Lễ Vu lan diễn ra vào ngày rằm tháng 7 Âm lịch hàng năm. Ngày Lễ Vu lan 2022 rơi vào thứ Sáu, ngày 12 tháng 8 Dương lịch. Lễ Vu lan báo hiếu là ngày tưởng nhớ, báo ân, báo hiếu cha mẹ và tổ tiên.
Nguồn gốc ra đời ngày Vu lan báo hiếu
Xuất phát từ truyền thuyết về Tôn giả Mục Kiều Liên, đệ tử xuất chúng của đức Phật đại hiếu đã cứu mẹ của mình ra khỏi kiếp ngục quỷ, Vu lan là ngày lễ hàng năm để tưởng nhớ về ân đức sinh thành dưỡng dục, hướng tâm về cha mẹ, tổ tiên và muốn làm việc gì đó để đền ơn đáp nghĩa. Hiếu hạnh là vấn đề quan trọng được đức Phật quan tâm và đề cao.
Trong trăm điều thiện, chữ hiếu đứng ở vị trí hàng đầu. Theo truyền thống nguyên thủy, có bốn việc người con hiếu hạnh cần nằm lòng để thực hiện, đó là sự tôn trọng và quý kính cha mẹ; sự tự ý thức trách nhiệm về việc phụng dưỡng cha mẹ, gìn giữ sản nghiệp, bảo vệ gia phong-văn hóa tâm linh gia tộc; đem lại niềm vui bằng việc cung dưỡng cả đời sống vật chất cũng như tinh thần; hướng dẫn tu tập Phật pháp để tự mình có thể gỡ bỏ được mọi đau khổ.
Mùa Vu lan là dịp để bày tỏ sự tri ân sâu sắc đến ơn đất nước, ơn đồng bào, nhớ tới ân đức hy sinh cao cả của các bậc tiền bối, Anh hùng liệt sỹ đã vị quốc vong thân vì hòa bình, hạnh phúc cho dân tộc Việt Nam.
Từ niềm hiếu đạo sâu kín, thiêng liêng của truyền thống đạo đức phương Đông, tinh thần hiếu thảo trong mùa Vu lan đã trở thành bông hoa đạo lý, nhắc nhớ con cái hãy sống có hiếu hơn, đạo đức hơn nữa để đáp đền tình thương bao la rộng lớn của cha mẹ - những người đã hy sinh cả cuộc đời, cả tâm hồn và thể xác cho con.
Chữ hiếu là nền tảng của đạo đức. Gia đình là nền tảng của xã hội. Trong gia đình, chữ hiếu là nền tảng để xây dựng hạnh phúc, đem đến sự an vui, an lạc cho tất cả mọi người. Phận làm con phải hiểu rõ tình thương và sự hy sinh cao cả ấy, hiểu để đền ơn đáp nghĩa với đấng sinh thành dưỡng dục ta nên người.
Đối với người Việt Nam, lòng hiếu thảo vốn in sâu đậm trong tâm hồn, nên tinh thần Vu lan báo hiếu cũng như đạo Phật rất dễ hòa nhập vào phong tục tập quán của người dân. Cứ đến dịp Rằm tháng Bảy, nhà nhà lại soạn sửa lễ vật cúng giàng, thành tâm cầu chư tăng chúng Phật, cầu cho linh hồn ông bà tiên tổ, cha mẹ được siêu thoát.
Không chỉ báo hiếu mỗi mùa Vu lan về mà mỗi người cần thực hiện 5 điều hiếu trong đạo Phật: hiếu kính, hiếu dưỡng, hiếu hạnh, hiếu tâm và hiếu đạo. Thực hiện 5 điều hiếu đó mới là báo hiếu.
Ngày nay, chữ hiếu lại càng có vai trò và ý nghĩa vô cùng quan trọng trong đời sống của người dân Việt. Khi mà những tác động xấu của xã hội đang ngày ngày len lỏi vào mỗi gia đình, khi đạo đức xã hội đang dần xuống cấp, con cái đối xử bất hiếu với cha mẹ, thậm chí, giết cả người đã sinh ra và nuôi dưỡng mình khôn lớn, thì việc giáo dục đạo hiếu càng cần được xem trọng hơn bao giờ hết.
Ý nghĩa của Ngày Lễ Vu lan báo hiếu
Ngày Lễ Vu Lan hàng năm được tổ chức long trọng nhằm nhắc nhở các thế hệ con cháu luôn nhớ tới công ơn dưỡng dục sinh thành của ông bà, cha mẹ cũng như tổ tiên và các bậc anh hùng dân tộc đã có công với đất nước. Không riêng gì đối với mỗi người Phật tử, Lễ Vu lan mở ra cả một mùa báo ân, báo hiếu lan tỏa khắp cả đất nước Việt Nam.
Báo hiếu ở đây là đối với cha mẹ, người đã sinh và nuôi dưỡng chúng ta không chỉ ở kiếp này mà còn ở nhiều kiếp khác. Tín ngưỡng Phật giáo luôn nhìn nhận con người trong mối tương quan nhân quả, trong vòng báo luân hồi. Điều này dẫn đến việc chúng ta phải mở rộng vòng báo hiếu ra tất cả các chúng sinh. "Phổ độ chúng sanh", "cứu nhân độ thế", "xá tội vong nhân".
Hình ảnh gây nhiều xúc động trong mùa Vu lan đó chính là bông hoa hồng cài trên áo. Dù già hay trẻ, trai hay gái dự Lễ Vu lan đều thành kính và ngập trong cảm xúc khi đón nhận một bông hoa hồng cài trang trọng lên ngực áo.
Màu đỏ là biểu tượng của việc còn mẹ, màu hoa trắng để tưởng nhớ về người mẹ đã khuất núi. Việc nhớ về bậc sinh thành và cài lên ngực bông hoa cao quý là tình cảm đẹp nhất, là chữ Hiếu mà con cái gửi đến cha mẹ.
Một mùa Lễ Vu lan nữa lại sắp đến. Đây là dịp để mỗi người sống nên chọn lối sống chậm lại, biết yêu thương, chia sẻ nhiều hơn nữa khi cuộc sống ngày càng trở nên xô bồ hơn, khắc nghiệt hơn và hối hả hơn. Là dịp để mỗi người con chúng ta hướng lòng thành kính đến các đấng sinh thành, những người đã có sinh dưỡng mỗi người con chúng ta.
- Vì sao tháng 7 được gọi là 'tháng cô hồn' và có danh sách những điều kiêng kỵ?
- Xem lịch ngày 31 tháng 7 năm 2022 là ngày tốt hay xấu?
- Tổng hợp ngày hoàng đạo tháng 8 Dương lịch năm 2022 (tháng 7 Âm lịch)
Những câu STT hay về lễ Vu lan báo hiếu
Không phải chỉ lễ Vu Lan, chúng ta mới bày tỏ tình cảm, sự biết ở với cha mẹ. Thế nhưng cuộc sống bộn bề, bận rộn đôi khi lại làm ta bất chợt quên đi việc thể hiện tình cảm dành cho cha mẹ.
Và Vu lan là dịp để nhắc nhở mỗi chúng ta thêm thương yêu trân trọng hơn nếu còn cha, còn mẹ. Những dòng STT hay về lễ Vu lan báo hiếu dưới đây sẽ giúp bạn bày tỏ nỗi lòng của mình:
* Điều hạnh phúc nhất với tôi đó chính là vào ngày lễ Vu lan vẫn được cài trên ngực áo đóa hoa hồng đỏ rực. Thật hạnh phúc và tuyệt vời khi còn cả cha cả mẹ trên cuộc đời này đúng không? Nếu ai cũng may mắn như tôi thì hãy biết trân trọng từng giây từng phút và sống thật tốt để cha mẹ không phiền lòng nhé.
* Cảm ơn cha mẹ! Cảm ơn cha mẹ vì vẫn mạnh khỏe và sống hạnh phúc. Cảm ơn cha mẹ bởi mùa Vu lan này con vẫn được cài lên ngực áo đóa hoa hồng đỏ thắm. Con mong sao con sẽ có thật nhiều, thật nhiều mùa Vu lan hạnh phúc như thế này.
* Ngày hôm nay với bạn như thế nào? Với tôi, nó là một ngày tuyệt vời. Tôi gác lại âu lo, gác lại mọi công việc để về nhà thật sớm, ăn bữa cơm đoàn tụ cùng cha cùng mẹ. Được nhìn cha mẹ cười tươi, hạnh phúc vào đúng ngày Vu lan thật tuyệt phải không nào?
* Sau biết bao bôn ba, vất vả, bon chen ngoài cuộc đời, tôi mới nhận ra rằng bình yên nhất chính là được trở về với vòng tay của cha mẹ. Dù lớn đến đâu, khi về với cha mẹ, tôi vẫn thật nhỏ bé. Mùa Vu lan này, tôi cũng vẫn có được may mắn ngồi bên cha mẹ dùng bữa cơm gia đình đầy ấm áp và mong sao những mùa Vu lan sau, sau nữa tôi cũng vẫn có được may mắn như vậy.
* Không có ngôn từ nào có thể diễn tả hết công ơn của những đấng sinh thành. Thật may mắn nếu bạn vẫn được nhìn thấy cha mẹ mỗi ngày. Đừng ngần ngại thể hiện tình yêu của mình với cha mẹ khi còn có thể bởi biết đâu đến một ngày nào đó ta không còn cơ hội nữa. Hãy cho cha mẹ thấy bạn yêu họ đến nhường nào, đừng để những nỗi buồn hằn in lên mắt mẹ.
Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự vừa ấn ký ban hành Thông bạch về Đại lễ Vu lan - Báo hiếu Phật lịch 2566 (Dương lịch 2022).
1. Thời gian tổ chức
- Từ ngày mùng 1, ngày Rằm, và các ngày trong tháng Bảy, Nhâm Dần
- Chính lễ : Ngày Rằm tháng Bảy, Nhâm Dần (tức 12/8/2022)
2. Địa điểm tổ chức
- Tại các cơ sở tự viện của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
- Tưởng niệm, tri ân, cầu siêu anh linh Anh hùng Liệt sĩ tại các nghĩa trang Liệt sĩ.
- Tại các nơi công cộng, trung tâm văn hóa, trụ sở của các công ty khi thực hiện phải được sự chấp thuận của chính quyền các cấp.
- Tại tư gia của các gia đình Phật tử. Lưu ý nếu có sự tham gia của số đông nhiều gia đình cùng nhau tổ chức thì phải có sự chấp thuận của chính quyền địa phương.
3. Nội dung chương trình
- Tụng kinh Vu lan, kinh Báo hiếu Phụ mẫu, Kinh Mục Liên sám pháp, kinh A Di Đà… cầu siêu tiến anh linh Anh hùng Liệt sĩ, Cửu huyền thất tổ.
- Thuyết giảng ý nghĩa Vu lan - Báo hiếu.
- Nghi thức Bông hồng cài áo tri ân công đức sinh thành của Cha mẹ.
- Nghi thức thắp nến tri ân và truyền hoa đăng tưởng niệm anh linh Anh hùng Liệt sĩ và Cửu huyền thất tổ.
- Chương trình nghệ thuật Công cha nghĩa mẹ (nếu có).
Tổng hợp ngày hoàng đạo tháng 8 Dương lịch năm 2022 (tháng 7 Âm lịch) Theo quan niệm xưa, mọi việc tiến hành trong ngày hoàng đạo sẽ đều diễn ra suôn sẻ, như ý muốn và thành công. Tham khảo danh sách những ngày hoàng đạo trong tháng 8 năm 2022 - tháng 7 Âm lịch. Xem thêm TẠI ĐÂY |
Bảo Anh (tổng hợp)
Tags