Từ ngàn đời nay, đạo lý "uống nước nhớ nguồn" đã là nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Việc báo hiếu, báo ân tổ tiên, ông bà, cha mẹ là một trong "Tứ trọng ân" quan trọng nhất của mỗi con người.
Cũng vì thế, từ đạo đến đời, ngày lễ Vu Lan báo hiếu của Phật giáo dần trở thành một ngày lễ chung của dân tộc, là dịp để mỗi người trở về với cội nguồn dân tộc, nhắc nhở bổn phận làm con phải luôn nhớ đến công ơn sinh dưỡng của cha mẹ mà làm những việc hiếu nghĩa.
Lễ Vu lan báo hiếu trong Phật pháp
Lễ Vu lan, còn được gọi là lễ báo hiếu, vốn là một trong những ngày lễ chính của Phật giáo, bắt nguồn từ một điển tích về Bồ tát Mục Kiền Liên, một trong những đại đệ tử của Phật Thích Ca Mâu Ni. Theo kinh Vu Lan, Mục Kiền Liên, sau khi tu hành đạt đạo đã dùng thiên nhãn tìm mẹ, Tuy nhiên khi còn sống, mẹ ông gây nhiều nghiệp ác nên chết đi bị đày xuống địa ngục làm ngạ quỷ (quỷ đói), bị đói khát hành hạ khổ sở. Thương mẹ, mong muốn tìm cách cứu vong hồn mẹ, ông đã tìm đến Đức Phật để cầu xin.
Phật dạy rằng, dù ông thần thông quảng đại đến đâu cũng không thể đủ sức cứu mẹ. Chỉ có cách đến kỳ chư tăng tự tứ (tức kết thúc mùa đi Hạ), dọn mâm ngũ quả cúng dường chư Phật mười phương, như vậy mới lấy được phước báu cho mẹ, giúp mẹ siêu sinh tịnh độ. Phật cũng dạy rằng chúng sinh ai muốn báo hiếu cho cha mẹ cũng làm theo cách này, gọi là Vu Lan Bồn Pháp. Mục Kiền Liên làm theo và mẹ ông được giải thoát. Cũng từ đó, Phật giáo lấy ngày Rằm tháng Bảy hàng năm làm ngày lễ quan trọng với tên gọi là ngày "Lễ Vu lan" hay "Vu lan bồn", để những người con có dịp đền đáp công ơn của các đấng sinh thành, cũng là để cứu vớt chúng sanh muôn loài.
Lễ Vu lan là một lễ trọng mà bất cứ tông phái nào của Phật giáo cũng đều thực hành vì nó gắn với đạo hiếu, đạo chí tôn của Phật giáo. Đối với người Việt Nam, lòng hiếu thảo vốn in sâu đậm trong tâm hồn, nên tinh thần đạo Phật và lễ Vu Lan báo hiếu dễ dàng hòa nhập vào phong tục tập quán của người dân, nhân lên giá trị đạo lý trọng hiếu trong mỗi người dân và tôn vinh đức hiếu sinh của Phật giáo. Lễ Vu Lan đã dần trở thành ngày lễ lớn của không chỉ của Phật giáo và những người theo đạo, mà còn phổ biến trong nhân gian, đi vào truyền thống đạo đức, trở thành một nét văn hóa đẹp thấm sâu trong tâm thức của hàng triệu người Việt.
Nét đẹp truyền thống văn hóa dân tộc
Khi du nhập vào nước ta, Lễ Vu lan dần mang tính xã hội rộng rãi và được nâng lên một ý tầng ý nghĩa cao hơn, không chỉ là ngày tưởng nhớ đến thâm ân chư Phật, "Báo ân - báo hiếu" với cha mẹ, tổ tiên, mà còn là thời gian để mỗi người thực hành và khắc sâu hạnh nguyện "Tứ trọng ân": ân dưỡng dục sinh thành của cha mẹ; ân quốc gia xã hội; ân Tam bảo Sư trưởng, thầy cô dạy học và ân chúng sinh vạn loại.
Mùa Vu lan hiếu hạnh nhắc nhở chúng ta tưởng nhớ công ơn công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ, cũng là dịp để bày tỏ sự tri ân sâu sắc đến ơn đất nước, ơn đồng bào, nhớ tới ân đức hy sinh cao cả của các bậc tiền bối, các Anh hùng liệt sỹ đã vị quốc vong thân, vì hòa bình, hạnh phúc cho dân tộc và bày tỏ lòng nhân hiếu đối với quốc gia - xã hội, cái nôi nuôi dưỡng mình.
Vì thế, trong nhiều năm qua, chương trình thường niên "Vu lan - Đạo hiếu và Dân tộc" do Ban Thông tin Truyền thông Trung ương - Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức nhân dịp Lễ Vu lan thường được xây dựng với hai phần, gồm các hoạt động thiện nguyện, an sinh xã hội và chương trình nghệ thuật Vu lan.
Với hoạt động báo ân quốc gia xã hội, mỗi năm ban tổ chức chọn những địa danh gắn với truyền thống lịch sử, những ngày lễ kỷ niệm quan trọng của đất nước để có các hoạt động vì cộng đồng. Năm 2024, nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, 77 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ, từ tháng 5 đến tháng 8/2024, Ban tổ chức đã thực hiện những hoạt động tưởng niệm, thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia ở Điện Biên Phủ và thực hiện các công trình an sinh xã hội ở thành phố Điện Biên Phủ, huyện Điện Biên (tỉnh Điện Biên). Tổng giá trị quà tặng dành cho chuỗi hoạt động thiện nguyện, an sinh xã hội của chương trình lên đến 5 tỷ đồng. Một số nghĩa trang cũng tổ chức lễ hội Vu Lan với chương trình cầu siêu cho những người đã khuất để nhắc nhở thế hệ sau nhớ về cội nguồn.
Là hoạt động bắt nguồn từ Phật giáo nên dịp Lễ Vu lan, các Phật tử và nhân dân thường đến chùa cầu kinh, cầu nguyện cho những người đã khuất và chúng sinh được yên nghỉ, còn người đang sống có sức khỏe tốt để ở lâu bên con cháu. Bên cạnh các nghi thức như: giảng kinh về đạo hiếu, phóng sinh, những năm gần đây, người Việt còn hình thành một phong tục mới, khi đến chùa dự lễ được trân trọng cài lên ngực áo một bông hồng nhỏ. Sắc hồng dành cho những ai vẫn còn cha mẹ, màu hoa trắng thì như lời tiếc thương tưởng nhớ về đấng sinh thành đã khuất. Dù mang trên mình sắc hoa nào, trong giây phút thiêng liêng của lễ báo hiếu, khách thập phương đều cùng một lòng hướng đạo, tri ân công ơn của đấng sinh thành.
Khi những giá trị cao đẹp được lan tỏa và tiếp nối, Lễ Vu Lan còn trở thành dịp để nhiều cá nhân, gia đình tham gia các hoạt động thiện nguyện, chia sẻ với những người kém may mắn trong xã hội. Hoạt động thiện nguyện giúp các thành viên trong gia đình nhận thức sâu sắc hơn về giá trị của lòng từ bi, sự chia sẻ và trách nhiệm đối với cộng đồng.
Trong văn hóa dân gian, theo truyền thống vào ngày 15/7 Âm lịch, các gia đình đều chuẩn bị mâm cơm tươm tất dâng lên cửa Phật, thần linh, gia tiên để tỏ lòng thành kính. Nhiều gia đình thực hành ăn chay như một cách cầu nguyện và tích đức. Với những người còn cha mẹ có thể dành tặng những lời chúc và nhiều món quà ý nghĩa cho cha mẹ. Những người con xa quê đều cố gắng thu xếp thời gian để về tụ họp với gia đình.
Tuy nhiên trong nhịp sống hối hả, vẫn còn biết bao người ông, người bà, người cha, người mẹ, dẫu vẫn có con cháu nhưng phải lặng lẽ khóc thầm vì buồn tủi, cô đơn. Bên cạnh đó, nhiều gia đình coi trọng vật chất thái quá. Họ quan niệm cúng lễ phải mâm cao cỗ đầy, lễ càng to càng tốt với tâm lý đổi chác, cầu mong tư lợi. Những điều này đi ngược với giáo lý nhà Phật, cúng lễ nên chay tịnh, tránh sát sinh, quan trọng là ở tấm lòng thành của mỗi người. Do đó, Vu lan cũng là dịp để mỗi người con cúi đầu suy nghĩ, lắng lòng mình để thêm hiếu kính cha mẹ, để nuôi dưỡng tình cảm thêm nồng ấm, trách nhiệm. Với những ai may mắn còn cha mẹ thì nên hết lòng hiếu kính, lễ phép, chăm sóc cha mẹ chu đáo. Người đã mất cha mẹ thì tự nhắc mình không bao giờ quên ơn dưỡng dục, giữ gìn nền nếp gia phong, anh em hòa thuận, để ở nơi xa xôi cha mẹ có thể mỉm cười. Ngoài ra, mỗi người cũng cần đề cao đức hiếu sinh, bồi đắp tình yêu quê hương đất nước, tinh thần tôn sư trọng đạo, yêu thương đồng bào. Đó là nền tảng nuôi dưỡng ta trở thành con người có phẩm cách, đạo đức và trí tuệ, những giá trị bất biến của đạo hiếu hạnh, đạo làm người.
Tags