương tưởng niệm 715 năm ngày mất Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn và tham dự các hoạt động hội truyền thống độc đáo như: múa lân, múa sư tử, hát chèo, hát chầu văn, múa rối nước, thi đấu vật, cờ tướng, biểu diễn võ thuật và các trò chơi dân gian…
Tại Hà Nam, ngày 2/10 (tức 20 tháng 8 năm Ất Mùi), tại đền Trần Thương, xã Nhân Đạo, huyện Lý Nhân - một trong 3 ngôi đền lớn của cả nước, thờ Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn cùng gia quyến và các Bộ tướng có công trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông thế kỷ 13, cán bộ và nhân dân huyện Lý Nhân đã long trọng tổ chức Lễ tưởng niệm 715 năm ngày mất của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Dự lễ tưởng niệm có lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh, đại diện các Sở, ban, ngành cùng đông đảo du khách thập phương.
Tại Lễ tưởng niệm, ông Nguyễn Văn Hưởng, Bí thư Huyện ủy Lý Nhân đã đọc diễn văn ôn lại thân thế và sự nghiệp của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn sinh năm 1228, là con của An Sinh Vương Trần Liễu, cháu ruột vua Trần Thái Tông. Trong 3 cuộc kháng chiến chống quân Nguyên –Mông xâm lược thế kỷ thứ 13 (1258, 1285, 1288) ông đều được giao trọng trách cầm quân đánh giặc. Đặc biệt, trong các cuộc kháng chiến chống Nguyên – Mông lần thứ 2 và thứ 3, ông được phong làm Quốc công Tiết chế thống lĩnh toàn quân đánh giặc.
Dưới sự lãnh đạo tài tình của ông, quân dân nhà Trần đã chiến thắng quân xâm lược với những trận đánh nổi tiếng như Chương Dương, Hàm Tử, Tây Kết, Vạn Kiếp… và nhất là trận chiến Bạch Đằng lịch sử. Ông mất ngày 20 tháng 8 năm Canh Tý (tức ngày 5/9/1300) tại phủ đệ Vạn Kiếp (Kiếp Bạc, Chí Linh, Hải Dương ngày nay). Với công lao to lớn, ông được triều đình phong tặng là Thái sư Thượng phu Thượng quốc công Nhân vũ Hưng Đạo Đại Vương.
Sau diễn văn tưởng niệm, các đại biểu cùng nhân dân đã dâng hương tưởng niệm 715 năm ngày mất của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn.
Lễ hội đền Trần Thương năm nay diễn ra từ ngày 27/9 đến 2/10 (tức ngày 15 đến 20 tháng 8), với nhiều nghi lễ mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc như lễ tế bái thần phật, cáo yết Đức Thánh Trần xin mở cửa đền; lễ tế giỗ Đức Thánh Trần; tế giỗ Hưng Nhượng Vương Trần Quốc Tảng…; cùng nhiều hoạt động văn hóa thể thao như: liên hoan văn hóa dân gian các di tích tiêu biểu Hà Nam lần thứ 4; giải bóng chuyền thanh niên huyện Lý Nhân…
Tại Hà Nam, hiện có 59 di tích thờ Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, riêng huyện Lý Nhân có 23 di tích, trong đó di tích tiêu biểu và quan trọng nhất là đền Trần Thương. Vùng đất Trần Thương là nơi Hưng Đạo Đại Vương đã lập 6 kho lương để phục vụ cho cuộc kháng chiến chống quân Nguyên – Mông xâm lược lần thứ 2 mà vị trí ngôi đền Trần Thương là kho lương chính, bởi Trần Thương là trung tâm “lục đầu khê”, có thể kết nối với hệ thống kho lương nhà Trần.
Hiền Hạnh - Thanh Tuấn
Tags