Kết thúc vài ngày trước, Liên hoan Chèo toàn quốc 2022 diễn ra tại tỉnh Hà Nam đã trao giải Vở diễn xuất sắc cho Đất liền và biển cả của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Thanh Hóa. Điều đáng nói, đây cũng có thể coi là vở diễn duy nhất tại liên hoan mang đậm dấu ấn của cuộc sống hôm nay.
1. Vở Đất liền và biển cả (tác giả: Nguyễn Đăng Chương, đạo diễn: NSND Hải Thọ) gắn với số phận của người chiến sĩ hải quân tên Quân. Anh nhận nhiệm vụ ra Trường Sa công tác khi mẹ mắc bệnh ung thư, còn vợ sắp sinh. Mẹ Quân muốn con tiếp tục hành trình ra giữ đảo như người bố đã hy sinh trước đó, còn vợ anh muốn chồng được ở nhà. Sự băn khoăn giữa trách nhiệm với tổ quốc và gánh nặng gia đình ở nhân vật chính đã mở ra nhiều xung đột cho câu chuyện…
Gắn với hai câu chuyện nơi đất liền và biển cả, vở diễn cũng là sự đan xen của hai không gian khác nhau: cuộc chiến của những người lính đảo Trường Sa và “cuộc chiến” ở quê nhà, nơi người thân phải vượt qua vất vả, cô đơn bằng niềm tin, sự tự hào về những người lính biển. Bên cạnh giải xuất sắc cho vở diễn, Đất liền và biển cả còn nhận giải Biên kịch xuất sắc cho tác giả Nguyễn Đăng Chương - người từng là chiến sĩ hải quân Trường Sa và đã nhiều năm ấp ủ ý tưởng cho kịch bản này.
Trong khi đó, 6 vở diễn đoạt huy chương Vàng tại liên hoan đều gắn với các đề tài lịch sử hoặc dân gian. Cụ thể, Linh Từ quốc mẫu (Nhà hát chèo Hà Nội) lấy bối cảnh đầu thời Trần; Khóc giữa trời xanh (Trung tâm Văn hóa nghệ thuật tỉnh Hà Nam) nói về thái sư Lê Văn Thịnh thời Lý; Mật chỉ giữa hoàng cung (Nhà hát chèo Quân đội) gắn với vương triều Lê Thánh Tông; còn Vang bóng một thời (Đoàn chèo Hải Phòng) là câu chuyện thời Nguyễn. Ngoài ra, Thiên duyên huyền tích (Nhà hát chèo Thái Bình) lấy cảm hứng từ huyền thoại Tiên Dung - Chử Đồng Tử; trong khi Nguyễn Đình Nghị (Nhà hát chèo Hưng Yên) nói về thời Pháp thuộc.
Thực tế, không phải toàn bộ các vở diễn đều có đề tài dân gian hoặc lịch sử, dã sử. Nếu sử dụng khái niệm “hiện đại” theo nghĩa rộng như từng có, một số vở diễn tại liên hoan nằm ở trường hợp này. Điển hình, đó là Những vì sao không tắt (Trung tâm Văn hóa nghệ thuật tỉnh Hà Nam) với nội dung tôn vinh sự hy sinh của 10 nữ dân quân tại Lam Hạ trong chiến tranh chống Mỹ; vở Lưu Xá - một thời hoa lửa (Trung tâm Văn hóa nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên) nói về sự hy sinh của 60 thanh niên xung phong tại ga đường sắt Lưu Xá năm 1972; hoặc vở Trọn đời vì nước non gắn với hình ảnh cố Tổng bí thư Trường Chinh trong giai đoạn tiền khởi nghĩa. Cũng bởi vậy, như thống kê được đưa ra trước đó, liên hoan có khoảng 60% vở mang đề tài dân gian, lịch sử và 40% tác phẩm mang đề tài hiện đại.
Nhưng, như nhận xét của PGS Trần Trí Trắc (Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật của liên hoan) trong lễ bế mạc: “Những sự kiện, hành động, con người không phải của ngày hôm nay trong cơ chế thị trường hội nhập quôc tế, thì đều thuộc về quá khứ. Như vậy, Liên hoan Chèo toàn quốc 2022 là liên hoan mang đề tài thuộc về quá khứ. Vì đề tài đó đã chiếm 26/27 vở, tức là chỉ có một vở mang đề tài hôm nay”.
2. Hiện trạng này không khó hiểu, bởi do đặc trưng về loại hình, các kịch bản mang yếu tố lịch sử và dân gian luôn là thế mạnh của sân khấu chèo, trong khi việc đưa môn nghệ thuật truyền thống này tiếp cận với đời sống đương thời vẫn ít nhiều mang tính “tìm đường” trong suốt vài chục năm qua. Và ở góc độ khác, để được khán giả đón nhận, bản thân những vở chèo về đề tài dân gian, lịch sử cũng đều phải hàm chứa những thông điệp liên quan tới hiện thực, mang hơi thở của cuộc sống hôm nay.
Dù vậy, như phân tích của PGS Trần Trí Trắc, khi xã hội Việt Nam đã có những bước chuyển căn bản từ năm 1986 trở lại đây, việc sân khấu chèo vẫn thiếu vắng những vở diễn thể hiện “xung đột trung tâm, nhân vật trung tâm, hành động trung tâm” của giai đoạn mới là một điều đáng tiếc.
“Tất nhiên, thể hiện đề tài cuộc sống đương thời đối với chèo là khó. Nhưng đừng quên, đề tài chủ yếu của chèo cổ là cũng người đương thời” - PGS Trần Trí Trắc nói - “Đề tài đương thời của chèo rất cần thiết để các nghệ sĩ được xứng danh là “thư ký thời đại” và sẽ là một giải pháp quan trọng cho chèo có được khán giả của mình. Khán giả đó đang đòi hỏi các nghệ sĩ phải tự đổi mới mình để có mô hình chèo kiểu mới, sáng tác kịch bản, đạo diễn và biểu diễn chèo kiểu mới”.
Sự thực, nhu cầu có thêm những vở chèo mang đề tài về cuộc sống hôm nay cũng là một bài toán khó trong nhiều năm qua của bộ môn nghệ thuật này. Trong đó, điều dễ nhận thấy nhất là việc thiếu vắng những kịch bản chèo hay về đời sống đương thời. Tuy nhiên, đặt trong khó khăn chung về kịch bản của cả nền sân khấu, câu chuyện này không dễ giải quyết.
- Dấu ấn Chèo Hà Nội tại Liên hoan Chèo toàn quốc 2022
- Liên hoan Chèo toàn quốc 2022: ‘Giữ lửa’ nghệ thuật truyền thống
- Hơn 1.250 diễn viên tham gia 'Liên hoan Chèo toàn quốc 2022'
Đơn cử, chính tại liên hoan này, như tổng kết của Hội đồng nghệ thuật, lực lượng tác giả tuy xuất hiện thêm một số gương mặt mới, nhưng nhìn chung đội ngũ biên kịch chèo vẫn chưa đông, chưa mạnh, vẫn còn những hạn chế nhất định. Do đó, một số vở diễn dự thi vẫn sử dụng những tích cũ, trò cũ, nhiều vở có kết cấu lỏng lẻo, yếu về thắt nút và mạch chuyện. Đặc biệt, nhiều vở diễn có lời thoại thiếu tính văn học, hoặc để tính kịch át tính trữ tình của chèo - giống như hiện tượng “chèo pha kịch nói” mà người trong nghề từng phản ứng. Đây cũng là điều dễ hiểu, khi nhiều kịch bản chèo tại liên hoan được chuyển thể từ kịch nói.
Khép lại một kỳ liên hoan, nhu cầu về những vở chèo gắn với cuộc sống hiện nay đã mở ra, nhưng để làm được, có lẽ cần một tầm nhìn và một tổng lực dài hơi hơn. Ví dụ, có thể tổ chức riêng thêm liên hoan dành cho những vở chèo về cuộc sống hôm nay, để qua đó khảo sát năng lực của các đơn vị và thăm dò cả “khẩu vị” của khán gỉa.
Ngoài 1 giải Vở diễn xuất sắc và 6 huy chương Vàng, Liên hoan còn trao 6 huy chương Bạc, 4 huy chương Đồng cho các vở diễn. Ở góc độ cá nhân, Liên hoan đã trao 41 huy chương Vàng, 66 huy chương Bạc và 9 huy chương Đồng. |
Trí Uẩn
Tags