20/05/2021 14:55 GMT+7 | Thế giới
(Thethaovanhoa.vn) - Chảo lửa Trung Đông vẫn nóng lên từng ngày sau hơn một tuần qua với những đợt nã pháo không khoan nhượng giữa lực lượng Israel và phong trào Hamas ở Dải Gaza.
Con số người thương vong trong những ngày qua đã lên tới hàng trăm người. Nếu các cuộc đụng độ này không được ngăn chặn, nó có thể lan sang toàn khu vực Trung Đông và các vấn đề an ninh khác của khu vực.
Lịch sử xung đột giữa Israel và phong trào Hamas
Trong lịch sử của mảnh đất Gaza, mặc dù về danh nghĩa quân đội Israel đã rút khỏi Dải Gaza từ năm 2005, nhưng sự chiếm đóng của Nhà nước Do thái đối với vùng đất này chưa bao giờ kết thúc.
Dải Gaza là một dải đất hẹp ở ven biển dọc theo Địa Trung Hải, có biên giới trên bộ với Ai Cập ở phía Tây Nam và Israel ở phía Bắc và phía Đông, và về mặt pháp lý không được quốc tế công nhận là một phần của bất kỳ quốc gia có chủ quyền nào. Tên của nó được đặt theo tên thành phố chính Gaza. Trước năm 1967, Gaza do Ai Cập nắm giữ. Nhưng sau cuộc chiến tranh Arab-Israel năm 1967, vùng đất này thuộc về tay Israel và Gaza nằm dưới quyền kiểm soát của Israel kể từ khi đó.
Cuối năm 2005, Israel tuyên bố hoàn thành việc di dời khu định cư Do Thái khỏi Dải Gaza, theo tinh thần của Hiệp định Oslo năm 1993. Theo hiệp định, phía Palestine đồng ý công nhận Israel, đổi lại, phía nhà nước Do Thái phải bắt đầu tiến hành rút quân khỏi các khu vực chiếm đóng ở Bờ Tây và Dải Gaza trong vòng 5 năm để tạo điều kiện cho việc thành lập nhà nước Palestine độc lập. Vào thời điểm đó, Hiệp định này được coi là một bước đột phá tích cực trong tiến trình hòa bình Trung Đông.
Sau đó, Dải Gaza thuộc quyền tài phán của chính quyền Palestine và họ cũng kiểm soát biên giới của Dải Gaza với Ai Cập, còn Israel vẫn giữ quyền kiểm soát không phận và đường bờ biển. Tuy nhiên, tháng 6/2006, khi Phong trào Hồi giáo vũ trang Hamas (giành chiến thắng trong cuộc bầu cử quốc hội Palestine hồi tháng 1/2006) đã nắm trọn quyền kiểm soát Dải Gaza. Và kể từ lúc này, Israel lại bắt đầu gia tăng sức ép bao vây kinh tế, hạn chế tiếp lương thực, thuốc men; đồng thời tăng cường hành động bạo lực nhằm vào thường dân Palestine ở Dải Gaza với ý định đánh bật Hamas ra khỏi đây. Nhưng việc dùng bạo lực đó dường như đã phản tác dụng.
Hamas, trong lịch sử, là cánh vũ trang mạnh nhất Palestine, luôn sử dụng sức mạnh của mình để tìm kiếm ảnh hưởng trên chính trường Palestine cũng như khu vực và thường xuyên đối đầu với Fatah-cánh chính trị lớn nhất của Palestine. Mục tiêu của Hamas là thành lập một nhà nước Hồi giáo của người Palestine trên vùng lãnh thổ được hoạch định trước năm 1948. Để thực hiện mục tiêu đó, phong trào này xác định con đường duy nhất là đấu tranh bằng bạo lực, do đó Hamas khước từ mọi giải pháp hòa bình, không công nhận nhà nước Israel.
Kể từ khi Hamas nắm quyền kiểm soát Dải Gaza năm 2006, thứ ngôn ngữ mà Israel và Hamas sử dụng không phải là trên bàn đàm phán mà thực tế là các cuộc “trao đi đổi lại” bằng rocket và súng đạn. Ngoài ra, Israel còn dùng gọng kìm kinh tế để cô lập Hamas. Và cuối cùng, hứng chịu hậu quả chính là những thường dân vô tội ở Dải Gaza.
Cuối năm 2008-đầu năm 2009, sau khi rocket dội xuống thị trấn Sderot, miền Nam Israel, quân đội nước này đã phát động một cuộc tấn công quân sự kéo dài 22 ngày ở Dải Gaza. Ước tính đã có khoảng 1.400 người Palestine và 13 người Israel thiệt mạng.
Tháng 11/2012, Nhà nước Do Thái Israel phát động cuộc tấn công vào Dải Gaza để trả đũa các vụ bắn rocket của các tay súng Hamas vào biên giới chung và các thành phố ở miền Nam nước này. Những vụ tấn công này đã khiến hơn 150 người thiệt mạng. Sau đó, nhờ thỏa thuận của Ai Cập đề xuất, Israel và Hamas mới đạt được thỏa thuận ngừng bắn.
Năm 2014, việc Hamas bắt cóc và giết hại 3 thiếu niên Israel, đã dẫn đến một cuộc chiến kéo dài đến 7 tuần khi Israel phát động chiến dịch “Bảo vệ biên giới” nhằm vào lực lượng Hamas ở Dải Gaza, khiến cho hơn 2.100 người Palestine và 73 người Israel thiệt mạng ở Dải Gaza.
Năm 2018, các cuộc biểu tình của người Palestine diễn ra ở biên giới Gaza với Israel và quân đội Israel đã nổ súng khiến cho hơn 170 người Palestine thiệt mạng. Việc này dẫn đến giao tranh giữa Hamas và Israel kéo dài nhiều tháng.
Và lần này, sau nhiều tuần căng thẳng trong tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo, ngày 7/5/2021, cảnh sát Israel đã đụng độ với những người biểu tình Palestine gần Nhà thờ Hồi giáo Al-Aqsa. Sau khi không thành công trong việc yêu cầu Israel rút khỏi lực lượng an ninh khỏi khu phức hợp gần Nhà thờ Hồi giáo Al-Aqsa, từ ngày 10/5/2021, Hamas đã bắn một loạt tên lửa từ Gaza vào Israel. Israel cũng đáp trả lại bằng các cuộc không kích vào Gaza.
Tính đến ngày 19/5, cuộc xung đột leo thang giữa Israel với Phong trào Hamas và các nhóm vũ trang người Palestine tại Gaza đã bước sang ngày thứ 9 mà không có dấu hiệu dịu bớt. Hamas đã nã hơn 3.300 quả rocket sang lãnh thổ Israel, trong khi Lực lượng Phòng vệ Israel đã tiến hành hàng trăm vụ không kích nhằm vào các mục tiêu ở Gaza.
Đến nay, 213 người Palestine đã thiệt mạng và hơn 1.000 người bị thương. Về phía Israel có 12 người thiệt mạng. Riêng ngày 16/5 vừa qua được xem là ngày tang thương nhất của Dải Gaza trong đợt xung đột lần này khi Israel không kích tới khoảng 90 mục tiêu thuộc khu vực ven biển đông dân cư khiến ít nhất 42 người Palestine thiệt mạng và nhiều người khác bị thương.
Toan tính của các bên
Giao tranh căng thẳng trong hơn một tuần qua ở Dải Gaza là lần giao tranh thứ 4 trong lịch sử giữa Israel và phong trào Hamas ở Palestine. Theo các nhà phân tích, cả Israel và Hamas đều hiểu nếu để nổ ra một cuộc chiến tranh Gaza lần thứ 4 thì hậu quả sẽ còn kinh khủng hơn ba lần giao tranh trước rất nhiều.
Còn nhớ trong ba đợt giao tranh vào các năm 2009, 2012 và 2014, thì đợt đụng độ vào năm 2014 là nghiêm trọng nhất khi làm 2.100 người Palestine và hơn 70 người Israel thiệt mạng, cùng 10.000 người khác bị thương. Do đó, giới chuyên gia kỳ vọng cuối cùng hai bên sẽ đi được tới một thỏa thuận đình chiến được quốc tế làm trung gian và giám sát thực thi, tương tự như hiệp định đình chiến không chính thức do quốc tế làm trung gian để chấm dứt các cuộc giao tranh như hồi năm 2009, 2012 và 2014.
Dự đoán về những diễn biến sắp tới ở Trung Đông, các nhà phân tích cho rằng, các bên có thể đạt được một thỏa thuận đình chiến vào đầu tuần tới với vai trò trung gian của Liên hợp quốc và các nước, đặc biệt là Mỹ và Ai Cập, trong đó Mỹ sẽ gây sức ép với Israel, còn Ai Cập sẽ hối thúc các phe phái ở Palestine. Đến nay, một số nguồn tin an ninh cấp cao của Israel cũng cho biết chiến dịch tấn công vào Dải Gaza lần này cũng sắp kết thúc sau khi quân đội nước này đã gây thiệt hại lớn cho hệ thống sản xuất tên lửa của Hamas nói riêng và nhóm vũ trang Hồi giáo khác nói chung hoạt động tại đây.
Dù vậy, trước khi đi đến một thỏa thuận như vậy, mỗi bên đều đang có những toan tính riêng.
Với Israel, mục đích của những đợt tiến công lần này có thể là ám sát một chỉ huy hàng đầu của Hamas, hoặc phá hủy đủ số lượng đường hầm, bệ phóng rocket và các cơ sở hạ tầng khác, để tuyên bố rằng họ đã trấn áp tạm thời lực lượng Hamas.
Ngoài ra, sau 4 cuộc bầu cử kéo dài trong vòng 2 năm qua mà không phân thắng bại, khiến Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu không thể thành lập chính phủ và phải nhường quyền thành lập chính phủ cho nhóm đối lập, xung đột giữa Israel và Hamas bùng nổ "đúng lúc" được nhiều chuyên gia nhận định có thể ngăn chặn sự thay đổi chính phủ ở Israel. Đây được xem là toan tính của Thủ tướng Netanyahu.
Còn với Hamas, mục tiêu của họ có thể là bắt giữ được binh lính Israel để sau đó có thể mang ra trao đổi lấy những người Palestine đang bị Israel cầm tù. Tiếp đến là phóng thêm được vài quả rocket tầm xa vào các thành phố lớn ở Israel để thể hiện sức mạnh của một tổ chức vũ trang của Palestine khi đối đầu với đối thủ mạnh hơn nhiều.
Thêm vào đó, trong bối cảnh cuộc bầu cử ở Palestine đang đến gần, việc phóng rocket vào Israel được cho là toan tính của lực lượng Hamas nhằm đạt được ưu thế hơn so với Phong trào Giải phóng dân tộc Palestine (Fatah) trong cuộc bầu cử tới đây.
Tuy nhiên, điều giới chuyên gia lo ngại là nguy cơ cuộc xung đột lần này leo thang tới mức hai bên không kiểm soát được. Chẳng hạn, việc một thủ lĩnh Hamas bị ám sát, hay binh sĩ Israel bị bắt giữ sẽ có thể khiến tình hình leo thang nghiêm trọng hơn, và nhiều khả năng dẫn đến cái chết của một số lượng lớn thường dân vô tội ở Dải Gaza.
Còn hiện tại, các hoạt động ngoại giao quốc tế đang được tích cực tiến hành với nhiều giải pháp được đưa ra. Tuy nhiên, nút thắt này được đánh giá là khó gỡ khi nó xảy ra “đúng thời điểm” được cho là mang lại lợi ích chính trị cùng những toan tính riêng của các bên trong cuộc xung đột. Bởi vậy, với một khu vực Trung Đông vô cùng phức tạp, triển vọng hạ nhiệt căng thẳng trong những ngày tới là những điều rất khó đoán định.
Trọng Đức/TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất