Các lễ hội gắn nghi thức sử dụng động vật mang tính bạo lực có nên được điều chỉnh hoạt động, thậm chí tiến tới ngừng hoạt động? Đó là nội dung được thảo luận tại tọa đàm Sử dụng động vật trong lễ hội - Tổng quan về các lễ hội sử dụng động vật ở Việt Nam do Tổ chức Động vật châu Á tổ chức cuối tuần qua.
Như những chia sẻ tại tọa đàm, trong lịch sử, khi mà khoa học kỹ thuật còn thô sơ, phần lớn các hoạt động sản xuất nông nghiệp đều dựa vào tự nhiên, con người đã dần hình thành sự kính ngưỡng đối với thế lực siêu nhiên vô hình và gửi gắm vào đó những mong cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.
Cũng chính từ đó, nhiều nghi thức hiến tế động vật trong các nghi thức tế lễ - hay các sinh hoạt văn hóa cho động vật chiến đấu với nhau nhằm mô tả lại huyền thoại mà nhân dân đã sáng tạo nên - ra đời nhằm làm mãn nguyện niềm tin về thế lực mà họ tôn thờ.
Tiềm ẩn yếu tố không tích cực
Dù vậy, trong những năm trở lại đây, du lịch Việt Nam thu hút đông đảo bạn bè quốc tế. Các lễ hội truyền thống cũng trở thành một thành tố thúc đẩy du lịch phát triển. Cùng với đó, nhiều du khách trong nước cũng quan tâm nhiều hơn đến các lễ hội truyền thống mang tính chất địa phương. Đặc biệt, bởi lễ hội chỉ được tổ chức vào khoảng thời gian cố định trong một năm, nênchúng luôn là dịp để thu hút khách du lịch đến với địa phương một cách mạnh mẽ.
Và chính vì thu hút được những nhân tố khách thể đến với lễ hội, ở nhiều trường hợp, du khách trong và ngoài nước đã thấy phản cảm khi chứng kiến cảnh tượng các động vật được tổ chức chiến đấu với nhau, sau đó được xả thịt ngay sau lễ hội.
Ghi nhận thực tế tại các lễ hội chọi trâu ở Đồ Sơn (Hải Phòng) và Hải Lựu (Vĩnh Phúc), bà Đỗ Lê Thùy Dương, thành viên của Tổ chức Động vật châu Á cho hay: Trước khi thi đấu, chế độ dinh dưỡng và huấn luyện thường tạo nhiều sức ép tiêu cực lên tâm sinh lý của trâu. Rồi trong quá trình thi đấu, môi trường náo nhiệt, tiếng reo hò của người tham dự lễ hội khiến loại động vật này phải chịu căng thẳng cao độ, dễ bị mất kiểm soát - bên cạnh việc thường bị chấn thương, chịu đau đớn do các cú đòn hiểm hóc của đối thủ.
Như vậy, khía cạnh bạo lực của các lễ hội này có thể tác động không hề nhỏ lên tâm lý người xem, đặc biệt là trẻ em. Ngoài ra, tính an toàn của lễ hội cũng là vấn đề cần lưu tâm, khi trâu chọi liên tục bị đẩy đến giới hạn của sự hung hãn do bị bức ép trong một thời gian dài, cộng thêm phần kỹ thuật bắt trâu còn thô sơ, tiềm ẩn rủi ro và dễ gây nguy hiểm cho chủ trâu cũng như các nhân sự tại lễ hội...
Trong khi đó, việc trâu chọi dù thắng hay thua sau khi thi đấu đều bị xả thịt - thậm chí có cả trâu không tham gia thi đấu trong khu vực lân cận - vừa gây phản cảm, vừa tiềm ẩn nguy cơ không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm về điều kiện giết mổ.
Bởi vậy, trong thời gian qua, nhiều du khách đã nêu quan điểm cần dừng tổ chức các lễ hội này, thậm chí coi đó là những hủ tục cần xóa bỏ.
Lễ hội và du khách đều cần điều chỉnh?
Tuy nhiên, cũng cần nhắc tới một câu hỏi từng được giới nghiên cứu nêu ra: Phải chăng, do chưa được giới thiệu hay tìm hiểu kỹ về lịch sử hình thành, ý nghĩa của lễ hội đối với đời sống của cư dân tại địa phương, nhiều du khách đã bỏ qua những ý nghĩa nhân văn ẩn chứa trong lễ hội mà chỉ tập trung điểm nhìn vào những hình ảnh chưa phù hợp với tư duy của xã hội hiện đại?
Thực tế, lễ hội truyền thống là một sinh hoạt văn hóa đặc trưng, được một cộng đồng hình thành dựa trên những tư duy gắn liền với đời sống, tập quán tại địa phương của họ, và mục đích nguyên thủy nhất của nó là được hình thành để cộng đồng sáng tạo nên giá trị ấy thụ hưởng. Dần dần theo thời gian, lễ hội hay thu hút được cư dân của những làng lân cận đến xem hội, sau đó là du khách từ nhiều nơi khác đổ về.
Không phải là chủ thể văn hóa, những khách thập phương này cũng có thể nhìn các lễ hội ấy theo con mắt khắt khe của mình.
Do vậy, như một số ý kiến đưa ra, các cơ quan văn hóa cũng như giới nghiên cứu nên tiếp tục cân nhắc xem lễ hội này cần bổ sung, giản lược hay thay thế những nghi thức sinh hoạt gì, để phù hợp với thời đại hiện nay.
Tại tọa đàm, nguyên tắc "Năm không" đối với động vật của Hội đồng Phúc lợi Động vật nông nghiệp Anh cũng được dẫn ra, bao gồm: Không bị đói khát; không bị đau đớn, tổn thương và bệnh tật; không bị khó chịu; không bị sợ hãi và khổ sở; không bị hạn chế tập tính tự nhiên. Từ đó, Tổ chức Động vật châu Á đưa ra các đề xuất cụ thể với các lễ hội này: Tiếp tục giảm số lượng động vật sử dụng trong nghi lễ; dựa trên việc tôn trọng các đặc tính và nhu cầu tự nhiên của động vật để đảm bảo đối xử nhân đạo; hạn chế tối đa các yếu tố gây căng thẳng không cần thiết lên tâm sinh lý động vật để thay đổi phương pháp huấn luyện; cải tiến phương pháp và phương tiện bắt động vật khi đấu chọi để đảm bảo không gây đau đớn cho chúng; điều trị cho con vật bị thương, xây dựng phương án hỗ trợ cho chủ gia súc nhằm khuyến khích giữ lại con vật khỏe mạnh để nhân giống, thay vì giết thịt.
Thậm chí, về phía tổ chức lễ hội, các đề xuất cũng được đưa ra bao gồm: Hạn chế độ tuổi người vị thành niên tới xem lễ hội; khuyến cáo người tham gia lễ hội chủ động chuẩn bị tâm lý; xây dựng lộ trình loại bỏ các yếu tố bạo lực của lễ hội; thay thế chọi trâu bằng hình thức khác nhân đạo hơn, như biểu diễn võ thuật, phát triển các điệu múa sử dụng trâu mô hình; thắt chặt công tác quản lý liên quan đến vấn đề thương mại và vệ sinh an toàn thực phẩm.
Ở một góc độ khác, bên cạnh sự nhiệt tình đóng góp ý kiến nhằm cải thiệncác hình ảnh còn phản cảm tại lễ hội, mỗi du khách cũng cần trang bị thêm những kiến thức nhất định về lễ hội mình sắp tham gian, cũng như tìm hiểu văn hóa truyền thống của địa phương, để có nhận thức đúng đắn và tránh những hiểu lầm không đáng có.
Khái niệm "phúc lợi động vật" được một số quốc gia châu Âu và Bắc Mỹ thống nhất sử dụng, tập trung vào các loài vật được nuôi giữ, chăm sóc và khai thác. Theo đó, con người cần áp dụng những điều kiện về nuôi, giữ và khai thác phù hợp nhằm đảm bảo vật nuôi không bị đói khát, suy dinh dưỡng, đồng thời hiểu tập tính của chúng để giảm hoặc không gây đau đớn không cần thiết đối với động vật khi khai thác và thí nghiệm.
Tags