(Thethaovanhoa.vn) - Tối 28/9, tại sân đền Kiếp Bạc thuộc Khu di tích Quốc gia đặc biệt Côn Sơn - Kiếp Bạc, thị xã Chí Linh- tỉnh Hải Dương, Ban Tổ chức lễ hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc năm 2018 đã tổ chức Liên hoan diễn xướng hầu thánh. Đây là một trong những hoạt động nhằm tiếp tục tôn vinh những giá trị của di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại: “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” đã được UNESCO công nhận.
- Lào Cai: Trình diễn thực hành nghi thức hầu đồng trước hàng ngàn du khách
- Trước khi được vinh danh, 'hầu đồng' từng khiến khán giả Trung Quốc mê mẩn
Theo tín ngưỡng dân gian, Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn được nhân dân suy tôn là Đức Thánh Trần. Ngài cũng là Giáo chủ của dòng Đạo nội, một dòng đạo đậm yếu tố tín ngưỡng dân gian với một hệ thống các vị thánh trong Hội đồng Trần triều. Hầu thánh còn gọi là hầu đồng, lên đồng, là nghi thức sinh hoạt tâm linh cổ truyền ở Kiếp Bạc. Hiện nay, diễn xướng ở lễ hội Kiếp Bạc chủ yếu hầu mừng Thánh với những phần diễn xướng tái hiện nhân vật lịch sử Hưng Đạo Đại Vương và các tướng lĩnh Trần triều đã lãnh đạo quân dân Đại Việt ba lần đại thắng quân Nguyên Mông, ngợi ca công đức của Đức Thánh Trần và các bậc tiền nhân có công với nước.
Ban quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc cho biết, từ năm 2006, diễn xướng hầu thánh đã được phục dựng ở Lễ hội mùa thu hàng năm tại đền Kiếp Bạc gắn với lễ tưởng niệm ngày mất của Đức Thánh Trần, nhằm thỏa mãn nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng tâm linh cũng như nhu cầu thưởng thức nghệ thuật trình diễn dân gian đặc sắc của nhân dân.
Diễn xướng hầu thánh có sự tổng hợp các yếu tố ca, múa, diễn xướng, bái tế, ban lộc, trừ tà nên có sức hấp dẫn đặc biệt với người Việt từ xưa đến nay. Nhiều năm qua, diễn xướng hầu thánh trở thành một trong những nội dung đặc sắc tại lễ hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc thu hút đông đảo nhân dân địa phương và du khách trong nước, quốc tế quan tâm thưởng thức.
TTXVN/Mạnh Minh
Tags