Liên hợp quốc (LHQ) đã đưa ra dự báo rằng khu vực Mỹ Latinh và Caribe sẽ phải đối mặt với ngày càng nhiều đợt nắng nóng, lũ lụt, hạn hán và bão trong ít nhất 4 thập kỷ tới và thúc giục các chính phủ trong khu vực thiết lập hệ thống cảnh báo sớm.
Báo cáo của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO), cơ quan chuyên môn của LHQ, trình bày tại Công ước Quốc tế về Môi trường và Phát triển lần thứ XIV đang diễn ra ở La Habana (Cuba) chỉ rõ các hiện tượng thời tiết cực đoan và những cú sốc khí hậu đang trở nên tồi tệ hơn trong khu vực.
Hạn hán, lốc xoáy, sông băng tan chảy và cháy rừng đang trở nên tồi tệ hơn ở Mỹ Latinh và Caribe, thúc đẩy một "vòng luẩn quẩn" làm tăng tốc độ nóng lên toàn cầu ở một khu vực đặc biệt dễ bị tổn thương trước khủng hoảng khí hậu này. Theo ghi nhận của WMO, nhiệt độ trong khu vực đã tăng trung bình 0,2 độ C mỗi thập kỷ trong 30 năm qua, tỷ lệ cao nhất được ghi nhận trên toàn cầu.
Khủng hoảng khí hậu và gần đây là hiện tượng La Niña đang khiến hạn hán kéo dài, dẫn đến giảm sản lượng thủy điện và tăng sử dụng nhiên liệu hóa thạch, thu hoạch kém hơn và cháy rừng "chưa từng có", sông băng tan chảy và bão lũ gây ra thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Bên cạnh đó, mực nước biển dâng cao và các đại dương nóng lên gây ra rủi ro ngày càng tăng đối với sinh kế, hệ sinh thái và nền kinh tế vùng ven biển.
Trong năm 2022, WMO đã ghi nhận 78 hiện tượng thời tiết cực đoan, chủ yếu là bão và lũ lụt, khiến 1.153 người thiệt mạng và gây ra thiệt hại kinh tế trị giá ít nhất 9 tỷ USD.
Tổng thư ký WMO Petteri Taalas kêu gọi các quốc gia Mỹ Latinh và Caribe nên nhận thức rõ hơn về các rủi ro liên quan đến khí hậu và chính phủ các nước trong khu vực nên thực hiện các biện pháp củng cố hệ thống cảnh báo sớm, trong bối cảnh "chỉ một phần nhỏ" các quốc gia trong khu vực có công nghệ phù hợp trong lĩnh vực này.
Tổng thư ký WMO tuyên bố "gần như chắc chắn" rằng kỷ lục nhiệt độ toàn cầu sẽ bị phá vỡ trong 5 năm tới. Để giảm thiểu tác động của khủng hoảng khí hậu, ông Taalas ủng hộ ngừng sử dụng nhiên liệu hóa thạch và chặt phá rừng Amazon, hai vấn đề làm tăng CO2 trong khí quyển, một trong những nguyên nhân chính gây ra hiện tượng nóng lên toàn cầu.
Tags