Theo Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, các nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú thực sự là "vốn quý của đất nước". Dù ở lứa tuổi nào, thành phần dân tộc nào, họ cũng đều đã đóng góp quý báu cho nền văn hóa Việt Nam, góp phần quan trọng vào những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của đất nước.
1. Lễ trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân (NSND), Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) lần thứ 10 diễn ra sáng qua (6/3), tại Nhà hát Lớn Hà Nội, với sự góp mặt của gần 400 nghệ sĩ. Đây cũng là thời điểm tròn 40 năm kể từ khi đợt xét tặng đầu tiên được tổ chức (năm 1984).
Tới dự và chỉ đạo tại lễ trao danh hiệu, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nhấn mạnh: Danh hiệu "Nghệ sĩ nhân dân", "Nghệ sĩ ưu tú" là danh hiệu vinh dự, cao quý của Đảng, Nhà nước dành tặng cho những cá nhân có nhiều cống hiến, đóng góp và gắn bó lâu dài trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật; có trí tuệ và phẩm giá, hết lòng, hết sức, tận tụy phục vụ nhân dân, cống hiến cho sự nghiệp cách mạng; là những tài năng nghệ thuật, có tác phẩm xuất sắc có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật được công chúng đón nhận, yêu thích, mến mộ.
Chia sẻ tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL Nguyễn Văn Hùng cho biết: So với các lần xét tặng trước, công tác xét tặng lần thứ 10 này có nhiều điểm mới - khi Nghị định số 40/2021/NĐ-CP ngày 30/3/2021 của Chính phủ đã tạo thêm điều kiện thuận lợi hơn cho các nghệ sĩ.
Đó là các quy định cụ thể hơn về tiêu chuẩn giải thưởng trong danh hiệu và cách tính quy đổi giải thưởng; quy định về cách tính thời gian hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp của cá nhân (hướng tới những nghệ sĩ hoạt động nghệ thuật tự do); quy định về tỷ lệ phiếu bầu; quy định bổ sung xem xét, xét tặng danh hiệu cho đối tượng có cống hiến nổi trội, có tài năng nghệ thuật xuất sắc, được Hội đồng các cấp thảo luận, đánh giá là trường hợp đặc biệt trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Và, theo thống kê của Bộ VH,TT&DL, trong đợt xét tặng này, Chủ tịch nước đã ký Quyết định tặng, truy tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân cho 125 Nghệ sĩ ưu tú; đồng thời tặng, truy tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú cho 264 nghệ sĩ. Trong số này, về các NSND, trường hợp cao tuổi nhất là nghệ sĩ Hùng Minh (diễn viên Nhà hát Cải lương TP.HCM), 94 tuổi. Trường hợp trẻ nhất là các nghệ sĩ Hoài Thu (Nhà hát Chèo Hà Nội) và Hồ Ngọc Trinh (Nhà hát Cải lương Long An) cùng 40 tuổi.
Về phía các NSƯT, các trường hợp cao tuổi nhất đối với nam là nghệ sĩ Nguyễn Quý Hải (Nhà hát Kịch nói Quân đội), 92 tuổi; và nữ là nghệ sĩ Lê Mai (Nhà hát Kịch Hà Nội), 85 tuổi). Các trường hợp trẻ nhất đối với nam là diễn viên Vũ Thanh Tuấn (Liên đoàn Xiếc Việt Nam), 34 tuổi, và nữ là Phạm Khánh Ngọc (Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch TP.HCM), 36 tuổi.
2. "Niềm vui và sự tự hào trong dịp này khó có thể nói hết chỉ trong một vài câu. Với tôi, có lẽ đây là đỉnh cao trong cuộc đời làm nghề, không gì sánh nổi" - NSƯT Minh Phức chia sẻ - "Và có lẽ, ít nhiều, tôi cũng đã hoàn thành nhiệm vụ của mình trước hương hồn những người thầy từng truyền nghề hát quan họ cho mình khi còn trẻ".
Ở tuổi 76, đang mang bệnh nặng, NSƯT Minh Phức (Nguyễn Thị Phức) từng có nhiều năm hoạt động tại Đoàn Dân ca quan họ Kinh Bắc khi xưa. Và ở buổi lễ này, cái tên Minh Phức được báo giới quan tâm còn vì một lý do thú vị: Bà là vợ của NSƯT Tự Lẫm và mẹ của NSND Tự Long - 2 cái tên cũng từng được vinh danh (trong lĩnh vực chèo) tại Nhà hát Lớn năm 2015.
Bây giờ, bên cạnh niềm tự hào về chồng con, NSƯT Minh Phức cũng được vinh danh xứng đáng vì những năm tháng cống hiến cho nghệ thuật của mình. Và trong lễ trao giải năm nay cũng không có ít trường hợp như vậy. Điển hình, đó là NSƯT Lê Mai (mẹ của NSND Lê Khanh) người nhận danh hiệu ở tuổi 85 cùng một lượt với các bạn diễn một thời như Thanh Tú (NSND) hay Kim Xuyến (NSƯT).
Thậm chí, lễ trao giải sáng 6/3 vừa qua còn chứng kiến cả những câu chuyện "niềm vui nhân đôi". Cụ thể, cùng công tác tại Nhà hát Tuổi trẻ, diễn viên Đức Trung nhân danh hiệu NSND ở tuổi 85 - trong khi con trai ông, diễn viên Lê Tuấn Anh, có danh hiệu NSƯT. Hoặc, Tấn Minh và Thu Huyền - cặp vợ chồng vốn nổi tiếng trong các lĩnh vực nhạc nhẹ và chèo, cũng cùng lúc đón danh hiệu NSND cho mình.
Và, sự hân hoan là tâm trạng chung của gần 400 nghệ sĩ có mặt tại buổi lễ sáng 6/3. Nhưng trong niềm vui ấy, cũng có những nghệ sĩ khá thẳng thắn khi nói tới chặng đường tiếp theo của mình như NSND Xuân Bắc. Anh chia sẻ với báo giới: "Danh hiệu là rất cần thiết với mỗi nghệ sĩ, bởi đó là động lực, là sự khích lệ - và đôi khi chính là niềm tin - của chúng tôi khi những phấn đấu, cống hiến của mình được ghi nhận. Nhưng tôi nghĩ đó không hẳn là tất cả đích đến, bởi với nghệ sĩ, điều cuối cùng được trông đợi vẫn phải là việc làm ra những tác phẩm có giá trị".
"Tôi không muốn dùng từ áp lực, nhưng có lẽ nhiều nghệ sĩ sẽ có thêm trăn trở sau lần nhận danh hiệu này. Bởi với chúng tôi, đó là sự bắt đầu của một hành trình mới không chỉ cho hôm nay, ngày mai và xa hơn nữa, để phấn đấu sao cho xứng đáng với một nghệ sĩ có danh hiệu" - NSND Xuân Bắc nói thêm.
Trong 9 đợt xét tặng danh hiệu trước đây (kể từ 1984 đến 2019), cả nước đã có 452 trường hợp được trao danh hiệu NSND và 2.621 trường hợp nhận danh hiệu NSƯT.
Tags