LHP quốc tế và cơ hội cho công nghiệp điện ảnh TP.HCM

Thứ Tư, 10/04/2024 07:20 GMT+7

Google News

Mấy ngày qua, bên cạnh các hoạt động chiếu phim, giao lưu đoàn phim và khán giả, thì các thảo luận, hội thảo cũng là hoạt động được giới nhà nghề chú ý tại Liên hoan phim (LHP) quốc tế TP.HCM lần thứ nhất (HIFF 2024). Ở khía cạnh xây dựng công nghiệp điện ảnh, HIFF 2024 cũng đưa ra được vài gợi ý, vài vấn đề chính yếu.

Thẳng thắn nhìn nhận thì các thảo luận, hội thảo chưa được tập trung, nhưng là một gợi ý, một trải nghiệm đáng quý để các kỳ HIFF tiếp theo sẽ hiệu quả cao hơn nữa. Chủ tịch danh dự HIFF 2024 là Kim Dong Ho chia sẻ rằng: Vì khái niệm công nghiệp điện ảnh quá rộng, dễ tạo cảm giác khó nắm bắt, chứ thật ra, gom lại cũng chỉ là kiếm tiền để làm phim và làm phim để kiếm tiền, nhìn theo nghĩa rộng của làm phim và kiếm tiền.

"Trong đà tăng trưởng về nhiều mặt, đặc biệt là cơ sở hạ tầng, nhân sự và doanh thu phim ảnh, TP.HCM đã đến lúc bước chân thật sự vào công nghiệp điện ảnh, mà các hoạt động như HIFF 2024 là một nhận diện quan trọng" - Kim Dong Ho khẳng định.

LHP quốc tế và cơ hội cho công nghiệp điện ảnh TP.HCM - Ảnh 1.

Thảo luận về sở hữu trí tuệ với công nghiệp điện ảnh

Mở rộng thêm khái niệm nhân sự

Theo số liệu năm 2022 của Viện Nghiên cứu phát triển và Cục Thống kê TP.HCM, thì: "Năm 2011, ngành điện ảnh thành phố có 4.235 người, trong đó chủ yếu có trình độ đại học với 1.583 người, 726 lao động có trình độ cao đẳng, cao đẳng nghề, 623 lao động có trình độ trung cấp, trung cấp nghề và có 57 lao động có trình độ trên đại học. Đến năm 2020, tổng số lao động ngành điện ảnh tăng lên 8.499 người, trong đó lao động có trình độ đại học chiếm chủ yếu với 3.210 người; cao đẳng, cao đẳng nghề có 1.211 người".  

Nhưng theo TS Trương Minh Huy Vũ (Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM) thì: "Tuy nhiên, số lượng và chất lượng đội ngũ sáng tác, làm phim đang rất thiếu và nhu cầu về đội ngũ làm phim rất lớn. Với khối lượng phim phải sản xuất hàng năm hiện nay của điện ảnh, đội ngũ nhân lực làm phim, cơ sở vật chất, kỹ thuật hiện có không đủ và cũng chưa có sự chuyển động có tính đột phá trong thời gian tới. Vấn đề đào tạo trở nên rất cấp bách, cần được quan tâm và thực hiện tích cực hơn nữa".

LHP quốc tế và cơ hội cho công nghiệp điện ảnh TP.HCM - Ảnh 2.

Thảo luận về chiến lược phát triển LHP quốc tế

Tại HIFF 2024, nhân sự điện ảnh đã mở rộng khái niệm rất nhiều, nơi mà các nhà môi giới, tiếp thị, phát hành, pháp chế, thậm chí thông dịch… cũng rất quan trọng. Nhiều ý kiến tại các hội thảo đã không được truyền đạt rốt ráo, đúng thuật ngữ, vì người thông dịch không phải là nhà nghề, nên thiếu từ ngữ chuyên dụng. Việc đào tạo, bồi dưỡng các nhân sự này là rất cấp thiết, để tăng hiệu quả chuyên môn và kinh doanh cho các kỳ HIFF tiếp theo.

Cũng theo TS Huy Vũ: "TP.HCM hiện có khoảng 819 cơ sở hoạt động trên lĩnh vực điện ảnh, trong đó chủ yếu thuộc doanh nghiệp tư nhân với 817 cơ sở (chiếm 99,75%). Đây là xu hướng chung trong định hướng xã hội hóa lĩnh vực văn hóa, nhưng thành phố chưa thu hút được sự đầu tư của các tập đoàn giải trí lớn của nước ngoài trong hợp tác phát triển thị trường điện ảnh".

"Quy mô lao động còn nhỏ, các cơ sở dưới 10 lao động chiếm trên 86,57%, cơ sở trên 200 lao động chỉ chiếm 0,49%. Quy mô vốn đầu tư của các doanh nghiệp trong ngành điện ảnh đa số dưới hoặc bằng 100 tỷ đồng, chiếm 98,04%, doanh nghiệp có quy mô vốn trên 100 tỷ đồng chỉ chiếm 1,95% trên tổng số cơ sở điện ảnh". 

LHP quốc tế và cơ hội cho công nghiệp điện ảnh TP.HCM - Ảnh 3.

Thảo luận về phát hành phim

Thời điểm của nền điện ảnh

Ông Kim Dong Ho cho rằng cần xem xét lại thời điểm tổ chức, xem thử HIFF có phải là cột mốc phát hành của nhiều phim mới và bắt đầu của các làn sóng khách du lịch quốc tế đến với TP.HCM chưa? Nếu chưa đúng thì cần điều chỉnh, nếu đúng, thì phải tạo được sự liên kết rộng rãi hơn, hiệu quả hơn đến từng khách sạn ở trong bán kính lý tưởng của HIFF.

Ông Jeremy Segay (Tùy viên nghe nhìn khu vực Đông Nam Á, Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam) cũng cho rằng làm sao để thời điểm tổ chức HIFF là cơ hội thu nhập, quyền lợi và trách nhiệm của nhiều tổ chức tư nhân và nhà nước, chứ không riêng gì của HIFF.

LHP quốc tế và cơ hội cho công nghiệp điện ảnh TP.HCM - Ảnh 4.

Workshop điện ảnh và giới trẻ tại cụm rạp của BHD

TP.HCM đã xác định 8 ngành công nghiệp văn hóa, gồm: Điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm, quảng cáo, du lịch văn hóa và thời trang. NSND Thanh Thúy (Phó GĐ Sở VH&TT TP.HCM) chia sẻ: "Ở lĩnh vực điện ảnh, thành phố hiện có 873 trên tổng số 17.670 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực văn hóa. Tuy nhiên, khi xét về giá trị sản xuất của các ngành công nghiệp văn hóa, tính đến năm 2020 (năm cuối có thống kê), lĩnh vực điện ảnh đạt 3.367 tỷ đồng (trên tổng số 36.732 tỷ đồng của các ngành văn hóa), xếp sau quảng cáo, triển lãm, nhưng cao gấp nhiều lần các lĩnh vực du lịch văn hóa, mỹ thuật, nhiếp ảnh".

Doanh thu ngành điện ảnh năm 2010 đạt 3.823 tỷ đồng, đến năm 2015 tăng lên 6.017 tỷ đồng và năm 2020 chỉ đạt 6.733 tỷ đồng. Trong đó doanh thu chủ yếu thuộc doanh nghiệp ngoài nhà nước chiếm 67%, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chỉ chiếm khoảng 1,2% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động, nhưng doanh thu lại chiếm đến 32,63%. Vì vậy, muốn xây dựng được công nghiệp điện ảnh hiệu quả hơn, thì phải có đối sách hiệu quả trong việc liên minh với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài để tạo hiệu quả.

Theo Đề án Phát triển ngành công nghiệp văn hóa TP.HCM đến năm 2030 thì tổng nhu cầu vốn phát triển ngành công nghiệp văn hóa TP.HCM là 14.668 tỷ đồng. TS Huy Vũ và ông Jeremy Segay nói rằng đừng để công nghiệp điện ảnh đứng ngoài chuyện này, nên phải xây dựng được nhiều nhịp cầu để nhà nước và tư nhân cùng làm, cùng phát triển. 

Văn Bảy

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›