Vừa qua tại Trung tâm Văn hóa Pháp, Hà Nội đã diễn ra Festival Clap! Hà Nội (từ 17 đến 25/1/2015) - một liên hoan phim dành cho các tài năng mới, do Viện Pháp tại Việt Nam tổ chức. Tại đây Phở đã được giới thiệu như một trong những sản phẩm sáng tạo điển hình trên Internet.
Sức mạnh của Internet
Không khó để nhận thấy ngày càng nhiều đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình Internet xuất hiện tại Việt Nam và đang cạnh tranh rất gay gắt với truyền hình cáp. Bản thân các đài truyền hình cũng đang phải tự số hóa theo nhiều cách để có thể sống trong thời đại Internet.
Đài truyền hình Việt Nam năm 2014 đã phải lập một kênh riêng trên YouTube để phát sóng lại các chương trình của mình, thay vì để các cá nhân ăn cắp bản quyền tải lên Internet vô tội vạ.
Các nhà sản xuất chương trình truyền hình thức thời cũng ra sức tận dụng nguồn lực từ Internet. Ra mắt trên truyền hình vào năm 2013 nhưng chỉ trong vòng một năm bộ phim sitcom 5S Online trở nên cực "hot". 5S Online hiện đang là một trong những chương trình dẫn đầu về rating trên VTV6. Ngoài ra, kênh riêng của 5S Online trên YouTube cũng đã thu hút hàng trăm triệu lượt truy cập, đem lại nguồn thu nhập rất tốt cho nhà sản xuất.
Sự tăng trưởng của 5S Online tốt tới mức đã khiến đạo diễn Nguyễn Hữu Trọng, nhà sản xuất của 5S Online quyết định dồn toàn lực cho dự án, không nhận làm phim khác. Vừa qua anh đã dựng một trường quay mới để phát triển phần 2 của bộ phim với 300 tập.
Ra đời năm 2013, sản phẩm Rapnews của báo điện tử Vietnam+ được coi là một sản phẩm đột phá. Số đầu tiên của Rapnews sau 48 giờ đã thu hút 1 triệu lượt xem. Tổng biên tập Vietnam+, ông Lê Quốc Minh cho biết: "Độc giả của chúng tôi phần lớn từ trên 30 tuổi. Để thu hút độc giả trẻ từ 15 đến 25 chúng tôi đã làm Rapnews. Đây là chương trình để làm thương hiệu cho Vietnam+". Hiện nay Rapnews không chỉ được phát trên website của Vietnam+ mà còn được quảng bá rộng rãi trên YouTube, Facebook, liên kết với kênh dành cho giới trẻ như Yan TV.
Nỗi lo sợ từ Internet
Phở chỉ là những clip vui về cuộc sống, do một nhóm các bạn trẻ thực hiện nhưng sức lan tỏa của nó trên Internet thực sự khủng khiếp. Những sản phẩm kiểu như thế này đang dần kéo khán giả trẻ xa rời màn hình ti-vi, thậm chí cả màn ảnh rộng.
Tại Clap! Hà Nội, BTC đã giới thiệu về Studio Bagel, một hiện tượng trên mạng tại Pháp. Những bộ phim ngắn của studio này thu hút lượt xem trên YouTube nhiều đến mức kênh truyền hình danh tiếng tại Pháp là Cannal Plus đã mua lại những bộ phim này để phát sóng.
Mắt liên kết (L'Ceil De Links) của Cannal Plus cũng là một trường hợp cho thấy truyền hình không thể thờ ơ với những tác phẩm trên Internet. Bà Catou Liret, nhà sản xuất Mắt liên kết cho biết, nhận thấy trên Internet có rất nhiều clip sáng tạo của các nghệ sĩ thị giác, Cannal Plus đã đứng ra "thu gom", tổ chức giới thiệu trên truyền hình trong chương trình mang tên Mắt liên kết và quảng bá rất mạnh mẽ trên mạng xã hội Facebook. Nhờ cách tổ chức tốt nên hiện nay chương trình này trên Cannal Plus đã thu hút 2 triệu thuê bao.
Nhà sản xuất phim David Puttnam mới đây đã cung cấp số liệu theo thống kê khán giả xem phim tại Mỹ. Bảng số liệu cho thấy lượng người xem truyền hình tại Mỹ đang dần giảm và lượng người xem phim bằng cách download từ trên mạng đang tăng nhanh. Và khán giả của điện ảnh Mỹ độ tuổi từ 15 đến 34 tuổi chiếm tới 52%. |
Ngọc Diệp
Thể thao & Văn hóa
Tags