Lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh

Thứ Ba, 30/06/2015 13:00 GMT+7

Google News

Ngày 30/6, tại tỉnh Hưng Yên, Ban chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tỉnh Hưng Yên đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh (1/7/1915 – 1/7/2015).

Tham dự Lễ kỷ niệm có các đồng chí: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh; Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An; nhiều đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tỉnh Hưng Yên, huyện Yên Mỹ, xã Giai Phạm – quê hương và gia đình đồng chí Nguyễn Văn Linh; các cán bộ lão thành cách mạng, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười đã gửi lẵng hoa chúc mừng.

Lễ kỷ niệm được bắt đầu với một chương trình nghệ thuật đặc sắc, ca ngợi cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh; ca ngợi đất nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, quê hương Hưng Yên, Yên Mỹ, Giai Phạm ân tình và không ngừng đổi mới đi lên.

Đọc diễn văn kỷ niệm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: Kỷ niệm 100 năm ngày sinh đồng chí Nguyễn Văn Linh - Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam nhiệm kỳ 1986 - 1991, một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người chiến sĩ cộng sản kiên cường, một nhà lãnh đạo có uy tín lớn của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, người bạn tin cậy của bạn bè quốc tế là dịp ôn lại thân thế, sự nghiệp, công lao và cống hiến của đồng chí Nguyễn Văn Linh đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc; rút ra những bài học bổ ích cho công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ đất nước hiện nay.


Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đọc Diễn văn tại Lễ kỷ niệm. Ảnh: Trí Dũng –TTXVN

Đồng chí Nguyễn Văn Linh tên thật là Nguyễn Văn Cúc. Xuất thân trong một gia đình yêu nước ở xã Giai Phạm, huyện Mỹ Văn, tỉnh Hưng Yên, đồng chí Nguyễn Văn Linh tham gia hoạt động cách mạng từ rất sớm. Mới 15 tuổi đồng chí đã bị thực dân Pháp kết án tù chung thân, hai lần bị địch bắt và đày ra Côn Đảo. Hơn 10 năm bị địch giam cầm tại địa ngục trần gian - Côn Đảo, dù bị kẻ thù dùng mọi cực hình, đòn roi tra tấn, nhưng đồng chí vẫn nêu cao tinh thần bất khuất, giữ vững khí tiết của người cách mạng, biến nhà tù thực dân, đế quốc thành trường học cộng sản.

Trong suốt cuộc đời gần 70 năm hoạt động cách mạng phong phú và sôi nổi, ở khắp mọi miền của đất nước, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã được Đảng và Nhà nước giao phó nhiều trọng trách; dù ở cương vị nào, đồng chí cũng hết lòng tận tụy vì Đảng, vì dân, hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Đồng chí đã trực tiếp cùng đồng bào miền Nam đi suốt hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Từ sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đồng chí Nguyễn Văn Linh hoạt động ở Nam Bộ và dành hơn một nửa cuộc đời hoạt động cách mạng của mình gắn bó máu thịt với miền Nam trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc, kháng chiến chống thực dân, đế quốc, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Đồng chí đã cùng với Trung ương có những đóng góp to lớn và quan trọng trong công cuộc Đổi mới đất nước. Ngay từ khi làm Bí thư Thành uỷ Thành phố Hồ Chí Minh, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã nắm bắt thực tiễn, tổng kết kinh nghiệm của một số cơ sở có cách làm sáng tạo để đề xuất với Trung ương nhiều chủ trương mới trong phát triển sản xuất, kinh doanh.

Đến khi giữ trọng trách là Tổng Bí thư đầu tiên của thời kỳ đổi mới, Đồng chí đã cùng tập thể Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đề ra đường lối đổi mới đúng đắn, sáng tạo, phù hợp với thực tiễn Việt Nam, trên cơ sở đó lãnh đạo, chỉ đạo nhạy bén, chủ động, khôn khéo, chèo lái con thuyền cách mạng vượt qua những khó khăn, có lúc hiểm nghèo, tiến hành công cuộc đổi mới thu được những kết quả bước đầu rất quan trọng, thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh, từng bước cải thiện đời sống nhân dân.

Qua đó, đã tạo dựng được lòng tin của nhân dân đối với sự nghiệp đổi mới, đối với Đảng, với chế độ xã hội chủ nghĩa. Đồng thời, chuẩn bị cơ sở lý luận và thực tiễn để Đảng ta vạch ra Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội vào năm 1991.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: Nhớ về đồng chí Nguyễn Văn Linh, chúng ta nhớ về hình ảnh của một nhà lãnh đạo kiên định và sáng tạo; kiên định về lập trường, nguyên tắc, đồng thời luôn trăn trở tìm tòi, sáng tạo trước những diễn biến mới của thực tiễn... Đồng chí nhiều lần nhấn mạnh, phải nhìn thẳng vào sự thật để tìm lối thoát, tìm phương hướng tiến lên. Tranh luận và biết chờ đợi, lấy hiệu quả thực tiễn làm thước đo, làm sự kiểm chứng, cuối cùng cái đúng được khẳng định, cái sai từng bước được sàng lọc. Đảng ta chủ trương tiến hành đổi mới toàn diện, nhưng đổi mới phải có nguyên tắc, đúng định hướng xã hội chủ nghĩa với những hình thức, bước đi và biện pháp thích hợp; phát huy dân chủ, đồng thời giữ vững kỷ luật, kỷ cương; không chấp nhận "đa nguyên, đa đảng"; phải kiên quyết chống tệ tham nhũng, vi phạm quyền làm chủ của nhân dân.

Đồng chí sớm nhìn thấy bệnh tham nhũng, lãng phí, quan liêu có thể trở thành nguy cơ đe doạ sự ổn định của xã hội, của chế độ. Bằng một loạt bài viết trong mục "Những việc cần làm ngay" , đăng trên báo Nhân Dân, ký tên N.V.L, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã tạo ra một luồng sinh khí mới trong xã hội: Dân chủ, công khai, nói thẳng, nói thật, lời nói đi đôi với việc làm, đấu tranh chống tiêu cực, làm trong sạch bộ máy các cơ quan Đảng, Nhà nước.

Đồng chí Nguyễn Văn Linh là một tấm gương mẫu mực về phẩm chất, đạo đức của người cộng sản. Từ buổi đầu tiên tham gia cách mạng cho đến khi vĩnh biệt chúng ta, Đồng chí đã giữ trọn danh hiệu cao quý của người đảng viên cộng sản, một lòng một dạ phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, cống hiến trọn đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.

Đồng chí Nguyễn Văn Linh đã để lại cho cán bộ, đảng viên và nhân dân ta một tấm gương sáng về phẩm chất của người cộng sản "tận trung với nước, tận hiếu với dân", "cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư", trung thực, khiêm tốn, giản dị... Một nét đặc sắc trong phong cách lãnh đạo của Đồng chí là bình tĩnh, dân chủ, sâu sát, quyết đoán, giải quyết công việc hợp lý, hợp tình, vừa có lý luận, vừa có thực tế và trên cơ sở tổng kết thực tiễn để không ngừng hoàn thiện chủ trương, đường lối đã vạch ra...


Lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Nguyễn Văn Linh, chúng ta có dịp ôn lại cuộc đời và sự nghiệp, công lao và phẩm chất, đạo đức cách mạng của Đồng chí, một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người chiến sĩ cộng sản kiên cường, suốt đời chiến đấu vì lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân, một nhà lãnh đạo có uy tín lớn của Đảng và nhân dân ta, người bạn tin cậy của bạn bè quốc tế.

Trân trọng, tự hào và bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với Đồng chí, chúng ta nguyện mãi mãi đi theo con đường mà Bác Hồ và Đảng ta đã vạch ra; tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa Cương lĩnh, đường lối của Đảng, đẩy mạnh toàn diện và đồng bộ công cuộc đổi mới đất nước, xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, gắn bó mật thiết với nhân dân, lãnh đạo toàn dân ra sức phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI và các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, chuẩn bị và tiến hành tốt đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng, xây dựng đất nước ta ngày càng giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.

TTXVN

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›