Một sự kiện đáng chú ý: Lễ hội văn hóa ẩm thực Hà Nội năm 2024 với chủ đề Hà Nội kết nối năm châu sẽ khai mạc vào tối 29/11 tới tại công viên Thống nhất.
Cần nhắc lại, năm 2021, lần đầu tiên Hà Nội tổ chức Lễ hội Du lịch và Văn hóa ẩm thực 2021. Từ năm 2023, sự kiện chính thức có tên gọi: Lễ hội văn hóa ẩm thực Hà Nội. Theo đó, lễ hội đã thu hút khoảng 10 vạn người dân và du khách tham gia, góp phần quảng bá nét đẹp trong văn hóa ẩm thực của người Hà Nội.
Tái hiện không gian di sản ẩm thực Thủ đô
Tại cuộc họp báo về Lễ hội diễn ra chiều 25/11, ông Đỗ Đình Hồng, Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội, cho biết: Lễ hội văn hóa ẩm thực Hà Nội năm 2024 là dịp để tôn vinh, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, ẩm thực truyền thống của Thủ đô Hà Nội, xây dựng và khai thác có hiệu quả thương hiệu văn hóa, ẩm thực thông qua phát triển nền văn hóa, ẩm thực tinh túy, đặc sắc, chất lượng.
Với chủ đề Hà Nội kết nối năm châu, lễ hội còn giới thiệu, quảng bá hình ảnh Hà Nội là điểm đến du lịch, văn hóa, ẩm thực đặc sắc. Theo đó, ẩm thực Hà Nội như một nét di sản tinh tế, được hình thành trong dòng chảy văn hóa Việt Nam, hấp dẫn công chúng trong nước và quốc tế. Đây cũng là dịp để Hà Nội và đại sứ quán các nước, các địa phương, tổ chức cá nhân gặp gỡ, giao lưu, trưng bày quảng bá sản phẩm, trao đổi, ký kết hợp tác kinh doanh, tăng cường, đẩy mạnh hoạt động đối ngoại nhân dân, góp phần tích cực vào việc nâng cao nhận thức, hiểu biết lẫn nhau, thắt chặt tình đoàn kết hữu nghị và hợp tác toàn diện giữa nhân dân Việt Nam nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng với bạn bè quốc tế.
Dự kiến, khu vực ẩm thực quốc tế tại Lễ hội sẽ giới thiệu những món ăn đặc trưng của các quốc gia và không gian trưng bày các vật dụng, sản phẩm tiêu biểu của các nước. Không gian tái hiện nền văn hóa ẩm thực của các quốc gia không chỉ đem đến cho du khách những trải nghiệm về ẩm thực mà còn là bản sắc văn hóa của mỗi nước, tất cả cùng hòa quyện trong từng hương vị truyền thống và hiện đại, tạo nên hương vị độc đáo riêng biệt của từng quốc gia.
Trong khi đó, khu vực giới thiệu văn hóa ẩm thực tiêu biểu của các làng nghề truyền thống và các hoạt động trình diễn của các nghệ nhân sẽ tái hiện không gian đậm chất làng nghề gắn với di sản ẩm thực tiêu biểu của Hà Nội như: Phở Hà Nội, bánh tôm Hồ Tây, bún Phú Đô, giò chả Ước Lễ, cốm làng Vòng, cốm Mễ Trì, xôi, chè Phú Thượng, bánh chưng Tranh Khúc, nem Phùng, bánh dày quán Gánh, bánh tẻ Phú Nhi, cháo gõ Quảng Phú Cầu, cháo se Hạ Mỗ, miến làng So…
Ngoài ra, Lễ hội cũng sẽ giới thiệu sản phẩm ẩm thực đặc sắc của các làng nghề truyền thống và quy trình thực hành tạo nên những sản phẩm ẩm thực tiêu biểu của Hà Nội. Các nghệ nhân sẽ trình diễn giới thiệu về ẩm thực truyền thống của địa phương. Tại đây, du khách được giao lưu, trao đổi với nghệ nhân, tham gia trải nghiệm, thực hành quy trình, công đoạn tạo nên các món ăn truyền thống, đặc sắc của Hà Nội.
Tâm điểm "phở Hà Nội"
Theo thống kê của báo Kinh tế và Đô thị, tính đến năm 2023, toàn thành phố Hà Nội có gần 700 cửa hàng phở, tập trung chủ yếu trên địa bàn các quận: Ba Đình (21 cửa hàng phở), Hoàn Kiếm (32 cửa hàng phở), Cầu Giấy (29 cửa hàng phở), Đống Đa (9 cửa hàng phở), Hai Bà Trưng (30 cửa hàng phở), Thanh Xuân (56 cửa hàng phở), Long Biên (93 cửa hàng phở). Trong đó, những thương hiệu phở gia truyền (trên 2 đời làm phở) thường chỉ chuyên bán phở bò hoặc phở gà và tập trung chủ yếu tại quận Hoàn Kiếm, quận Ba Đình và quận Hai Bà Trưng.
Với những giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học, "phở Hà Nội" đã được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2024 tại Quyết định số 2328/QĐ-BVHTTDL ngày 9/8/2024 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Để rồi, vào tối 29/11 tới, trong khuôn khổ Lễ khai mạc Lễ hội văn hóa ẩm thực Hà Nội năm 2024, UBND TP Hà Nội sẽ chính thức tổ chức công bố Quyết định ghi danh "Phở Hà Nội" là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Chương trình có sự xuất hiện của NSND Xuân Bắc cùng góp phần quảng bá và lan tỏa di sản văn hóa "phở Hà Nội".
Ngoài ra, tọa đàm "Bảo vệ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể phở Hà Nội"sẽ được tổ chức vào sáng 1/12 tại sân khấu chính công viên Thống Nhất. Các chuyên gia, nghệ nhân sẽ chia sẻ những giá trị làm nên Di sản văn hóa phi vật thể "phở Hà Nội" và các đặc tính lưu truyền qua các thế hệ tạo nên hương vị riêng của "phở Hà Nội". Ngoài ra, giảng viên và sinh viên Đại học Thủ đô và đơn vị đồng hành sẽ thảo luận cách thức quảng bá, kết nối đưa thành bộ môn học tại trường đại học.
Đồng thời, chương trình "Phở số Hà thành" được tổ chức trong khuôn khổ Lễ hội văn hóa ẩm thực Hà Nội năm 2024 nhằm tôn vinh "phở truyền thống của Hà Nội" và giới thiệu tới người dân "Phở số" với cái nhìn hoàn toàn khác biệt về ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số trong ngành ẩm thực Việt Nam.
Khách mời sẽ có cơ hội trải nghiệm các món "phở truyền thống đặc trưng của Hà Nội" và "Phở số" do robot thông minh chế biến từng bát phở một cách chính xác, từ công đoạn nấu nước dùng đến việc phục vụ trên bàn ăn. Những robot thông minh sẽ thay thế con người trong những công việc sản xuất và phục vụ, tạo ra một trải nghiệm ẩm thực "phở" nhằm giới thiệu lan tỏa món ăn này tới nhiều địa phương trong nước và quốc tế.
Nhiều hoạt động bổ trợ
Nhiều hoạt động giới thiệu, quảng bá, tọa đàm, trình diễn ẩm thực và di sản truyền thống cũng được tổ chức tại Lễ hội, bao gồm: Triển lãm ảnh giới thiệu các tác phẩm nghệ thuật quảng bá về văn hóa, du lịch, ẩm thực tiêu biểu; Giới thiệu sách quảng bá về văn hóa nghệ thuật, du lịch, ẩm thực trong nước và quốc tế hoặc hợp tác hữu nghị giữa các nước; Các hoạt động trò chơi dân gian, biểu diễn nghệ thuật truyền thống và hiện đại…
Tags