Lịch sử hãi hùng về một trong 'tứ khoái' của loài người

Thứ Năm, 29/10/2015 15:22 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Nước Anh được cả thế giới biết ơn vì đã sinh ra nghệ thuật túc cầu, nhưng trong niềm phấn khích tột độ ấy người ta quên cảm ơn xứ sở sương mù vì một sản phẩm nữa, không kém phần quan trọng, mà thực ra phải gọi là quan trọng hơn nhiều mới đúng: một trong tứ khoái ở tầm hiện đại.

Đế chế La Mã hùng cường

… không chỉ có quân đội chinh phạt láng giềng, đã biết cách tống khứ các chất thải sinh hoạt bằng dòng nước chảy và có lẽ đi đầu nhân loại bằng những nhà vệ sinh công cộng. Gần đây người ta khai quật được một nhà vệ sinh công cộng với dòng chữ trên tường “Cacator Cave Malum! Aut Si Contempseris, Habeas Jocem Iratum (Chớ có ị ra đường, kẻo mi sẽ chịu sự phẫn nộ của thần Jupiter!)

Thời ấy người ta đã thiết kế ra một hệ thống cống rãnh nhằm dùng sức chảy của sông Tevere tống mọi thứ bẩn thỉu ra khỏi đô thành.   


Văn hóa công cộng đã có từ thời đế chế La Mã: nhà vệ sinh thời Trung cổ ở Libya

Với thoái trào của nền văn minh ấy, nó cuốn theo cả các nhà vệ sinh công cộng và hệ thống mương máng. Ngót một ngàn năm sau đó, người dân vô tư giải quyết nỗi buồn ngay vệ đường, và sáng dậy thì mở cửa sổ đổ bô ra phố. Ở Pháp có quy định, trước khi đổ phải hô to ba lần “Gardez l’eau“ để người qua đường kịp tránh. Chỉ có nhà giàu mới có những chiếc ghế tựa đục lỗ để đáp ứng nhu cầu tự nhiên đó, ngay cả giữa chỗ đông người.

Lịch sử chép lại năm 1590 là thời điểm người con đỡ đầu của hoàng hậu Elizabeth I. Von England, Sir John Harrington, lần đầu phát minh ra bồn cầu có nước xả.

Nhưng đến khi có tiến bộ kỹ thuật mang tính quyết định thì phải đợi thêm 200 năm nữa: Alexander Cummings, một thợ đồng hồ người London, ngày 3/5/1775 đăng ký bản quyền một phát minh mang tên “Water Closet” mà hôm nay ai cũng biết qua cặp chữ cái viết tắt WC. Chi tiết quan trọng nhất là phần ống xả có hai đoạn uốn cong, lưu giữ một lượng nước khả dĩ ngăn mùi bốc lên.

Giờ thì ta phải hình dung

… rằng ở cái thời hồng hoang của kỹ thuật, mọi thứ đều phát triển chậm chạp. Người ta vẫn tiếp tục hắt bô qua cửa sổ hoặc kê một thanh gỗ (“cầu tõm”) ngang miệng hố chất thải sau vườn.

Các khu dân cư châu Âu tiếp tục hôi hám, và khi quá trình con số các đô thị vào giữa thế kỷ 19 ngày càng tăng thì vấn đề chất thải đã thành một vấn nạn thực sự: nạn dịch tả, thương hàn... liên tục hoành hành trong các khu nhà nghèo chật chội. Người ta chợt nhớ lại hệ thống La Mã ngày xưa và bắt đầu xây dựng các đường ống ngầm chuyên chở nước sinh hoạt và nước thải.

Nhờ vậy mà WC cũng nhanh chóng trở nên thời thượng. Người đem phát minh đó qua lục địa châu Âu cũng không phải dạng vừa: 1860 hoàng hậu Victoria sai lắp một chiếc WC tại lâu đài Ehrenburg thuộc Coburg (Đức). Nghe nói một hậu duệ của bà, Elizabeth II, khi đi thăm viếng các quốc gia láng giềng luôn đem theo một bồn cầu gỗ gụ đỏ xa xỉ. Vua chúa cũng khác người thường mà.

Louis XIV, quen thuộc hơn với danh hiệu Vua Mặt trời của Pháp, cho xây cung điện Versailles vĩ đại với hai ngàn phòng, nhưng… chỉ có một thiết bị vệ sinh duy nhất - cho chính mình. Đó là một chiếc ghế bành lắp kèm bô dưới mặt ghế. Và trong buổi triều yết, giữa đám văn võ bá quan đông đảo vây quanh, nhà vua vẫn vừa bàn quốc gia đại sự vừa điềm nhiên bài tiết.

Mỗi lần vua mở yến tiệc ở Versailles, trung bình đón 10.000 khách, và ai nấy đều không có lựa chọn nào khác, ngoài cung cấp dinh dưỡng cho cây cối trong vườn thượng uyển của vua. Một ghi chép từ năm 1764 cho biết “vào công viên và vườn hoa trong lâu đài mà muốn ói“.

Cách mạng tư sản Pháp không chỉ đem lại tự do, bình đẳng và bác ái, mà cả ý thức vệ sinh chung: Thủ đô Paris được xây 8 nhà vệ sinh công cộng.     


Di tích văn hóa: tiệm cà phê Bát giác ở Berlin - tên gọi cho một nhà vệ sinh công cộng ra đời 1878

Năm 1852

… cho đến nay vẫn nghiễm nhiên được coi là năm sinh của WC. Ngày ấy Sở Thị chính London quyết định xây một loạt nhà vệ sinh công cộng để ngăn ngừa bệnh dịch, ở giữa phố Fleet Street, cũng là nơi tập trung nhiều tòa báo nhất. Các phóng viên rảnh việc lập tức đua nhau lăng-xê mọi chi tiết của buổi lễ khai trương, khiến chẳng mấy chốc cả thế giới đều ngửi được, xin lỗi, biết được.

Vậy là năm nay người Anh đón chào sinh nhật thứ 163 của bồn cầu, và thế giới cũng rộng lòng không gây tranh chấp làm gì. Chứ thực ra từ ngàn xưa La Mã đã nổi tiếng bởi những nhà vệ sinh công cộng hoành tráng, nơi người ta gặp nhau bàn công chuyện, hoặc thậm chí, như thi nhân Martial kể lại, ca hát và ngâm thơ!

Khi nhà sở hữu tư nhân ngày càng nhiều và mỗi nhà có một WC thì nhà vệ sinh công cộng ngày càng ít được coi trọng. 2002 Hiệp hội Nhà vệ sinh Anh (British Toilet Association) gióng lên hồi chuông báo động: trong 8 năm trước đó, 47% nhà vệ sinh công cộng ở Anh bị đóng cửa. Trong cảm nhận của người dân, đó là những nơi hôi hám bẩn thỉu hay tụ điểm của những phần tử đáng ngờ.

Bill Gates, ông vua Microsoft

…  đưa một cái nhìn không hẳn mới, nhưng vẫn hoàn toàn thời sự. Vấn đề nhà vệ sinh, theo vợ chồng Bill và Melinda Gates thuộc quỹ cùng tên, là một nguy cơ lớn đối với sức khỏe con người ở các quốc gia đang phát triển. Như đã tuyên bố ở Hội nghị AfricaSan trên đất Rwanda, họ và các đối tác cấp 42 triệu USD để thiết kế nhà vệ sinh tân tiến cho các nước thuộc thế giới thứ ba. Mỗi năm 1,5 triệu trẻ em chết vì tiêu chảy, những cái chết vô lý, nếu có nước sạch và nhà vệ sinh đúng cách.

Theo Liên Hiệp Quốc, có đến 50% lượng người nhập viện ở các nước đang phát triển vì mấy lý do nêu trên. Các chuyên gia đã tính, mỗi dollar chi cho nhà vệ sinh sẽ được nhân lên 9 lần nhờ sức sản xuất được cải thiện và chi phí y tế được giảm thiểu.

“Phát minh ra WC là một cuộc cách mạng”, Sylvia Mathews Burwel, chủ chương trình phát triển của Quỹ Gates nói. Không phát minh nào cứu được nhiều mạng sống hơn và cải thiện sức khỏe con người như thế.

Tuy nhiên hôm nay vẫn có khoảng 2,6 tỷ người không tiếp cận được nhà vệ sinh sạch sẽ, và hơn một tỷ nữa chỉ biết gửi gắm tất thảy vào thiên nhiên. Ấn Độ, đất nước đông dân nhất nhì thế giới, là nơi tìm mua một chiếc smartphone còn dễ hơn tìm ra WC.

Lê Quang
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›