Sáng 22/11, tại TP. Đà Lạt, trong khuôn khổ Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ XXIII diễn Hội thảo "Bảo hộ bản quyền trong phát triển công nghiệp điện ảnh".
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Đoàn Văn Việt – Thứ trưởng Bộ VHTTDL – khẳng định: "Việc bảo hộ bản quyền đã và đang từng bước khẳng định vị thế và vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ, thúc đẩy các ngành công nghiệp dựa vào bản quyền phát triển theo hướng hiệu quả, bền vững, góp phần đẩy nhanh công cuộc phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội tại các quốc gia. Theo số liệu khảo sát của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), các ngành công nghiệp dựa vào bản quyền, trong đó có công nghiệp điện ảnh, đã đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế tại các quốc gia phát triển (như: Hoa Kỳ, 12% GDP; Hàn Quốc, 9,89% GDP...) cũng như các nước đang phát triển (như Trung Quốc, 7,35% GDP; Malaysia là 5,7% GDP; Thái Lan, 4,48% GDP...).
Tại Việt Nam, ngành công nghiệp điện ảnh trong giai đoạn từ năm 2018-2022 đã có xu hướng tăng trưởng mạnh mẽ, giá trị sản xuất bình quân tăng 8,03%/năm, giá trị gia tăng đóng góp vào nền kinh tế bình quân tăng 7,94%/năm, cùng đó nguồn lực lao động tăng 8,05% và số lượng cơ sở kinh tế hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh tăng 8,39%. Doanh thu điện ảnh chiếu rạp trong năm 2018 đạt khoảng 3,4 nghìn tỷ đồng (khoảng 145 triệu USD) và đạt trên 4,1 nghìn tỷ đồng (khoảng 178 triệu USD) vào năm 2019, vượt mức 16% mục tiêu đề ra là đạt 150 triệu USD vào năm 2020 tại Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030...".
Trong thời đại ngày nay, việc khai thác cũng như bảo hộ bản quyền tác phẩm điện ảnh có vai trò hết sức quan trọng. Về điều này, ông Đoàn Văn Việt cũng nhấn mạnh: "Môi trường số đã và đang đặt ra nhiều thách thức trong việc tự bảo vệ quyền của các chủ thể và hoạt động của các cơ quan quản lý, thực thi về quyền tác giả, quyền liên quan. Nhằm khuyến khích sáng tạo, tăng cường hoạt động thu hút đầu tư; nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về bản quyền của các cấp các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong việc thúc đẩy các hoạt động sáng tạo và bảo hộ thành quả sáng tạo; xác định những khó khăn, vướng mắc và đề xuất các giải pháp trong quá trình triển khai thực hiện việc bảo hộ bản quyền; từng bước ngày càng hoàn thiện hành lang pháp lý về quyền tác, quyền liên quan, việc tổ chức Hội thảo "Bảo hộ bản quyền trong phát triển công nghiệp điện ảnh" là cần thiết và có ý nghĩa quan trọng".
Trong khuôn khổ cuộc hội thảo, bà Sylvie Forbin – Phó TGĐ lĩnh vực bản quyền và công nghiệp sáng tạo, Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO) - cũng gửi tới clip trực tuyến. Bà Sylvie Forbin cho rằng: "Giống như các lĩnh vực sáng tạo khác, ngành công nghiệp điện ảnh phải đối mặt với nhiều thách thức. Nó trải qua những thay đổi to lớn và nhanh chóng trong những năm gần đây. Phim có thể được xem ở hầu hết mọi nơi, trên mọi thiết bị và bất kỳ thời điểm nào. Phim có thể tiếp cận trực tiếp bởi khán giả thông qua điện thoại thông minh, hiện đã trở thành một trong những phương tiện truyền thông hàng đầu để tiêu dùng dịch vụ phim giải trí…
Để lĩnh vực nghe nhìn trở thành một ngành công nghiệp cần có những nỗ lực nghiêm túc. Chúng ta đều biết rằng thành công của một bộ phim không thể đoàn trước được. Tuy nhiên, để làm một bộ phim, luôn cần có sự hỗ trợ tài chính từ các nguồn công hoặc tư nhân. Để có những khoản đầu tư đó sinh lời, ngoài các phương tiện truyền thống: rạp chiếu phim và chương trình phát sóng, các loại hình mới như nền tảng video theo yêu cầu và phát trực tuyến ngày nay càng trở nên quan trọng. Những kênh truyền thông mới này tạo cơ hội mới dễ dàng hơn cho các bộ phim được trình chiếu trong nước cũng như quốc tế…".
Tuy nhiên, những cơ hội mới trong phổ biến, phát hành tác phẩm điện ảnh hiện nay, nhất là trong môi trường internet ngày càng phát triển thì vấn đề bảo hộ bản quyền điện ảnh càng trở nên bức thiết hơn nữa.
Cũng bàn về bản quyền trong phát triển công nghiệp điện ảnh, Ths Phạm Thị Kim Oanh – Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả - Bộ VHTTDL – cho biết: Internet tạo điều kiện cho người dùng có thể truy cập, sử dụng thậm chí kinh doanh trái phép các tác phẩm này mà không trả tiền sử dụng, gây thiệt hại cho chủ sở hữu quyền tác giả.
Vì thế, không chỉ bà Kim Oanh mà nhiều nghệ sĩ, nhà quản lý điện ảnh cũng đề xuất nhiều giải pháp để bảo hộ bản quyền tác phẩm điện ảnh trong môi trường số hiện này.
Cùng với cuộc Hội thảo này, Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ XXIII tiếp tục diễn ra tại TP. Đà Lạt với các hoạt động: Hội thảo "Một số vấn đề trọng tâm trong xây dựng công nghiệp điện ảnh Việt Nam" (ngày 23/11); chương trình giao lưu giữa nghệ sỹ điện ảnh và khán giả ngày 22- 23/11 tại Trường Đại học Đà Lạt và Trường Trung học Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Lâm Đồng cùng các buổi chiếu phim và ra mắt đoàn phim tại các cụm rạp.
Tags