LHP quốc tế TP.HCM: Đúng 'điểm rơi phong độ' của điện ảnh Việt Nam

Thứ Hai, 08/04/2024 07:16 GMT+7

Google News

"Vui vì TP.HCM đã có được LHP quốc tế lần đầu tiên". Đây không chỉ là ý kiến của diễn viên Hồng Ánh (thành viên BGK), mà còn được nhiều người trong giới làm phim tán thành, chia sẻ. Liên hoan phim (LHP) quốc tế TP.HCM lần 1 - 2024 diễn ra tại nhiều địa điểm tại TP.HCM từ 6 đến 13/4.

Vậy là sau Hà Nội (từ năm 2010) và Đà Nẵng (2023), TP.HCM cũng đã có được LHP quốc tế. Ngay lần đầu, LHP này đã nhận được hơn 400 phim dự thi, gần 90 bộ phim từ nhiều nước được trình chiếu, 87 kịch bản tham gia Vườn ươm kịch bản Việt (VietScript Lab), 56 dự án tham gia Chợ dự án (Project Market)...

Kỳ vọng từ lâu

Trong bài phát biểu khai mạc của ông Dương Anh Đức (Phó chủ tịch UBND TP.HCM, Trưởng ban chỉ đạo LHP quốc tế TP.HCM - HIFF 2024), có đoạn: "TP.HCM được xem là thị trường sản xuất và phát hành phim của cả nước, với số lượng nhà làm phim hùng hậu và số lượng phim rất lớn hàng năm, rất đa dạng, phong phú và nhiều thể loại. UBND TP.HCM đã ban hành đề án về chiến lược phát triển ngành công nghiệp văn hóa TP.HCM đến năm 2030. Trong đó, ngành công nghiệp điện ảnh được xác định là một trong tám ngành trọng điểm, có tốc độ phát triển trung bình 12% một năm, đạt trên 5.000 tỷ đồng, trong đó phim Việt Nam đạt khoảng 30% doanh thu".

LHP quốc tế TP.HCM: Đúng 'điểm rơi phong độ' của điện ảnh Việt Nam - Ảnh 1.

Phó Giám đốc Sở VH&TT TP.HCM Nguyễn Thị Thanh Thúy và Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh Nguyễn Thị Thu Hà (thứ 5 và 6, từ trái sang) tặng hoa cho Ban giám khảo. Ảnh: Nhật Nam

Còn diễn viên Hồng Ánh, thành viên BGK, thì cho rằng: "TP.HCM là nơi có thị trường điện ảnh sôi động nhất cả nước, đáng lẽ phải có LHP quốc tế từ lâu rồi. Giờ mới có, tuy hơi muộn, nhưng vẫn rất lấy làm vui, vì nó quá thiết thực và hữu ích, đặc biệt là với các nhà làm phim trẻ trong nước, vốn chưa có nhiều dịp để tham dự các LHP ở nước ngoài".

"Lần đầu tổ chức, vì nhân lực tài lực còn khá mỏng, đáng lý nên làm chừng 4 ngày là vừa phải, kéo dài quá cũng tội cho BTC và các ê-kíp thực hiện, các tình nguyện viên", Hồng Ánh chia sẻ.

Đạo diễn Charlie Nguyễn nhận định: "Hollywood ở Los Angeles là trung tâm sản xuất phim của Mỹ, cho nên Los Angeles có khá nhiều LHP khác nhau là rất tự nhiên, vì hầu hết người trong nghề đều tập trung ở đó. Tương tự, TP.HCM là trung tâm sản xuất của điện ảnh Việt Nam, đồng thời cũng là thành phố có đông đảo khán giả điện ảnh nhất nước, nên HIFF 2024 rất thuận tiện về mặt địa điểm cho mọi người trong ngành và khán giả yêu điện ảnh tham dự, mà không phải đi xa".

LHP quốc tế TP.HCM: Đúng 'điểm rơi phong độ' của điện ảnh Việt Nam - Ảnh 2.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi (thứ 3, từ trái sang) và Thứ trưởng Bộ VH, TT&DL Tạ Quang Đông (ngoài cùng, bên phải) tặng hoa cho Chủ tịch danh dự và Giám đốc nghệ thuật HIFF 2024. Ảnh: T.T.D

Nhà phê bình điện ảnh Lê Hồng Lâm khá hào hứng: "HIFF 2024 đã khai hội trong không khí tưng bừng, náo nhiệt. Dù muộn, nhưng cuối cùng nó cũng đã diễn ra, đúng ngay "điểm rơi phong độ" khi điện ảnh Việt Nam đang có nhiều khởi sắc và tín hiệu tươi sáng, từ cả doanh thu phòng vé lẫn sự xuất hiện của một thế hệ các nhà làm phim trẻ. Ngay trong đêm khai mạc, tôi cũng thấy được nguồn năng lượng đó".

Theo anh, từ nay cho đến đêm bế mạc 13/4, các tín đồ của điện ảnh tha hồ mà trải nghiệm, thưởng thức một lễ hội điện ảnh quốc tế đúng nghĩa, từ các hội thảo, các thảo luận mang tính chuyên môn cho giới làm phim đến những bộ phim hay được tuyển chọn để dự thi, để trình chiếu trong suốt một tuần.

Thúc đẩy, điều chỉnh việc phát triển điện ảnh

HIFF 2024 có 3 hạng mục tranh giải chính: phim Đông Nam Á; phim đầu tay hoặc phim thứ hai; phim ngắn. Giải thưởng chính gồm: Giải Sao vàng (Golden Star) dành cho hạng mục phim Đông Nam Á xuất sắc nhất; Giải Nhà làm phim trẻ xuất sắc nhất (Best Emerging Director); Giải Phim ngắn xuất sắc nhất…

Vì quy định chung của các LHP quốc tế là không chấp nhận các phim đã công chiếu dự thi, nên HIFF 2024 không có phim dài nào của Việt Nam. Mới nghe, cũng thấy hơi kỳ lạ, vì LHP quốc tế diễn ra tại TP.HCM, mà chẳng có phim Việt Nam tranh giải. Nhưng theo ông Phạm Minh Toàn (Giám đốc điều hành HIFF 2024) thì 2-3 kỳ đầu tiên chủ nhà TP.HCM phải chấp nhận điều này, để dần dần tác động, khích lệ các nhà sản xuất điều chỉnh thời điểm phát hành, để làm sao có thể tham dự được HIFF.

LHP quốc tế TP.HCM: Đúng 'điểm rơi phong độ' của điện ảnh Việt Nam - Ảnh 3.

Đoàn của Thái Lan đến dự từ sớm. Ảnh: T.T.D

Đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn (Giám đốc nghệ thuật của HIFF 2024) cho rằng, việc không có phim Việt Nam tranh giải ở hạng mục Phim Đông Nam Á là rất đáng tiếc, nhưng muốn hòa nhập quốc tế thì phải chấp nhận luật chơi chung. Ban giám khảo mà ngồi chấm các phim đã công chiếu thì giảm sút đáng kể sự công tâm, sự tươi mới. Ông khẳng định: "Tổ chức được nhiều LHP quốc tế chất lượng, hẳn nhiên sẽ giúp thúc đẩy, điều chỉnh việc phát triển điện ảnh nước nhà, nên có thiệt thòi một chút, cũng không sao".

Bàn về tác động của HIFF 2024, đạo diễn Phan Gia Nhật Linh nói: "Niềm vui của mình chính là nhìn thấy những cơ hội mới dành cho các bạn nhà làm phim trẻ, là những cảm hứng khi trò chuyện với những nhà làm phim quốc tế, và nhiều nhà làm phim quốc tế đến đây lần đầu tiên và tận mắt thấy Việt Nam hôm nay tuyệt vời như thế nào".

Ngoài các nền điện ảnh đã khá quen thuộc trên màn ảnh rộng như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Pháp..., HIFF 2024 cũng lập cầu nối đến các nền điện ảnh như Mông Cổ, Bồ Đào Nha, Ả Rập và nhiều nước Đông Nam Á.

HIFF 2024 còn có hai hạng mục đặc trưng của nước chủ nhà, đó là Chương trình phim Việt Nam toàn cảnh và Phim TP.HCM, giới thiệu những bộ phim đặc sắc, được khán giá trong nước yêu thích, hoặc được quốc tế chú ý.

Cũng như các LHP quốc tế khác, ở khía cạnh nhà nghề và nhận thức điện ảnh, thì các hội thảo, thảo luận chuyên sâu rất quan trọng. Ngày 7/4 là Hội nghị phát triển điện ảnh TP.HCM; ngày 8/4 là các hội thảo Tương lai của điện ảnh Đông Nam Á, LHP và quỹ quốc tế: Cách tiếp cận và chiến lược; ngày 9/4 là các hội thảo Xu hướng và công nghệ làm phim mới, Hoạt hình Việt Nam và cơ hội thị trường toàn cầu.

Thị trường phòng vé lớn thứ hai Đông Nam Á

Sáng 7/4, tại Hội nghị phát triển điện ảnh TP.HCM, theo số liệu từ BHD, Indonesia là nước có doanh thu phòng vé cao nhất Đông Nam Á năm 2023, với hơn 114 triệu vé, tương ứng với khoảng gần 325 triệu USD. Việt Nam là nước đứng thứ 2, gần 3.700 tỷ đồng, tương ứng 150 triệu USD.

Văn Bảy

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›