Trước giờ phút truy điệu, tiễn đưa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về nơi an nghỉ cuối cùng tại nghĩa trang Mai Dịch, Hà Nội, dọc hai bên đường từ Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, đường Lê Thánh Tông, Tràng Tiền... người dân đứng rất đông chờ xe đưa linh cữu Tổng Bí thư đi qua để tiễn bác thêm lần nữa.
Hòa vào dòng người đứng tiễn đưa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về nơi an nghỉ cuối cùng, ông Đặng Văn Dũng, người dân tộc Dao ở xã Ba Trại, huyện Ba Vì (Hà Nội) chia sẻ, sáng sớm nay ông đã có mặt ở phố Lò Đúc để xếp hàng đăng ký vào viếng Tổng Bí thư và cũng muốn nán lại đợi đến giờ truy điệu để đưa tiễn bác đoạn đường cuối. Trong sự tiếc thương đau buồn ông nói: "Tổng Bí thư mất đi để lại niềm tiếc thương vô hạn cho đồng bào người Dao nói riêng và đồng bào các dân tộc thiểu số nói chung. Trong thời gian còn giữ trọng trách cao của Đảng, Tổng Bí thư đã nhiều lần đến thăm hỏi, động viên đồng bào ở nhiều vùng trên cả nước; đưa ra những quyết sách quan trọng giúp đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng có đời sống vật chất, tinh thần tốt hơn trước".
Trong lúc chờ được vào viếng Tổng Bí thư, ông Đặng Văn Dũng cho biết, ông đã được các bạn trẻ thanh niên xung kích cũng như lực lượng công an phục vụ lễ tang rất nhiệt tình, ân cần giúp đỡ, hướng dẫn chỉ đường, xếp hàng, quét mã QR trên thẻ căn cước công dân, tặng nước uống... Những cử chỉ đó khiến ông rất thấy ấm lòng, thấy tình người, sự gắn bó dù không phải bà con ruột thịt nhưng lại rất thân thương gần gũi. "Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mất, đánh thức lòng nhân ở nhiều người", ông Đặng Văn Dũng bày tỏ.
Là cán bộ hưu trí năm nay 62 tuổi, ông Lê Việt Hùng (phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) đã dậy từ sớm, mặc bộ quần áo trang trọng tối màu đứng bên đường Lê Thánh Tông để được tiễn đưa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lần cuối. Với khuôn mặt buồn, giọng nói ưu tư, ông Hùng cho biết, hơn 20 năm trong vai trò lãnh đạo Đảng và Nhà nước, trong đó hơn 13 năm làm Tổng Bí thư, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã thể hiện rõ sự sáng suốt, quyết liệt trên tất cả các mặt kinh tế, văn hóa, xã hội, đặc biệt là sự đoàn kết nhất trí cao trong Đảng. Đặc biệt, hơn chục năm trở lại đây, công cuộc phòng, chống tham nhũng của đất nước ghi nhận hiệu quả. Nhiều vụ án tham nhũng bị đưa ra ánh sáng, bị xử lý trước pháp luật.
Ngồi sát mép đường Lê Thánh Tông, bà Đặng Thị Thật (nguyên cán bộ Lữ đoàn 205, Binh chủng Thông tin, Bộ Quốc phòng, hiện trú tại phố Nguyễn Thượng Hiền, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) mặc trên người bộ quân phục đã ngả màu, bùi ngùi chia sẻ, bà là hàng xóm với gia đình Tổng Bí thư và vinh dự có những lần được gặp gỡ, trực tiếp trò chuyện với ông.
Kỷ niệm ấn tượng nhất của bà Đặng Thị Thật về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là hai lần bà gặp và trò chuyện với ông tại Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân được tổ chức ở khu dân cư, lần gần nhất là vào cuối năm 2018. Lúc đó, Tổng Bí thư còn cùng bà con ở Khu dân cư số 8 hát vang bài ca "Kết đoàn".
"Gặp gỡ bà con, tác phong điềm đạm, gần gũi, chân tình của Tổng Bí thư khiến tôi cũng như bà con khu phố rất xúc động, kính trọng. Ông là một người cả cuộc đời vì nước, vì dân, làm việc cho đến những giờ phút cuối cùng của cuộc đời", bà Đặng Thị Thật nghẹn ngào nói.
Dân làng tiễn biệt, nguyện noi theo một nhân cách lớn
Cùng thời điểm với Lễ truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ở Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông (Hà Nội) và Hội trường Thống Nhất (Thành phố Hồ Chí Minh), chiều 26/7, lễ truy điệu theo nghi thức quốc tang diễn ra tại Nhà văn hóa thôn Lại Đà, xã Đông Hội, huyện Đông Anh (Hà Nội) đã được tổ chức thành kính, trang nghiêm.
Trong không khí trang nghiêm, các đại biểu và toàn thể người dân quê nhà của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã kính cẩn tưởng nhớ người con của quê hương Đông Anh; lắng nghe điếu văn được tường thuật trực tiếp từ Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông (Hà Nội) tri ân những công lao to lớn của Tổng Bí thư đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc Việt Nam.
Dự lễ truy điệu Tổng Bí thư, hàng trăm người dân đã không kìm được nước mắt, tiếc thương nhà lãnh đạo vì dân, vì nước, cống hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Nhiều người cao tuổi khẽ đưa tay lau dòng nước mắt, còn gương mặt những người trẻ đều đượm vẻ đau thương.
Ông Ngô Văn Đường (xã Vân Hà, huyện Đông Anh) chia sẻ, ông đã cùng lãnh đạo Trường Trung học phổ thông Nguyễn Gia Thiều (quận Long Biên) tới viếng Tổng Bí thư từ hôm 25/7 tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. "Tôi muốn được cùng dân làng tiễn biệt ông - một nhân cách lớn. Chúng tôi sẽ noi theo nhân cách, tinh thần, ý chí của ông, để xứng đáng với tình yêu ông dành cho quê hương Lại Đà nói riêng và đất nước Việt Nam nói chung", ông Ngô Văn Đường nói.
Đứng trong đoàn người trước cửa Nhà văn hóa, chăm chú theo dõi tường thuật trực tiếp lễ truy điệu qua màn hình, em Nguyễn Công Sơn, học sinh lớp 12A6, Trường Trung học phổ thông Cổ Loa nghẹn ngào cho biết, qua điếu văn do Chủ tịch nước Tô Lâm đọc, em hiểu thêm được những công lao to lớn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Cuộc đời bình dị, vất vả và ý chí phấn đấu, tinh thần ham học hỏi của Tổng Bí thư sẽ là động lực để em tích cực hơn nữa trong học tập, trở thành công dân có ích, đóng góp cho công cuộc xây dựng Tổ quốc.
Sau lễ truy điệu, dù ngoài trời nắng nóng, nhưng không người dân nào rời khỏi vị trí, tất cả đều nghiêm trang theo dõi tường thuật trực tiếp lễ di quan và lễ an táng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Nghĩa trang Mai Dịch (quận Cầu Giấy, Hà Nội) - nơi an nghỉ cuối cùng của nhà lãnh đạo vì dân, vì nước, trọn đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam.
Tình cảm của người dân miền Nam tiếc thương Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Những phút cuối cùng của Lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, dòng người vẫn tiếp tục đổ về Hội trường Thống Nhất, Thành phố Hồ Chí Minh. Ai cũng mong muốn được cúi mình, nói lời tiễn biệt sau cùng trước anh linh người lãnh đạo đáng kính của đất nước.
Biết tin Lễ viễng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ kéo dài đến trưa 26/7 nên từ buổi sáng, bà Nguyễn Thị Quy cùng con gái đã tranh thủ đến Hội trường Thống Nhất để trực tiếp viếng người lãnh đạo của nhân dân. Trước giây phút tiễn biệt, bà Quy nghẹn ngào: "Mong anh linh bác Trọng vãng sanh miền cực lạc, những di sản mà bác để lại cho đời sau, cho đất nước, nhân dân là vô cùng to lớn".
Sau khi viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, bạn trẻ Nguyễn Quỳnh Anh đã xúc động viết vào sổ tang: "Lối sống giản dị, tư tưởng và những bài học để lại của bác vẫn còn mãi. Bố con từng nói, mỗi người đều có thước đo của sự thành công riêng, nhờ bác, con đã tìm ra mục tiêu dẫn tới thành công cho riêng mình. Đó là "thành nhân" trước khi thành công. Làm người trước hết phải là người tử tế".
Vào miền Nam thăm con cháu, ông Trần Minh Phúc, một cựu chiến binh 82 tuổi rất buồn khi nghe tin người lãnh đạo cao nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam qua đời. Khoác lên mình bộ quân phục với nhiều huân, huy chương, ông Phúc đến tiễn người đồng chí, nhà lãnh đạo xuất sắc về với "thế giới người hiền". Từng mấy lần được vinh dự gặp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, ông Phúc không kìm được những giọt nước mắt: "Cả một đời thanh bạch, liêm khiết, vì dân, vì nước, Tổng Bí thư là một người cộng sản kiên trung chân chính".
Cùng 11 thành viên của gia đình, ông Lê Khánh Toàn (ngụ quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh) kịp đăng ký đúng đợt viếng cuối cùng của Lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội trường Thống Nhất. Trước đó, ông và gia đình phải xếp hàng hơn 1 giờ đồng hồ mới đến lượt vào viếng. "Tinh thần làm việc, cống hiến cho đất nước đến những giây phút cuối cuộc đời của Tổng Bí thư là điều mà cả tôi và thế hệ trẻ sau này cần học hỏi ở bác. Chúng tôi luôn tin tưởng vào đường lối lãnh đạo của thế hệ cán bộ kế tục sự nghiệp của Tổng Bí thư", ông Toàn cho biết.
Suốt hai ngày diễn ra Lễ tang, chị Chu Thúy Hà (ngụ Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh) chứng kiến đội ngũ phục vụ Lễ viếng làm việc không kể ngày đêm. Đặc biệt trưa 25/7, dù cơn mưa rào đột ngột ập xuống nhưng đội ngũ phục vụ tang lễ không ai rời vị trí, vẫn đội mưa để hướng dẫn người dân, phục vụ chu đáo, tận tình. "Lễ Quốc tang trang nghiêm nhưng không kém phần chu đáo", chị Hà nhận xét.
Cùng chung ý kiến, anh Trần Minh Khôi, ngụ Quận 4, Thành phố Hồ Chí Minh cũng ấn tượng với công tác tổ chức Lễ viếng, Lễ truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Thành phố Hồ Chí Minh: "Lực lượng an ninh hướng dẫn người dân rất nhẹ nhàng, lịch sự và chu đáo. Các lực lượng khác như thanh niên xung phong, đội ngũ tình nguyện, đội ngũ hậu cần… cũng tận tâm, tận lực phục vụ. Ban tổ chức sử dụng các vòng hoa cườm luân phiên để các đoàn viếng gắn bảng tên lúc vào viếng là rất tiết kiệm. Lễ tang của Tổng Bí thư cũng giản dị, tiết kiệm như chính con người của bác. Tôi rất xúc động".
Đúng 12 giờ 30 phút ngày 26/7, những người dân các tỉnh, thành khu vực phía Nam xếp hàng cuối cùng đã được vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Không tham gia Lễ viếng do bận công việc nhưng anh Hà Quốc Nam (ngụ thành phố Thủ Đức) đã kịp đến Hội trường Thống Nhất để dự Lễ truy điệu Tổng Bí thư. Khi nghe Chủ tịch nước Tô Lâm đọc điếu văn tiễn biệt, anh Nam rất xúc động và ngưỡng mộ vô cùng nhân cách, đạo đức, sự cống hiến cho đất nước, nhân dân của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Anh bày tỏ: "Lúc cúi đầu mặc niệm bác, trái tim của tôi nhói lên. Xin được tiễn biệt bác - người lãnh đạo của nhân dân!".
Tư tưởng, tấm lòng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn gắn bó và còn mãi với nhân dân
Tại khu vực Nghĩa trang Mai Dịch, mặc dù thời tiết nắng nóng, song ngay từ sáng người dân đã đổ về phía trước cửa Nghĩa trang để chờ đón đoàn xe chở lĩnh cữu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về nơi an nghỉ cuối cùng, với chung một mong muốn tiễn biệt Tổng Bí thư lần cuối.
Đến nghĩa trang Mai Dịch từ 6 giờ sáng 26/7 để tiễn biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, bác Vũ Văn Thắm (60 tuổi, đến từ xã Hồng Kỳ, Sóc Sơn, Hà Nội) bày tỏ niềm xúc động, ngưỡng mộ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người dành trọn cả cuộc đời tận tâm, tận hiến vì nước, vì dân; là người lãnh đạo lỗi lạc, người cách mạng trung kiên, người cán bộ liêm khiết, giản dị, gần gũi với nhân dân. "Tư tưởng, tấm lòng của bác rất gắn bó với nhân dân" – bác Vũ Văn Thắm bày tỏ.
Cầm bức di ảnh Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trên tay, chị Nguyễn Thu Hằng cùng con gái đi từ Hà Đông lên Nghĩa trang Mai Dịch từ sớm để tiễn đưa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Chị Hằng thể hiện sự xúc động và chia sẻ chị đưa con đi cùng để các con hiểu được giá trị của độc lập, hòa bình, biết ơn công lao xây dựng, giữ gìn và phát triển đất nước của các thế hệ đi trước.
Tags