Tình cảm của cán bộ, đảng viên và nhân dân cả nước đối với người lãnh đạo cao nhất của Đảng rất sâu nặng, nghĩa tình. Thật đau buồn, thương tiếc khi phải tiễn đưa Tổng Bí thư về nơi an nghỉ cuối cùng.
Người dân Việt Nam sẽ luôn ghi nhớ hình ảnh Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - tấm gương sáng về đạo đức cách mạng “cần, kiệm, liêm, chính”, một đời vì nước, vì dân.
Người dân xứ Mường tiếc thương Tổng Bí thư
Không có điều kiện về Hà Nội viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, ông Lễ Văn Dĩnh, Bí thư Chi bộ 2, Đảng ủy phường Đồng Tiến (thành phố Hòa Bình, Hòa Bình) cùng nhiều người khác đã xem trực tiếp Lễ Quốc tang trên truyền hình.
Qua đó, ông Dĩnh cùng các đảng viên cảm nhận được sự trang nghiêm, trọng thị, thể hiện sự tôn kính đối với nhà lãnh đạo tài ba, trí tuệ của Đảng. Đó là sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước, nhân dân và bạn bè quốc tế đối với những cống hiến to lớn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho đất nước và hòa bình trên thế giới.
Ông Dĩnh cũng mong muốn, Đảng ta tiếp tục kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng, đoàn kết, thống nhất, chung sức, đồng lòng để tiếp tục hành động, đưa nước ta trở thành nước phát triển, đời sống nhân dân ngày càng cải thiện, ấm no, hạnh phúc hơn. Đó mới chính là việc cần làm để tiếp nối những tâm huyết trọn đời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã bền bỉ cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc với tinh thần, ý chí thép, không lùi bước trước trở ngại, khó khăn.
Đồng bào Khmer giữ gìn đoàn kết
Trong 2 ngày Quốc tang, nhiều người dân đã tạm gác công việc thường nhật để theo dõi truyền hình trực tiếp Lễ viếng, Lễ truy điệu và bày tỏ tiếc thương với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Các tuyến đường, công sở, nhà dân ở thành phố Trà Vinh đều treo cờ rủ.
Trong hàng trăm ngàn niềm tiếc thương vô hạn ấy, Hòa thượng Thạch Sok Xane, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Chủ tịch Hội Đoàn kết Sư sãi yêu nước tỉnh Trà Vinh, trụ trì chùa Âng (phường 8, thành phố Trà Vinh) chia sẻ: Sinh thời, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến đồng bào các dân tộc. Trong chuyến công tác năm 2015, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến thăm chùa Âng, thăm hỏi đời sống đồng bào Khmer và công tác Phật sự ở địa phương. Tổng Bí thư đặc biệt quan tâm, nhắc nhở chức sắc tôn giáo phải thể hiện và phát huy vai trò người có uy tín với đồng bào, phật tử; gìn giữ sự đoàn kết lương giáo bền chặt; tuyên truyền, vận động đồng bào Khmer Trà Vinh nỗ lực vượt khó, cần, kiệm, sáng tạo trong lao động, sản xuất để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và góp công sức xây dựng quê hương.
Tổng Bí thư đã cùng lãnh đạo Đảng, Nhà nước đề ra nhiều chủ trương, quyết sách phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tại Trà Vinh, ngoài việc tiếp cận các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, đồng bào Khmer luôn được tạo mọi điều kiện để tự do sinh hoạt tín ngưỡng, gìn giữ phong tục tập quán, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Nhờ vậy, vùng đồng bào Khmer ngày càng khởi sắc; khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết lương giáo ở địa phương được giữ vững.
Hòa thượng Thạch Sok Xane luôn tin rằng, tấm gương đạo đức của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ được nhiều thế hệ cán bộ, đảng viên học tập, noi theo.
Người lãnh đạo giản dị, thân tình
Những ngày qua, nhiều người tham gia mạng xã hội ở Quảng Bình đã đồng loạt thay ảnh đại diện thành màu đen hoặc cờ rủ để tiễn biệt Tổng Bí thư.
Ông Hoàng Thanh Cảnh, nguyên Hiệu trưởng Trường Trung học Phổ thông chuyên Võ Nguyên Giáp chia sẻ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thể hiện tinh thần, bản lĩnh, đặc biệt là một trí tuệ, trách nhiệm của người đứng đầu. Những đóng góp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng rất to lớn; đặc biệt trong giai đoạn tình hình thế giới, trong nước có nhiều khó khăn, biến động nhưng vẫn vững lái con thuyền đưa đất nước phát triển.
Xã Lộc Thủy (huyện Lệ Thủy) được đón Tổng Bí thư về thăm và làm việc năm 2015. Ông Võ Đại Hàm (năm nay hơn 80 tuổi, là người trông giữ Nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp hơn 45 năm qua) kể lại, lần đón đoàn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm ông rất lo lắng. Tuy nhiên khi gặp và trò chuyện ông thấy Tổng Bí thư rất thoải mái, gần gũi, giản dị. “Tổng Bí thư có nói với tôi một câu, lần này về thăm, tôi chỉ muốn nhắc anh một điều, anh không chỉ giữ Nhà lưu niệm riêng cho Đại tướng, mà ở đây anh còn giữ một báu vật cho Quốc gia…”, ông Hàm chia sẻ. Lời nhắc nhở gần gũi, thân thương và ý nghĩa đó đến giờ ông Hàm vẫn ghi nhớ.
Mảnh đất biên cương Lào Cai vinh dự nhiều lần được đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến thăm. Dù ở cương vị và thời khắc nào, Tổng Bí thư cũng để lại trong lòng cán bộ, chiến sỹ, nhân dân các dân tộc Lào Cai những tình cảm thân tình, gần gũi, ấm áp nhất.
Theo dõi lễ tang của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng qua truyền hình, chị Mai Thị Thu Phương, cán bộ Nhà máy Luyện đồng Lào Cai, Tổng Công ty Khoáng sản Việt Nam chia sẻ, 17 năm về trước, trong những ngày Nhà máy mới xây dựng còn nhiều khó khăn, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến thăm và động viên cán bộ, công nhân viên.
Khi đó, các hạng mục công trình còn đang xây dựng dang dở, lắp ráp thiết bị, chỉ có nhà hỏa luyện 303 đã hoàn thiện phần mái che, có diện tích rộng nên lãnh đạo tỉnh Lào Cai và Ban Quản lý dự án bố trí khu vực cuối nhà xưởng làm việc để Tổng Bí thư đứng nói chuyện và phát biểu. Trời mưa nhiều ngày, nền nhà lầy lội, Công ty phải dùng bạt trải xuống đất để đón Tổng Bí thư.
Mọi người vẫn mong được một lần nữa đón Tổng Bí thư lên thăm nhưng ước nguyện này sẽ không còn trở thành hiện thực được nữa. Cán bộ, công nhân viên của Công ty nguyện noi theo Tổng Bí thư, tấm gương sáng về sự giản dị, tấm lòng cao cả với sự nghiệp xây dựng đất nước giàu mạnh và hạnh phúc.
Một đời vì dân, vì nước
Cũng như nhiều người dân khác, ông Nguyễn Minh Hiếu (ngụ xã Phước Tân, huyện Phú Riềng, tỉnh Bình Phước) rưng rưng niềm tiếc thương khi nghe tin Tổng Bí thư từ trần. Trong tâm trí ông, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một nhà lãnh đạo vì nước vì dân mà cống hiến đến tận những giây phút cuối cùng của cuộc đời.
Trong nỗi đau buồn tiếc thương vô hạn, ông Nguyễn Minh Hiếu nguyện cùng nhân dân cả nước một lòng sắt son tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, phụng sự Tổ quốc. Đồng thời, thể hiện tinh thần chủ động, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, lan tỏa trong cộng đồng xã hội niềm tin và ý chí cùng hướng tới khát vọng dân tộc trường tồn, cường thịnh
Tại Bến Tre, tất cả người dân đều dành tình cảm đặc biệt cho Tổng Bí thư - tấm gương sáng về cách sống, làm việc vì dân, vì nước.
Ông Huỳnh Hữu Phương (77 tuổi, đảng viên 55 năm tuổi Đảng, ngụ thị Trấn Giồng Trôm, huyện Giồng Trôm, Bến Tre) rất xúc động khi xem truyền hình trực tiếp Lễ Quốc tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Theo ông, Tổng Bí thư đã truyền cảm hứng cho cán bộ, đảng viên trong từng lời nói, việc làm, thể hiện sự chính trực, phong thái điềm tĩnh, giản dị, khiêm nhường. Đặc biệt, công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng do Tổng Bí thư đứng đầu đã thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật, tạo niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng.
Ông Đoàn Thế Phiệt, 76 tuổi, thương binh hạng 1/4 (ở tổ 4, phường Sông Cầu, thành phố Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn) rất muốn đến trực tiếp viếng Tổng Bí thư nhưng do đường xa, lại liệt nửa người nên chỉ có thể dõi theo thông tin Lễ Quốc tang trên sóng truyền hình. Ông Phiệt vẫn luôn nhớ cách đây 7 năm, cũng dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sỹ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng Đoàn công tác của tỉnh Bắc Kạn đến thăm gia đình ông. Hôm ấy, chỉ đến khi đoàn bước vào sân, ông Phiệt mới biết đó là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, vì trước đó ông chỉ được thông báo là có cán bộ cấp cao đến thăm. Khi đó, ông Phiệt cảm động ôm chầm lấy Tổng Bí thư. Vào nhà, Tổng Bí thư hỏi thăm sức khỏe của ông và tình hình đời sống gia đình. Ông Phiệt cảm nhận Tổng Bí thư là người chân thành, giản dị, luôn nghĩ cho nhân dân.
Tags