(Thethaovanhoa.vn) - Mặc dù vào năm 1865, sau bao cố gắng không biết mệt mỏi của tổng thống Abraham Lincoln, Quốc hội đã thông qua đạo luật xóa bỏ chế độ nô lệ nhưng cho đến tận ngày nay, nạn phân biệt chủng tộc vẫn là nỗi đau nhức nhối trong lòng nước Mỹ. Năm 2013 vừa qua là một năm đặc biệt tại Hollywood khi có không ít tác phẩm điện ảnh lấy đề tài cũng như nhằm tôn vinh người da màu.
Bên cạnh một tuyệt phẩm 12 Years a Slave và Mandela: Long Walk to Freedom, Lee Daniels’ The Butler cũng rất đáng chú ý. Điều đáng nói là cả ba bộ phim trên đều thuộc thể loại tâm lý / tiểu sử dựa trên những nhân vật / sự kiện có thật.
Lee Daniels’ The Butler kể về cuộc đời của Cecil Gains (Forest Whitaker), người quản gia tận tụy tại Nhà Trắng. Trong suốt hơn 3 thập kỷ làm việc, Cecil Gains đã phục vụ cho 8 đời tổng thống Mỹ.
Lee Daniels’ The Butler có nhiều nét tương đồng với Forrest Gump (1994). Nhân vật chính Cecil Gains làm việc trong nhà trắng qua 8 đời tổng thống nên hầu như chứng kiến hoặc trải qua các sự kiện chấn động nhất trong xã hội hiện đại nước Mỹ (tổng thống John F. Kennedy bị ám sát, chiến tranh tại Việt Nam…). Tuy nhiên, vấn đề mà bộ phim chủ yếu đề cập đến vẫn là chủng tộc. Trong Lee Daniels’ The Butler có rất nhiều nhân vật (Martin Luther King, Malcolm X, James Lawson), sự kiện chính trị nổi tiếng liên quan tới quá trình đấu tranh đòi quyền bình đẳng cho người da mầu. Có thể nói bộ phim giống như một bài học lịch sử bằng hình ảnh vậy.
Và cũng giống với Forrest Gump của Robert Zemekis, đạo diễn Lee Daniels lựa chọn cách để nhân vật tự thuật lại câu chuyện. Ở một số cảnh kết nối các phần hay các phân đoạn là lời tự thoại của Cecil Gains. Tất nhiên với đề tài riêng biệt, Lee Daniels’ The Butler không có được sự đa dạng, dí dỏm và nhiều ý nghĩa về cuộc sống như Forrest Gump.
Bên cạnh nhân vật chính Cecil Grains, kịch bản phim còn phát triển thêm một số tuyến nhân vật phụ xung quanh như người vợ Gloria (Oprah Winfrey), cậu con trai Louis. Mối quan hệ cha con, vợ chồng giữa họ được xây dựng tương đối tốt.
Lee Daniels’ The Butler rất ăn khách tại thị trường Bắc Mỹ trong năm 2013. Kinh phí sản xuất chỉ vỏn vẹn 30 triệu USD nhưng sau thời gian trình chiếu ngoài rạp, bộ phim đã thu về 116,6 triệu USD. Dù chưa vươn được tới tầm tuyệt phẩm nhưng Lee Daniels’ The Butler vẫn rất đáng xem.
Hoàng Phương
Thể thao & Văn hóa
Tags