(Thethaovanhoa.vn) - Đúng 7h sáng ngày 11/7, lễ viếng 18 chiến sĩ hi sinh trong vụ rơi máy bay Mi 171 tại Hòa Lạc bắt đầu. Thân nhân các chiến sĩ, lực lượng công an, quân đội từ rất sớm đã có mặt tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng (số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội).
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu cùng Lãnh đạo Chính phủ, Bộ Quốc phòng... đến viếng tiễn đưa các chiến sĩ đã hy sinh.
Lễ viếng kéo dài tới 10h sáng hôm nay. Từ 10 đến 11h lễ truy điệu sẽ chính thức được hành cử. Lễ đưa tang, điện táng và an táng được tiến hành sau đó tại đài hóa thân Hoàn vũ (Văn Điển, Hà Nội) và các nghĩa trang liệt sĩ địa phương - quê quán của các cán bộ, chiến sĩ hy sinh.
Từ 6h sáng, các ngả đường dẫn tới nhà tang lễ được rất nhiều cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông, lực lượng công an địa bàn, lực lượng kiểm soát quân sự có mặt để đảm bảo giao thông, an ninh trật tự, an toàn cho công tác tổ chức hành lễ.
Hàng trăm thanh niên tình nguyện cũng lập hàng rào trải dọc từ khu vực cổng vào đến sảnh chính của nhà tang lễ để hỗ trợ thân nhân và người dân tới viếng các liệt sĩ. Không khí đau thương và uy nghiêm bao trùm, dòng người lặng lẽ, trật tự lần lượt vào dâng hương viếng anh linh các chiến sĩ.
Đúng 7h, lễ viếng và lễ truy điệu bắt đầu. Đại diện Ban lễ tang đọc cáo phó lược lại tên tuổi, chức vụ, đơn vị công tác, công lao và quá trình làm nhiệm vụ, hy sinh anh dũng của các chiến sĩ. Và khoảnh khắc định mệnh, khi chiếc máy bay trực thăm Mi-171 chở 21 chiến sĩ gặp sự cố và rơi tại Hòa Lạc, Hà Nội. Tên 18 chiến sĩ đã hy sinh lần lượt được xướng lên trang trọng.
Đúng 7h15, nghi thức điếu văn kết thúc, đoàn tiêu binh dẫn đầu rước vòng hoa vào nhà hành lễ. Đoàn viếng đầu tiên do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng dẫn đầu vào dâng hương viếng anh linh các chiến sĩ. Tiếp đó là đoàn đại diện Chính phủ do Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải dẫn đầu vào viếng. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gửi vòng hoa tới viếng các liệt sĩ.
Sau đoàn của Chính phủ là đoàn của Bộ Quốc phòng do Bộ trưởng Phùng Quang Thanh dẫn đầu vào viếng các liệt sĩ… Lần lượt kế đó, là đại diện các cơ quan của Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng, thành phố Hà Nội vào viếng. 8h, thân nhân bắt đầu tiến vào dâng hương viếng người thân của mình. Sau đó, đông đảo đồng bào cũng đến thăm viếng chia sẻ sự ra đi của các chiến sĩ.
Viện Bỏng Quốc gia đã hội chẩn với đại diện bệnh viện Trung ương Quân đội 108, bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức cùng các chuyên gia đầu ngành ngoại khoa, nội khoa, tim mạch, thần kinh sọ não để tìm ra phương án tối ưu điều trị với hy vọng cứu sống được 3 chiến sĩ.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh chia buồn với gia đình các đồng chí hy sinh. Ảnh: Trọng Đức, Doãn Tấn - TTXVN
Ngày 10/7, một ngày trước lễ truy điệu và đưa tang 18 chiến sĩ, cơ quan chức năng đã hoàn tất việc giám định ADN để xác định danh tính từng chiến sĩ đã hi sinh.
Những tiếng nức nở, những giọt nước mắt lăn dài hay những đôi mắt đỏ hoe cũng không thể diễn tả hết nỗi đau mất mát quá lớn này của những người cha, người mẹ, người vợ…và nhất là những đứa trẻ thơ ngây, các cháu chưa hiểu thế nào là nỗi mất mát mà chính các cháu đang phải hứng chịu.
Nhiều chiến sĩ hy sinh khi tuổi đời mới ngoài đôi mươi, người chưa lập gia đình, người có con nhỏ hoặc vợ vừa sinh. Các anh cũng là những trụ cột, niềm tự hào của gia đình. Nhưng hôm nay, các anh đã ra đi mãi mãi...
Trước cảnh ấy, những cán bộ, chiến sĩ, đồng đội của các anh đều chùng xuống, ánh mắt đỏ hoe hướng nhìn lên lư hương nghi ngút khói nơi 18 đồng đội đang nằm ngay ngắn.
Đoàn xe tang lễ Quân đội rời nhà tang lễ, hướng theo đường Trần Hưng Đạo (Hoàn Kiếm) đưa các anh về nơi an nghỉ cuối cùng. Ảnh: Phạm Mỹ
Danh sách 18 chiến sĩ hy sinh: 1. Thượng tá Hoàng Lại Long, sinh năm 1961, phi công lái chính máy bay Mi-171. Phó tham mưu trưởng Trung đoàn không quân 916. 2. Thiếu tá Đặng Thành Chung, sinh năm 1966. Giáo viên dù, Trung tâm Huấn luyện tìm kiếm cứu nạn đường không. 3. Thiếu tá Lê Thanh Việt, sinh năm 1978, cơ phó. 4. Đại úy Nguyễn Văn Thanh, sinh năm 1976, cơ giới trên không. 5. Đại úy Nguyễn Đào Hồng Tâm, sinh năm 1980. Giáo viên dù, Trung tâm Huấn luyện tìm kiếm cứu nạn đường không. 6. Thượng sĩ Nguyễn Văn Bình, sinh năm 1992, học viên sĩ quan dù. 7. Thượng sĩ Đỗ Văn Minh, sinh năm 1992, học viên sĩ quan dù. 8. Thượng sĩ Nguyễn Văn Thịnh, sinh năm 1991, học viên sĩ quan dù. 9. Thượng sĩ Nguyễn Đình Bình, sinh năm 1991, học viên sĩ quan dù. 10. Trung sĩ Lê Việt Hùng, sinh năm 1992, học viên sĩ quan dù. 11. Trung sĩ Nguyễn Phúc Nhơn, sinh năm 1991, học viên sĩ quan dù. 12. Trung úy quân nhân chuyên nghiệp Đỗ Mạnh Uy, chiến đấu viên Tiểu đoàn 18 đặc công. 13. Trung úy quân nhân chuyên nghiệp Đỗ Văn Năm, chiến đấu viên Tiểu đoàn 18 đặc công. 14. Trung úy quân nhân chuyên nghiệp Nguyễn Ngọc Thắng, chiến đấu viên Tiểu đoàn 18 đặc công. 15. Trung úy quân nhân chuyên nghiệp Nguyễn Văn Hưng, chiến đấu viên Tiểu đoàn 18 đặc công. 16. Trung úy quân nhân chuyên nghiệp Đặng Hồng Quang, chiến đấu viên Tiểu đoàn 18 đặc công. 17. Thiếu úy quân nhân chuyên nghiệp Chử Văn Minh, chiến đấu viên Tiểu đoàn 18 đặc công. 18. Thiếu úy quân nhân chuyên nghiệp Nguyễn Công Hợi, Tổ trưởng Tiểu đoàn 18 đặc công. |
Tags