(Thethaovanhoa.vn) - Đêm Trừ tịch là đêm cuối năm (nhằm ngày 31/1/2022). Lễ Trừ tịch có ý nghĩa đem bỏ đi hết những điều không tốt của năm cũ và đón những điều mới mẻ của năm mới sắp tới.
Lễ Trừ tịch (lễ Giao thừa)
Thời khắc được coi là quan trọng nhất của tết Nguyên đán là đêm Trừ tịch (hay còn gọi là đêm Giao thừa), ở đây “Trừ” là trao lại chức quan, “Tịch” là ban đêm.
Sau lễ Ông Táo (Tết Táo quân) ngày 23 tháng Chạp không khí tết thật sự bắt đầu. Nhà nhà chuẩn bị cho tết trong không khí tưng bừng, hoan hỉ. Nào là dọn dẹp nhà cửa cho gọn gàng, sạch sẽ, khang trang.
Thậm chí, xưa kia người ta còn chờ đến những ngày cuối năm để sửa sang lại nhà cửa, chiều ngày 30 Tết họ quét vôi lại tường nhà, tẩy uế những vết bẩn của năm cũ, trang trí lại nhà cửa, cắt tỉa lại cây cảnh cho phù hợp với ngày lễ Tết. Lau rửa bàn thờ, đồ thờ, đánh bóng các đồ tự khí.
Ở làng quê Việt Nam, Tết đến mỗi nhà cắm một cành đào trên bàn thờ. Cành đào chặt về, người ta đốt phía dưới rồi cắm vào bình nước, đào sẽ tươi trong mấy ngày Tết, sẽ trổ hoa và nảy lộc.
Ý nghĩa của Lễ Trừ tịch (đêm Giao thừa)
Tục xưa tin rằng hoa đào trừ được ma quỷ (nay ít người chơi Tết với ngụ ý trừ ma quỷ mà đơn thuần chỉ là cho đẹp ngày Tết). Đó là do tích cũ về hai vị Thần Uất Lũy và Thần Trà. Tục kể rằng: Xưa ở dưới gốc cây đào lớn tại núi Độ Sóc có hai vị thần là Thần Trà và Uất Lũy cai quản đàn quỷ. Quỷ nào làm hại dân gian đều bị trừng phạt ngay. Chính vì vậy, cành đào tết tượng trưng cho hai vị thần trên. Ma quỷ nhìn thấy cành đào phải tránh xa.
Cành đào cắm trên bàn thờ không những chỉ tăng vẻ huy hoàng, tươi vui cho ngày Tết, mà còn là bảo vệ cho tổ tiên về hưởng Tết, vì ma quỷ thấy cành đào sẽ không bén mảng tới, và như vậy tổ tiên không bị quấy nhiễu trong những ngày Tết.
Sáng hoặc chiều 30 Tết nhà nào cũng ra nghĩa trang thắp hương để khấn mời tổ tiên và họ hàng thân thích đã qua đời về chứng giám ngày Tết của con cháu.
Giao thừa là giờ phút giao tiếp giữa năm cũ và mới. Giờ phút giao thừa thật là nghiêm trang được chờ đợi. Lễ trừ tịch còn mang tên là giao thừa. Người ta nói đây là lễ tống cựu nghênh tân (tiễn cũ đón mới). Cũ ở đây, ngoài những điều xấu dở, cũ kỹ của năm qua, người ta còn tiễn vị đương niên Hành khiển Đại vương của năm cũ. Và mới ở đây, ngoài những điều mới mẻ tốt đẹp, người ta còn đón rước tân Đại vương Hành khiển của năm mới.
Người xưa tin rằng, mỗi năm có một vị Hành Khiển coi việc dân gian, hết năm thì thần này bàn giao công việc lại cho thần kia, cho nên cúng tế để tiễn đưa vị thần cũ và đón vị thần của năm mới.
Trước giờ Tý phải làm lễ tiễn quan đương niên cũ, sau đó đón quan đương niên mới. Đến đầu giờ Tý thì xong để chuẩn bị đón Giao thừa. Mỗi năm có một vị quan Đương niên cai quản, nên việc làm sớ tấu cũng như lễ vật cần phải chú ý.
Quý độc giả có thể tham khảo và thực thi:
Năm Tý
Quan Đương niên là Chu vương Hành khiển. Thiên Ôn hành binh Chi Thần, Lý Tào phán quan.
Lễ vật: Ngoài trầu rượu, xôi bánh còn thêm áo màu vàng.
Năm Sửu
Triệu vương Hành khiển. Tam thập lục thương hành binh chi thần. Khúc Tào phán quan.
Lễ vật là áo đỏ.
Năm Dần
Ngụy vương Hành khiển. Mộc tinh hành binh chi thần, Tiêu Tào phán quân.
Lễ vật là áo màu trắng.
Năm Mão
Trịnh vương Hành khiển, Thạch tinh hành binh chi thần, Liễu Tào phán quan.
Lễ vật là áo màu đen.
Năm Thìn
Sở vương Hành khiển, Hỏa Tinh hành binh chi thần, Hứa Tào phán quan.
Lễ vật là áo màu vàng.
Năm Tỵ
Ngô vương Hành khiển, Thiên Hao hành binh chi thần, Vương Tào phán quan.
Lễ vật là áo màu tía.
Năm Ngọ
Tuần vương Hành khiển. Ngũ Đạo hành binh chi thần, Lâm Tào phán quan.
Lễ vật là áo màu vàng.
Năm Mùi
Tống vương Hành khiển, Ngũ Đạo hành binh chi thần, Lâm Tào phán quan.
Lễ vật là áo màu vàng.
Năm Thân
Tế vương Hành khiển, Ngũ Miếu hành binh chi thần, Tống Tào phán quan.
Lễ vật là áo màu trắng.
Năm Dậu
Lỗ vương Hành khiển, Ngũ Nhạc hành binh chi thần, Thành Tào phán quan.
Lễ vật là áo màu hồng.
Năm Tuất
Việt vương Hành khiển, Thiên Bá hành binh chi thần, Thành Tào phán quan.
Lễ vật là áo màu hồng.
Năm Hợi
Lu vương Hành khiển, Ngũ Ôn hành binh chi thần, Nguyễn Tào phán quan.
Lễ vật là áo màu vàng.
Chúng tôi xin giới thiệu một số văn khấn tiêu biểu sử dụng trong ngày Giao thừa để quý độc giả tham khảo:
Văn khấn Lễ Trừ tịch (Lễ Giao thừa)
Hôm nay!
Ngày…… tháng…… năm…… (âm lịch).
Chúng con là:……. (người ngoài chủ gia đình có thể đọc họ tên từng người tiếp theo thứ tự từ lớn đến bé).
Trú tại số….phố….phường….quận… thành phố…………….. (hoặc xóm, thôn, xã, huyện, tỉnh……… ).
Kính cẩn có hương đèn, vàng bạc, hoa quả, trầu rượu, trà, nước và mọi vật phẩm dâng lên.
Ngày tháng trôi qua:
Vật đổi sao dời. Năm cùng tháng kiệt. Xuân tiết gần sang – Đông tàn sắp hết. Vào đúng thời khắc giao thừa, kính xin chư thần, Thổ công, Gia tiên chứng giám phù hộ cho toàn gia chúng tôi từ già đến trẻ quanh năm được tăng phúc tăng thọ, người an, vật thịnh, vạn sự hanh thông.
Cẩn cáo.
Văn khấn cúng Giao thừa: Cúng gia tiên trong nhà
Nam mô A Di Đà phật! (3 lần)
Trước bàn thờ gia tiên tiền tổ
Nhờ Thổ công, Thổ Địa trong ngoài
Nay theo quy luật lâu dài
Đông qua xuân lại tái lai trở về
Lòng con cháu một bề tưởng niệm
Cùng cung thỉnh ông bà nội ngoại
Tam tứ đại tổ tiên
Lễ nghi vật phẩm vàng tiền
Đèn hương hoa quả dâng lên lòng thành
Chắp tay thỉnh cáo tiên linh
Cùng về hiên hưởng gia đình vui xuân
Cúi xin bày tỏ lòng trần
Cúi xin tạ tượng tâm linh phù trì
Điều lành mang đến, điều dữ mang đi
Gia đình yên ấm mọi bề an khang
Đầu năm chí cuối bình an
Có tài, có lộc ban ơn đức đầy
Lòng con tu niệm từ đây
Cây kia có cội, suối kia có nguồn
Một lòng theo đạo sắt son
Sống trên dương thế con còn tu thân
Nam mô A Di Đà phật (3 lần).
Văn khấn tiễn Quan Đương niên cũ
Nam mô A Di Đà phật!
Nam mô A Di Đà phật!
Nam mô A Di Đà phật!
Hôm nay là ngày tháng…. năm (âm lịch)
Tín chủ con là……………………….. cùng toàn gia quyến
Kính cẩn sắm lễ vật…. hương đăng………………………………
Thành tâm dâng lên…………… Hành Khiển cùng đức Phán quan.
Kính mong chư vị Đại vương soi xét
Lượng trời chẳng ghét khoan dung
Giúp nước yên bờ cõi
Âm thỏa dương vui mát mẻ tiết trời
Trong nhà người người khỏe mạnh
Hạnh phúc bình yên
Đất đai màu mỡ sản sinh
Nay nhân lễ Trừ tịch tiễn Đại vương
Xét thấy năm tháng qua đội ơn rất lớn
Xem ngày vừa hết nhờ đức quan trên
Năm khác cờ hoa đón ngài trở lại
Lại nhờ han phúc được như lòng.
Muôn trông đức Đại vương
Kính cẩn bày lời.
Cẩn cáo!
Văn khấn đón Quan Đương niên mới
Nam mô A Di Đà phật!
Nam mô A Di Đà phật!
Nam mô A Di Đà phật!
Kính lạy:
Đức Dương lai hạ sinh Di Lặc Tôn Phật
Hoàng Thiên Hậu thổ chư vị Tôn thần
Ngài Cựu niên Đương cai Hành khiển
Đương niên Thiên quan năm… (âm lịch)
Các ngài Ngũ phương, Ngũ thổ, Long mạch Tôn thần
Táo phủ Thần quân, chư vị Tôn thần.
Nay phút Giao thừa năm…………. đã tới
Chúng con là………….. cùng toàn gia quyến
Ngụ tại……………. …………………………
Trộm nghĩ:
Phút thiêng Giao thừa vừa tới,
Năm cũ đi qua, đón mừng năm mới
Tam dương khai thái, vạn tượng canh tân
Nay Ngài Thái tuế Tổn thần trên vâng mệnh Thượng đế
Giám sát vạn dân, bảo vệ sinh linh, tiểu trừ yêu nghiệt.
Quan cũ về triều cửa khuyết, lưu phúc lưu ân.
Quan mới xuống thay, thể đức hiếu sinh, ban tài tiếp lộc.
Nhân buổi tân xuân
Tín chủ chúng con thành tâm sửa biện lễ vật
Dâng lên trước án.
Chúng con kính mời:
Ngài cựu niên Đương cai, ngài tân niên Đương cai
Ngài Bản cảnh Thành hoàng
Ngài Bản xứ Thần linh Thổ địa
Các ngài Ngũ phương, Ngũ thổ, Long mạch Tài thần
Bản gia Táo quân và các chư vị thần linh cai quản xứ này.
Cúi xin giáng lâm trước án thụ hưởng lễ vật
Nguyện cho toàn gia chúng con: Nguyên ninh khang thái, trú dạ cát tường, người người bình an, gia đọa hưng long thịnh vượng.
Giãi tấm lòng thành cúi xin chứng giám.
Cẩn cáo!
* Những điều cần lưu ý khi làm Lễ Trừ tịch
Ngoài lễ vật: Hương, hoa, trầu, rượu, bánh, xôi, gà còn thêm áo, tiền, vàng, giấy… để đưa tiễn hoặc đón tiếp các vị Hành khiển hàng năm.
Khi dâng hương ngoài trời cúng Giao thừa đều phải khấn danh vị của các vị Hành Khiển cùng các vị Phán quan nhắc đến ở trên. Năm nào thì khấn danh vị của năm ấy.
Sau khi lễ tiễn quan đương niên cũ, sẽ tiến hành lễ đón quan đương niên mới. Lễ vật cũng được chuẩn bị trước (gà lễ thường là cả con, giữ nguyên bộ lòng đặt trên miếng tiết, lại cài cánh tạo thế gà chầu khiến nghi lễ thêm phần long trọng), và đúng giờ phút Giao thừa sẽ tiến hành thắp đèn nhang, làm thủ tục lễ, đọc văn khấn. Trước khi khấn vái 4 vái, và khi khấn xong lại vái 4 vái.
Sau khi người gia trưởng khấn lễ xong thì các thành viên trong gia đình lần lượt theo thứ tự tới chấp lễ truớc bàn thờ hoặc mâm cúng. Khi các nghi lễ kết thúc, người chủ gia đình rót rượu, và mọi người chúc tụng nhau. Người lớn “mừng tuổi” cho con cháu, con cháu mừng tuổi lại cha mẹ, ông bà.
Việc mừng tuổi tiền mới chỉ là làm phép, chứ không nhất thiết phải là tiền to, nhiều mới có nhiều tài lộc. Việc mừng tuổi còn được tiếp tục suốt trong những ngày Tết (Tiền mừng tuổi thường được để trong các phong bao giấy hồng, có ý tiền đó sẽ sinh sôi nảy nở thêm nhiều và sẽ đem lại may mắn).
Thời xưa, tiền mừng tuổi cũng được gọi là tiền mở hàng để lấy may. Bạn bè gặp nhau cũng thường mở hàng để cầu chúc cho nhau sự phát đạt. Tiền mở hàng người ta thường cất đi giữ lấy cái may mắn.
Bảo Anh (tổng hợp)
Tags