Leonard Cohen - "Thiên tài" âm nhạc duy nhất trong mắt Bob Dylan

Thứ Ba, 26/11/2024 16:58 GMT+7

Google News

Tháng 11 này, thế giới kỷ niệm 8 năm ngày mất của Leonard Cohen. Và để nói về sự nghiệp của nhạc sĩ này, có lẽ chỉ cần 1 câu duy nhất: Ông chính là thần tượng của huyền thoại Bob Dylan.

Thực tế, trong thế giới sáng tác nhạc, thật khó để tìm ra ai vượt xa Bob Dylan. Nhưng, điều đó không có nghĩa là Dylan không có đối thủ cạnh tranh. Chẳng hạn, những nhạc sĩ như Paul McCartney và John Lennon từng có những tuyên bố trác tuyệt bằng âm nhạc về tình yêu. Lou Reed có thể là người viết về những sự thay đổi hay nhất mọi thời đại, trong khi "nữ hoàng" của những lời tự thú chắc chắn thuộc về Joni Mitchell.

Tuy nhiên, với nhiều khán giả nếu nói về sức mạnh thi ca trong ca từ, tất cả những nghệ sĩ đó đều sẽ bị lu mờ trước Dylan.

Thực tế, về mặt ca từ, Dylan đứng đầu và nổi trội hơn hẳn phần lớn các nhạc sĩ. Đặc biệt là trong những năm đầu tạo nên cơn sốt nhạc dân gian của ông, người nhạc sĩ này có khả năng gói gọn những nét tinh tế trong đời sống xã hội chỉ trong 1 ca khúc dài 3 phút. Và không phải ngẫu nhiên mà Dylan là chủ nhân của giải Nobel Văn học 2016!

Tuy nhiên, đối với Dylan - cũng như với các nhạc sĩ nổi tiếng như Woody Guthrie, Warren Zevon và nhiều người khác - có 1 người mà ông coi là vĩ đại hơn cả: Leonard Cohen.

Những điều khác biệt

Dylan từng nói rằng Cohen không viết nhạc mà viết lời những lời cầu nguyện. Là 2 trong số những cái tên nổi tiếng nhất (và đều muốn ẩn dật) trong nền âm nhạc Mỹ, thật khó để đo lường chiều sâu mối quan hệ của họ. Nhưng rõ ràng, cặp đôi này vô cùng tôn trọng nhau. Sự tôn trọng đó dựa trên việc họ cùng trân trọng tính thiêng liêng của một ca khúc đẹp.

Thật vậy, Dylan vô cùng trân trọng các sáng tác của Cohen. Ông là người dành nhiều lời khen ngợi bậc nhất cho Cohen (có lẽ chỉ đứng sau Woody Guthrie). Dù vậy, Dylan và Cohen cũng có những cách tiếp cận rất khác nhau đối với việc sáng tác nhạc.

Leonard Cohen - "Thiên tài" âm nhạc duy nhất trong mắt Bob Dylan - Ảnh 1.

Leonard Cohen, bậc thầy về giai điệu và ca từ siêu phàm

Dylan, giống như McCartney hay Tom Petty, thường có những cảm hứng mãnh liệt, đến mức câu chữ không đuổi kịp cảm xúc trong ông. Do đó, ông không quá tỉ mỉ với những câu chữ tuôn ra ào ào và rơi xuống trang giấy gần nhất trước mặt ông. Thế nên, dù đã sáng tác ra rất nhiều ca từ hay, Dylan phần đa tạo ra chúng trong một cơn bùng nổ sáng tạo, và do đó, có phần lộn xộn.

Ngược lại, Cohen đã dành nhiều năm theo đuổi sự nghiệp viết lách uyên bác. Trái với Dylan, ca từ của Cohen đòi hỏi quá trình lâu dài, từ hình thành tới gọt giũa tỉ mỉ, cho tới khi nó đạt tới tầm phổ quát, như thể không còn là sản phẩm của chính tâm trí ông nữa.

Những cách tiếp cận khác nhau của cặp đôi này được tóm tắt trong một cuộc trò chuyện giữa họ, trong đó Dylan hỏi Cohen rằng ông mất bao lâu để viết Hallelujah.

"10 năm" - ông trả lời. Cohen hỏi lại Dylan mất bao lâu để viết xong I And I. "15 phút" - ông đáp.

Nhưng Dylan nhận ra rằng tất cả sự tận tụy đó đã cho phép Cohen tạo ra những tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao, được "ngụy trang" dưới hình dạng những ca khúc nhạc pop.

Giải thích về sự xuất sắc thiên tài trong các sáng tác của Cohen, Dylan lưu ý rằng các ca khúc của Cohen thực sự rất phức tạp về đối âm - 1 dòng giai điệu bổ sung, làm nổi bật chuỗi hợp âm chính.

"Khi mọi người nói về Leonard Cohen, họ quên đề cập đến những giai điệu của ông ấy. Đối với tôi, cùng với ca từ của ông, giai điệu thể hiện thiên tài vĩ đại của ông. Ngay cả những dòng đối âm - chúng mang lại một cảm giác siêu phàm và nâng cao giai điệu cho từng ca khúc của ông".

Ông nói thêm: "Theo như tôi biết, không ai khác có thể làm được điều này trong âm nhạc hiện đại. Ngay cả ca khúc đơn giản nhất, như The Law, được cấu trúc trên 2 hợp âm cơ bản, cũng có những câu đối âm thiết yếu. Và bất kỳ ai nghĩ đến việc thể hiện ca khúc này và yêu thích lời ca khúc sẽ phải đi quanh những câu đối âm".

Bob Dylan trong 1 lần cover “Hallelujah” của Leonard Cohen

Một ca khúc của Cohen mà Dylan có sự đồng cảm mạnh mẽ là Hallelujah. "Đó là một giai điệu được xây dựng tuyệt đẹp, tăng dần, phát triển và lùi lại, tất cả đều diễn ra trong quãng thời gian rất ngắn" - ông nói - "Nhưng ca khúc này có điệp khúc rất kết nối. Khi nó xuất hiện, nó mang sức mạnh riêng của nó. Hợp âm bí mật và chuyện "tôi hiểu bạn hơn cả bạn hiểu chính mình" của ca khúc tạo nên rất nhiều cộng hưởng nơi tôi".

Và khi Cohen qua đời vào năm 2016, Dylan đã một lần nữa cover ca khúc Hallelujah của Cohen để vinh danh thần tượng.

Khi Dylan giành giải Nobel Văn học, Cohen đã nói chiến thắng này "giống như việc gắn huy chương lên đỉnh Everest, vì bản thân ông ấy đã là ngọn núi cao nhất".

Hai đỉnh Everest

Ngược lại, Leonard Cohen cũng chưa bao giờ ngần ngại thể hiện sự ngưỡng mộ của mình đối với Bob Dylan. Khi Dylan giành giải Nobel Văn học, Cohen đã nói chiến thắng này "giống như việc gắn huy chương lên đỉnh Everest, vì bản thân ông ấy đã là ngọn núi cao nhất".

Dù thường bị so sánh với nhau, không có sự cạnh tranh nào giữa 2 người. Họ chỉ đơn giản là vui vẻ thưởng thức âm nhạc của nhau.

Leonard Cohen nói về giải Nobel Văn học của Bob Dylan

Cohen thích nhiều sáng tác của Dylan, đặc biệt là Brownsville Girl - vốn dài và khó hiểu. Ca khúc dài hơn 10 phút này cho thấy Dylan là một thiên tài như thế nào khi sáng tác những bản nhạc thú vị với cách tiếp cận giống như tiểu thuyết.

Cohen cũng vô cùng kinh ngạc khi chứng kiến Dylan chơi nhạc sống, coi đó như một trải nghiệm phi thường. Dù danh mục biểu diễn luôn thay đổi khó lường khiến một số người không hài lòng, những người đã tham dự các buổi biểu diễn của Dylan đều thấy ông là một trong những nhạc sĩ thú vị nhất hiện nay.

Leonard Cohen - "Thiên tài" âm nhạc duy nhất trong mắt Bob Dylan - Ảnh 5.

Gai góc và rất nổi tiếng, nhưng Bob Dylan không tiếc lời ca ngợi Leonard Cohen

Có thể, dù nhiều người không hiểu được phần lớn các ca khúc trong buổi diễn, Dylan vẫn biết cách thiết lập mối liên hệ với khán giả, khiến họ cảm thấy mình là 1 phần của điều gì đó lớn lao hơn.

"Có điều gì đó ở đấy. Nó là sự tôn vinh với một thiên tài hiển nhiên, người đã chạm đến trái tim mọi người một cách sâu sắc" - Cohen bình luận.

Đúng là những đỉnh cao! Họ đã vượt qua những so sánh đời thường để có thể thoải mái ca ngợi nhau. Và họ có thể viết về những chủ đề khác nhau, với thời gian viết khác xa nhau, nhưng ca từ của họ cuối cùng đều tạo ra kết nối sâu sắc với người nghe. Họ đã nhìn thế giới và phản ánh những gì đang diễn ra một cách đúng đắn và đẹp đẽ.

Không ai công nhận tài năng của họ nhiều hơn họ công nhận lẫn nhau. Điều này đã dẫn đến một tình bạn vĩ đại trong lịch sử âm nhạc và cũng là cơ hội để người nghe có thể hiểu rõ những tác phẩm của họ hơn. Bởi ai hiểu rõ thiên tài hơn chính các thiên tài?

Đôi nét về Leonard Cohen

Leonard Norman Cohen (21/9/1934 - 7/11/2016) là nhạc sĩ, ca sĩ, nhà thơ và tiểu thuyết gia người Canada. Các chủ đề thường được khám phá trong tác phẩm của ông bao gồm đức tin và cái chết, sự cô lập và trầm cảm, sự phản bội và sự cứu chuộc, xung đột xã hội, tình yêu lãng mạn và tình dục, ham muốn, sự hối tiếc và mất mát.

Ông đã được ghi danh vào Đại sảnh Danh vọng Âm nhạc Canada, Đại sảnh Danh vọng Nhạc sĩ Canada và Đại sảnh Danh vọng Rock and Roll. Ông đã được trao huân chương dân sự cao nhất của Canada. Năm 2011, ông được trao giải Hoàng tử xứ Asturias cho văn học và giải thưởng Glenn Gould về nghệ thuật.

Cohen bắt đầu sự nghiệp với tư cách là nhà thơ và tiểu thuyết gia, trong những năm 1950 và đầu những năm 1960. Mãi đến năm 1966, ông mới rẽ sang âm nhạc và nhanh chóng gây tiếng vang.

Sự kết hợp giữa thơ ca, tiểu thuyết và âm nhạc đã đưa ông "vượt qua ranh giới nghệ thuật khó nắm bắt", theo Viện Hàn lâm Thơ Mỹ. Còn theo nhà phê bình A. O. Scott: "Cohen không phải là người mang đến sự an ủi. Tài năng của ông với tư cách là 1 nhạc sĩ và nghệ sĩ biểu diễn chính là đưa ra những bình luận và sự đồng hành giữa u ám, đưa ra 1 góc nhìn châm biếm, cởi mở về những câu đố quanh tình trạng con người".

Dan Geller và Dayna Goldfine, những người đứng sau bộ phim tài liệu năm 2022 Hallelujah: Leonard Cohen, A Journey, A Song, thừa nhận rằng Cohen ban đầu được coi là 1 "quái vật của sự u ám"; nhưng Goldfine miêu tả Cohen là "1 trong những gã hài hước nhất từng thấy" còn Geller cảm thấy "gần như mọi thứ Cohen nói đều xuất phát từ ánh mắt lấp lánh".

Năm 2023, tạp chí Rolling Stone xếp Cohen ở vị trí thứ 103 trong danh sách 200 ca sĩ vĩ đại nhất mọi thời đại.

Thư Vĩ (tổng hợp)

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›